Hội Nông dân Quảng Nam giúp nông dân đưa công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản
Hội Nông dân Quảng Nam giúp nông dân đưa công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản
Trương Hồng - Hoài Tâm
Thứ năm, ngày 08/08/2024 18:59 PM (GMT+7)
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số là một trong những xu thế tất yếu hiện nay để đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh tiến xa hơn nữa trên thị trường trong và ngoài nước
Chiều 8/8, nằm trong khuôn khổ Hội chợ trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Nam lần thứ V, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo "Nông dân khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số". Hội thảo với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là chủ sản phẩm OCOP, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết: "ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế tất yếu của ngành Nông nghiệp, trong đó, sự tham gia của nông dân là yếu tố quan trọng, từ khâu tiếp cận khoa học kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất đến tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, đối với các chủ thể khởi nghiệp, chủ thể OCOP thì vấn đề chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu để phát triển. Đây là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế".
Cũng theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Quảng Nam là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng vùng miền.
Việc quảng bá, giới thiệu nông sản nói chung, sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp nói riêng được chủ thể, các cấp, các ngành quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những xu thế tất yếu hiện nay để đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh tiến xa hơn nữa trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã tích cực chỉ đạo Hội Nông dân các cấp quyết liệt hưởng ứng công tác chuyển đổi số của Chỉnh phủ và tỉnh Quảng Nam. Cùng với đó, Hội đã mở nhiều lớp trang bị kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp - nông dân - nông thôn cho cb hội viên nông dân, chủ thể OCOP, chủ thể khởi nghiệp làm ra sản phẩm nông nghiệp nắm bắt và đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử.
"Từ đầu năm đến nay đã có hơn 500 cán bộ Hội cơ sở, Chi Hội trưởng, Chi hội phó Hội Nông dân, Chi Hội trưởng Hội nông dân nghề nghiệp, Tổ trưởng Tổ Hội nông dân nghề nghiệp, THT, HTX đã được HND tỉnh tổ chức tập huấn về chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp; ứng dụng IoT trong sản xuất nông nghiệp, thương mại điện tử,…
Đặc biệt, đã hướng dẫn hơn 30.000 người cài đặt, kích hoạt sử dụng App Nông dân Việt Nam, nền tảng số nông dân Việt Nam; qua đó giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân toàn tỉnh trên Nền tảng số nông dân Việt Nam.
Đồng thời tạo phân vùng ứng dụng riêng của tổ chức Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam trên nền tảng số Nông dân Việt Nam (Mini App). Tạo cơ hội kết nối cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh thông qua việc cung cấp thông tin và các tiện ích trên nền tảng số.
Ngoài các nội dung chính trong việc trang bị kiến thức về chuyển đổi số cho nông dân tỉnh Quảng Nam, Hội Nông dân tỉnh còn chú trọng đến việc hướng dẫn, giới thiệu ứng dụng Smart Quảng Nam để người dân nhanh chóng nắm bắt được các thông tin về KT-XH, AN-QP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Thông qua các nền tảng số là cơ hội kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp với các HTX, các chủ trang trại, hộ nông dân trong và ngoài tỉnh; thúc đẩy cơ hội kích cầu, đầu tư, liên kết, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác về việc "Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022-2025"", lãnh đạo Hội Nông dân Quảng Nam nhấn mạnh.
Theo Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay 2 ngành đã phối hợp rà soát, đưa 3.307 hộ sản xuất nông nghiệp, có 167 sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn., Buudien.vn.
Nhiều chủ thể khởi nghiệp, chủ thể OCOP đã mạnh dạn mua bán trên các sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử, sử dụng mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc,... được ứng dụng ngày càng nhiều. Một số chủ thể đã và đang hướng đến đưa thương hiệu, sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước như: Postmart, Sendo, Shopee, Lazada, Tiki, Alibaba, Amazon…
"Thông qua buổi tọa đàm đã khẳng định, nông dân khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số, những sản phẩm OCOP đã mang lại nhiều lợi ích như, tạo ra không gian quảng bá sản phẩm OCOP.
Kết nối nhu cầu tìm kiếm, mua bán và hợp tác từ đơn vị doanh nghiệp, cơ sở xuất xuất trong và ngoài tỉnh; chia sẻ và khai thác thông tin tạo nên hệ sinh thái giữa các tỉnh, thành, khu vực với hệ sinh thái vùng, quốc gia. Buổi toạ đàm đã diễn ra góp phần kết nối cung cầu thông qua chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông dản cho nông dân…", lãnh đạo Hội Nông dân Quảng Nam cho biết.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: "Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức toạ đàm "Nông dân khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số thông qua những sản phẩm OCOP", tôi cho đây là chương trình hay và ý nghĩa, bởi vì ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đang trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp.
Trong đó, sự tham gia của nông dân là yếu tố quan trọng, từ khâu tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất đến tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, đối với các chủ thể khởi nghiệp, chủ thể OCOP thì vấn đề chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu để phát triển, nhất là trong giai đoạn hiện nay".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.