Hội Nông dân Bắc Giang tích cực hỗ trợ nông dân quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP
Hội Nông dân Bắc Giang tích cực hỗ trợ nông dân quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP
Thu Hà
Thứ bảy, ngày 07/10/2023 07:00 AM (GMT+7)
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tích cực hỗ hội viên, nông dân, HTX mang các sản phẩm OCOP tham gia các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương. Thông qua các hoạt động này, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP đã đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.
Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 tổ chức vào tháng 7 vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Quảng trường 3/2 (TP Bắc Giang), Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 12 gian trưng bày gần 200 sản phẩm OCOP, nông sản chủ lực và đồ mỹ nghệ đến từ 10 huyện, TP trong tỉnh.
Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh.
Đồng thời, hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP và đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Là một trong những HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Đại hội, gian hàng của HTX sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung, huyện Tân Yên được nhiều đại biểu thăm quan và mua hàng.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung cho biết: Năm 2022, HTX đã được Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang hỗ trợ tư vấn, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để tham dự đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang. Chúng tôi rất phấn khởi khi sản phẩm "Trà nụ hoa sâm Nam núi Dành" của HTX đã được công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Giang.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, từ khi HTX đạt sản phẩm OCOP 4 sao, lượng tiêu thụ sản phẩm "Trà hoa sâm Nam núi Dành" ngày càng tăng, giá sản phẩm cũng cao hơn. Đặc biệt thông qua các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương do các cấp Hội Nông dân tổ chức, sản phẩm "Trà hoa sâm Nam núi Dành" của HTX ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và đón nhận sản phẩm.
Tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Hội Nông dân huyện Yên Dũng là đơn vị có gian trưng bày số sản phẩm OCOP nhiều nhất với 22 sản phẩm. Ông Nguyễn Mạnh Chiến – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Dũng cho biết: Hội Nông dân huyện Yên Dũng xác định hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho hội viên nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cùng kiến tạo cho hội viên sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã hướng dẫn thành lập được 25 tổ hợp tác sản xuất kinh doanh; phối hợp thành lập mới 10 HTX. Các mô hình kinh tế tập thể này rất tích cực tham gia chương trình OCOP".
Xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch sinh thái OCOP
Cũng tham gia gian hàng OCOP của Hội Nông dân huyện Yên Thế tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang vừa qua, chị Lý Thị Hợi - Giám đốc Hợp tác xã Thân Trường (huyện Yên Thế) cho biết: HTX thành lập năm 2013, lúc đầu tập trung sản xuất chè, năm 2019 thì mở rộng làm du lịch cộng đồng. Với sản phẩm chè, HTX đang liên kết với 20 hộ dân, diện tích khoảng 30ha, sản lượng cung cấp ra thị trường hàng năm đạt 10-12 tấn khô (tương đương 40-50 tấn tươi).
"Để nâng cao thương hiệu, giá trị, năm 2022, HTX chúng tôi đã được Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang và Hội Nông dân huyện Yên Thế hỗ trợ để sản phẩm Du lịch sinh thái, văn hoá Bản Ven được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Bắc Giang"- chị Lý Thị Hợi cho biết.
Trao đổi nét nổi bật về sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven đạt OCOP 3 sao, chị Hợi tâm sự, trước đây, các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, thiên về số lượng, giá thành thấp, từ khi HTX làm nhãn hiệu chè xanh bản Ven, các hộ dân được hưởng từ nhãn hiệu, giá bán của sản phẩm tăng 30-50%. Trước giá khoảng 100.000 đồng/kg, bây giờ dao động từ 250.000-300.000 đồng/kg. Chất lượng chè tăng lên, người dân không đi sâu vào tăng sản lượng mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có khu vực sản xuất theo hướng hữu cơ.
Hiện, HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng và khoảng 20-30 lao động mùa vụ.
"Khi phát triển du lịch, đường giao thông thay đổi rất nhiều, cảnh quan môi trường được chỉnh trang đẹp hơn, các gia đình đều chỉnh trang nhà cửa để thu hút du khách. Phát triển du lịch, người dân có thêm khoản thu từ khách đến thăm và trực tiếp hái chè, có thêm nguồn thu khi biểu diễn văn nghệ phục vụ khách"- chị Lý Thị Hợi cho biết.
Toàn tỉnh hiện có 253 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 31 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao. Bắc Giang đứng trong tốp đầu các tỉnh, TP có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP. Để góp phần thúc đẩy thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, thời gian qua các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tích cực hỗ trợ, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Hội Nông dân tham gia các sự kiện trưng bày, quảng bá, hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại không chỉ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang mà còn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Đơn cử, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với bưu điện đưa các sản phẩm tham gia Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại tỉnh Sơn La. Hay năm 2023, Hội Nông dân Bắc Giang phối hợp với Hội Nông dân TP Hà Nội đưa các sản phẩm OCOP của nông dân Bắc Giang quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội.
Đồng thời, Hội Nông dân Bắc Giang hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã đưa các sản phẩm nông sản lên quảng bá trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và các sàn thương mại điện tử khác…
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Lã Văn Đoàn cho biết, để hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng thương hiệu cũng như đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian tới các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Hội tiếp tục tư vấn trực tiếp các chủ thể tham gia chương trình OCOP để phát triển mới sản phẩm theo chu trình OCOP thường niên gồm 6 bước: tuyên truyền hướng dẫn, nhận ý tưởng sản phẩm, kế hoạch sản xuất kinh doanh, triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại.
Hội Nông dân tỉnh tập trung hướng dẫn, hỗ trợ 20 sản phẩm đề nghị công nhận sản phẩm OCOP năm 2023; 20 sản phẩm duy trì, củng cố nâng cao chất lượng. Đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm OCOP theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị đối với sản phẩm nếp cái hoa vàng xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đồng hành hỗ trợ hội viên xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP
Vui lòng nhập nội dung bình luận.