Học nghề để thoát nghèo

Thứ năm, ngày 28/04/2011 10:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 5 năm hoạt động, đến nay, Trung tâm Dạy nghề Lục Yên (Yên Bái) đã đào tạo nghề cho hàng ngàn lao động nông thôn và tìm việc làm cho hàng trăm học viên sau khi học nghề.
Bình luận 0

Dạy theo nhu cầu ND

img

Học viên lớp học may tại Trung tâm Dạy nghề Lục Yên.

Theo ông Lưu Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề (ttdn) Lục Yên, căn cứ vào điều kiện, thế mạnh của địa phương và nhu cầu của người dân, Trung tâm chủ yếu đào tạo nghề ở 2 lĩnh vực: Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi thú y, nuôi thuỷ sản nước ngọt, chế biến nông sản) và lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (may, xây dựng, cơ khí, sửa chữa điện dân dụng, làm tranh đá quý...).

Ông Dũng cho biết, hình thức đào tạo là mở lớp tại Trung tâm và mở các lớp đào tạo ngắn hạn tại các xã. Từ năm 2005 đến nay, Trung tâm đã mở 128 lớp dạy nghề cho 3.400 lao động nông thôn. Song song với đào tạo nghề, Trung tâm phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, các doanh nghiệp, các trường nghề trong và ngoài huyện giới thiệu, tư vấn cho 704 lao động đi làm việc trong nước và đi xuất khẩu. Nhiều lao động được Trung tâm giới thiệu vào làm việc tại các công ty lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, đặc biệt riêng nghề làm tranh đá quý đã có 210 lao động tham gia ở các nơi.

Vợ chồng cùng học

Tham gia lớp học may, vợ chồng tôi cũng như nhiều anh chị em trong lớp chỉ mong sao học xong tìm được việc làm để tăng thu nhập.

Vợ chồng chị Nông Thị Huống (dân tộc Tày) ở xã Lâm Thượng kể, do hoàn cảnh khó khăn, học hết THPT, vợ chồng chị không thể theo học tiếp. Sau ngày cưới, anh chị đã được cha mẹ cho 2 sào ruộng và ra ở riêng. Đất ít, để tìm được một việc làm nơi quê nghèo rất khó nên khi được cán bộ Hội ND giới thiệu, tư vấn, vợ chồng chị đến Trung tâm Dạy nghề Lục Yên đăng ký học nghề may. Ngày nào cũng vậy, gửi con nhỏ cho ông bà, vượt hàng chục cây số, anh chị đèo nhau ra trung tâm huyện học nghề. "Vợ chồng mình mong sau khi học xong sẽ tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định để cuộc sống bớt khó khăn"- chị Huống tâm sự.

Vợ chồng anh Hoàng Văn Tăng cùng xã Lâm Thượng lấy nhau đã 6 năm và cùng nhau sáng tối quần quật trên nương, đi làm mướn làm thuê mà vẫn nghèo. “Tham gia lớp học may, cũng như nhiều anh chị em trong lớp, vợ chồng tôi chỉ mong sau khi học xong tìm được việc làm" - anh Tăng bày tỏ.

Chị Lê Thị Nhưng - giảng viên lớp may cảm phục: "Trong lớp có rất nhiều các cô, các chị đã lớn tuổi, cả những học viên nam và đặc biệt là các đôi vợ chồng học rất chăm chỉ". Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện đi học tập vì hầu hết ND đều có hoàn cảnh. Đi học tuy không mất tiền học phí, nhưng các chi phí khác cũng là gánh nặng với họ. Chị Lý Thị Dầm - học viên lớp may phân trần: "Đi học tuy không mất tiền học phí, nhưng tiền đi lại, ăn uống với chúng tôi rất khó khăn. Nhiều lúc chúng tôi phải nghỉ học để ở nhà lên nương".

Về giải pháp để tiếp tục thu hút ND đi học nghề, ông Lưu Mạnh Dũng cho biết: "Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc liên kết với các trường, các cơ sở đào tạo nghề, liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tìm việc làm cho các học viên; đồng thời tăng cường phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tuyên truyền học nghề, hướng nghiệp cho các hội viên của mình".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem