Hoạt động cấp giấy chứng nhận GAP: Cần xã hội hóa

Thứ tư, ngày 18/01/2012 07:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các chuyên gia ngành nông nghiệp đều cho rằng cần xã hội hóa hoạt động cấp giấy chứng nhận GAP để giảm chi phí giá thành và nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động này.
Bình luận 0

"Gần 200 triệu đồng cho một lần tái chứng nhận Global GAP là quá đắt, trong khi các đơn vị cấp giấy chứng nhận không làm gì cả mà thu một số tiền lớn như vậy thì chẳng khác nào bóc lột sức lao động của nông dân" - TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam bức xúc.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa, cũng nhận định rằng chi phí để một lần tái chứng nhận VietGAP 10 - 20ha cây ăn trái mà đến 70 - 80 triệu đồng như hiện nay là quá cao. "Nên giảm xuống còn 20 - 30 triệu đồng là phù hợp hơn. Bởi đây chính là mức phí mà Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đang thu thì không có lý gì các đơn vị khác lại thu mắc gấp 3, 4 lần như thế" - ông Hóa khẳng định.

Ông Hóa cho rằng cần phải xã hội hóa hoạt động này, mở rộng ra cho thêm nhiều đơn vị tham gia để cạnh tranh về giá cả, không nên để độc quyền cho một vài đơn vị như hiện nay rất dễ thao túng về giá. Các đơn vị này phải công khai giá chứng nhận với từng mục rõ ràng, phải có định mức tiền tái chứng nhận chỉ bằng½, thậm chí 1/3 so với năm đầu tiên để theo đó, nông dân và các HTX có thể lựa chọn đơn vị cấp chứng nhận phù hợp nhất cho mình.

"Chứ để như hiện nay, mỗi đơn vị làm mỗi kiểu, tự định ra mỗi mức phí khác nhau, không ai quản lý, không ai kiểm soát, để lấy giá trên trời như thế thì nông dân và các HTX làm sao có thể theo lâu dài mô hình GAP được" - TS Võ Mai phân tích.

Một khi mức phí chứng nhận và tái chứng nhận đã được giảm theo đúng với giá trị của nó thì việc các HTX trích ra một phần lợi nhuận để chi trả cho khoản này sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bởi nói gì thì nói, các HTX phải tự đi lên bằng chính nội lực bản thân mình, Nhà nước không thể bao cấp mãi. Muốn thế, HTX phải làm ăn có lãi, có đầu ra ổn định và ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ hơn.

"Sản phẩm GAP phải đầu tư với chi phí tốn kém hơn sản phẩm thường nên HTX nào muốn làm, trước tiên phải kiếm được doanh nghiệp cùng tham gia với mình, bao tiêu cho sản phẩm HTX với giá mua cao hơn giá sản phẩm thường thì HTX mới mong giữ vững chứng chỉ GAP lâu dài được” - ông Hóa nhận định. Bởi trong thời buổi hội nhập hiện nay, sản phẩm nào mà không có GAP thì không những không thể mở rộng thị trường xuất khẩu, mà ngay cả thị trường nội địa cũng khó tiêu thụ được".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem