Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch đã tạo động lực để TP Hội An đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Qua 12 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới (2010-2023), diện mạo nông thôn trên địa bàn TP Hội An đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất – tinh thần của người dân được nâng lên; có sự đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố; góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Hội An là thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch.
Tham gia xây dựng nông thôn mới, TP Hội An có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ thành phố đến xã, thôn. Cùng với đó, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo thực hiện chương trình qua các giai đoạn.
Công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền được UBND các xã, hội, đoàn thể đặc biệt quan tâm, được tổ chức đến từng thôn, đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, TP Hội An có 4/4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015-2020; 2/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào các năm 2020, 2021.
Ông Hùng cho biết thêm, thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thành phố đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn để nâng cấp, xây mới các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, tập trung ưu tiên cho các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, các xã cũng tranh thủ huy động, lồng ghép các nguồn vốn của thành phố, xã, nguồn xã hội hóa để xây mới, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững. Công tác xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm, đến nay đã có 12/17 thôn đạt chuẩn khu dân cư/thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để hỗ trợ các xã thực hiện công tác duy trì, nâng chuẩn tiêu chí nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, hàng năm UBND tỉnh đã hỗ trợ 500 triệu đồng/xã, ngân sách thành phố cũng hỗ trợ đối ứng 30% (150 triệu đồng/xã). Đối với một số nội dung chưa được tỉnh hỗ trợ vốn như duy trì nâng chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố đã hỗ trợ 100 triệu đồng/thôn....
Giai đoạn 2021-2023, ngân sách thành phố đã hỗ trợ các xã 10,36 tỷ đồng và dự kiến năm 2024 sẽ hỗ trợ 5-6 tỷ đồng để thực hiện Chương trình nông thôn mới. Trong đó tập trung duy trì, nâng chuẩn và hướng đến mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch
Ông Hùng cho biết, cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới, TP Hội An định hướng phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa. Cùng với đó là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, nâng dần tỷ trọng ngành du lịch – dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.
Là thành phố du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, Hội An luôn lấy kinh tế du lịch dịch vụ làm mũi nhọn. Vì thế, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP trên địa bàn những năm qua luôn gắn liền với du lịch địa phương, với kết quả có 22 sản phẩm được công nhận đạt 3-4 sao.
Điểm nhấn trong kết quả đạt được là thành phố Hội An có 1 sản phẩm dịch vụ du lịch đạt 4 sao duy nhất cấp tỉnh (Dịch vụ du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành). Đây là thành quả rất nỗ lực từ chính quyền địa phương cho đến chủ thể, đặc biệt là sản phẩm du lịch này đã thể hiện được thế mạnh, đặc sắc, khác biệt của Hội An trong việc tham gia Chương trình OCOP.
Trong 12 năm qua, địa phương đã thành lập mới 7 hợp tác xã để khai thác nguồn lực sẵn có, góp phần đảm bảo mục tiêu đạt chuẩn tiêu chí 13 (tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn). Đây là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm nền tảng để thành phố hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch, thành phố Hội An triển khai chương trình nông nghiệp hữu cơ từ năm 2013 và đến nay có tổng diện tích đất sản xuất hữu cơ là 3,744ha. Hiện tại, tất cả các sản phẩm Hội An organic được cấp chứng nhận PGS đều được dán tem nhãn hiệu chứng nhận "Hội An organic", với đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc.
Các vùng sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn thành phố đã giúp người nông dân nâng cao thu nhập; góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch và tạo điểm tham quan học tập cho học sinh, sinh viên, du khách.
Mục tiêu đến năm 2025, TP Hội An phấn đấu có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có ít nhất 50% xã nông thôn mới nâng cao, ít nhất 25% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ít nhất 70% số thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,4 lần so với năm 2020. Xây dựng TP Hội An trở thành đô thị loại II vào năm 2030.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.