Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu với cán bộ, hội viên, nông dân
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu đối thoại với hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Thanh Ngân
Thứ sáu, ngày 15/12/2023 20:42 PM (GMT+7)
Sáng nay (15/12), tại Hội trường lớn Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh Lai Châu đã diễn ra Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu với hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ hội nông dân và chủ thể sản phẩm OCOP năm 2023.
Lai Châu có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp
Ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu và ông Dương Đình Đức – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu chủ trì Hội nghị đối thoại.
Phát biểu tại Hội nghị đối thoại, ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng, quan tâm tới vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách về phát triển tam nông. Đối với Lai Châu, từ khi chia tách, thành lập đến nay, tỉnh cũng đặc biệt coi trọng đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Khi chia tách, tỉnh Lai Châu có hơn 2.000 ha chè và một số cánh đồng lúa tập trung ở: Than Uyên, Tam Đường… nhưng sản xuất lúc đó chưa thực sự hiệu quả, chưa theo hướng sản xuất hàng hóa. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh khi đó cũng rất cao, hơn 60%.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn như vậy, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: Cánh đồng 50 triệu, cải tạo tầm vóc và chất lượng đàn gia súc, chính sách phát triển cây quế, cây chè, cây sơn tra, mắc ca, nuôi trồng thủy sản…
Nhiệm kỳ này, trong 4 chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh thì có tới 2 chương trọng tâm về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và phát triển nông sản hàng hóa tập trung.
Nhờ đó, đến nay, tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Toàn tỉnh có 39/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2015 – 2020. Trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như: Vùng chè khoảng 10.000 ha, cao su xấp xỉ 13.000 ha, quế hơn 10.000 ha, vùng cây ăn quả hơn 8.000 ha…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu mong muốn, tại Hội nghị đối thoại này, cán bộ, hội viên nông dân và các chủ thể OCOP có nhiều câu hỏi, ý kiến tham gia đóng góp thẳng thắn. Qua đó để cấp ủy, chính quyền các cấp và các cấp Hội Nông dân nắm được tâm tư, nguyện vọng cũng như các cơ chế, chính sách hiện đang triển khai trên địa bàn tỉnh, có những thuận lợi, khó khăn gì đối với hội và có những giải pháp gì cần tháo gỡ, thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển tốt hơn.
Nhiều câu hỏi liên quan đến chế độ, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn
Ông Dương Đình Đức – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, cho biết: Để tập hợp đầy đủ các vấn đề mà cán bộ, hội viên, nông dân quan tâm, mong muốn được đại diện lãnh đạo, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh trả lời, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố xin ý kiến cấp ủy, thực hiện khảo sát, lấy ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân và các chủ thể sản phẩm OCOP trong toàn tỉnh.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã nhận được 67 câu hỏi, ý kiến phản ánh, đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân. Sau khi thẩm định đã phân loại thành 5 nhóm vấn đề với 34 câu hỏi thuộc lĩnh vực, thẩm quyền của một số sở, ngành và của lãnh đạo UBND tỉnh.
Tại Hội nghị đối thoại, các cán bộ Hội Nông dân, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và các chủ thể sản phẩm OCOP năm 2023 đã nêu 13 câu hỏi, tập trung vào các chế độ, chính sách có liên quan đến nông dân, như: Giải pháp hỗ trợ cụ thể đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vào hệ thống siêu thị trong nước; Hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia hội trợ ngoại tỉnh; Xem xét mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ các cây, con giống khác theo Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; Giải pháp nhu cầu nước tưới tiêu cho đồng ruộng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; Chủ trương, giải pháp duy trì và phát triển các ngành nghề sau các lớp đào tạo nghề ngắn hạn; Chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư tại tỉnh, tạo việc làm cho người dân…
Đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Lai Châu đã trả lời và làm rõ thêm các nội dung mà các đại biểu đưa ra.
Lai Châu tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương
Theo anh Đỗ Xuân Thắng, hội viên chi Hội Nông dân tổ dân phố 5 (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên), hiện nay hội viên nông dân tại các huyện Mường Tè, Tân Uyên... đang phát triển một số mô hình như chăn nuôi dúi quy mô nhỏ và vừa, có khả năng phát triển và nhân rộng.
Tỉnh Lai Châu cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp cho bà con nông dân, song đối với vật nuôi này thì chưa có chính sách cụ thể. Anh Thắng bày tỏ mong muốn tỉnh Lai Châu xem xét, mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ các cây, con giống khác theo Nghị quyết số 07 của Hội đồng nhân dân tỉnh để hỗ trợ hội viên, nông dân khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Trả lời vấn đề anh Thắng nêu ra tại Hội nghị đối thoại, ông Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, cho biết: Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh tập trung chủ yếu vào các đối tượng, mặt hàng chủ lực của tỉnh, có số lượng đủ lớn nhằm phát triển theo hướng tập trung hàng hóa, trên cơ sở nhu cầu thị trường, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững. Đối với các động vật hoang dã được phép chăn nuôi, tỉnh khuyến khích hội viên, nông dân chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, đa dạng sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh số cơ sở chăn nuôi đối tượng này không nhiều, số lượng vật nuôi ít, không thể phát triển thành hàng hóa chủ lực. Nguồn lực của tỉnh có hạn nên không thể hỗ trợ dàn trải nhiều đối tượng vật nuôi, chỉ tập trung vào hỗ trợ để phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân
Ông Lò Văn Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Sỏ (Tân Uyên) cho hay: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói chung, huyện Tân Uyên nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu giải quyết việc làm cho người dân, dẫn đến tình trạng người dân đi lao động, làm ăn xa.
Ông Thuận nêu câu hỏi: Thời gian tới, tỉnh có những chính sách nào để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư tại tỉnh, tạo việc làm ổn định cho người dân trên địa bàn mà không phải rời bỏ quê hương?
Trả lời vấn đề này, ông Nùng Văn Nim – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, cho hay: Để thu hút doanh nghiệp đến đầu tại tỉnh, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân, trong thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh về quy hoạch, đa dạng kênh đầu tư, cơ chế chính sách hấp dẫn, thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản nhằm đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.
Đồng thời triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm
Tại Hội nghị đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã tiếp thu các câu hỏi, ý kiến tham gia của các đại biểu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Những nội dung đã trả lời, làm rõ tại Hội nghị đối thoại và những nội dung chưa được trả lời tại hội trường, Ban tổ chức xin tiếp thu, tổng hợp và có văn bản báo cáo chi tiết gửi đến các cấp Hội Nông dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, các cấp hội nông dân cần bám vào quy hoạch của tỉnh, bám vào định hướng lớn về cơ chế, chính sách của tỉnh, thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng tốt các chính sách.
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách đến với hội viên, nông dân.
Các cấp hội và bà con nông dân cần quan tâm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là quan tâm tới định hướng liên kết trong tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm đồng nhất, đủ tiêu chuẩn, đủ sức cạnh tranh để vươn ra thị trường bên ngoài, đem lại giá trị cao hơn và nâng cao thu nhập cho nông dân…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.