Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tân Lập là xã biên giới nằm phía Bắc của huyện Tân Biên. Đa số người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, thương mại - dịch vụ. Đây là địa phương xảy ra tình trạng khiếu nại của nông dân có chiều hướng gia tăng, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai. Nhiều vụ việc giải quyết kéo dài, một số vụ nông dân khởi kiện đến Toà án các cấp làm phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương.
Tháng 4/2023, Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh đã chọn Hội Nông dân xã Tân Lập (huyện Tân Biên) làm điểm triển khai xây dựng mô hình "Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội" theo Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh, mục tiêu của mô hình nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân; khuyến khích họ tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; vận động nông dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, hạn chế tình trạng nông dân khiếu nại đông người, vượt cấp.
Trong năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh đã tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ năng công tác hoà giải, tư vấn, tuyên truyền pháp luật, giám sát phản biện xã hội cho thành viên Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật", cộng tác viên. Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Hội Nông dân xã Tân Lập tham mưu phối hợp với Ban Chỉ đạo mô hình củng cố thành viên câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" với 11 thành viên.
Ông Nguyễn Văn Đảm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết, năm 2023, Hội phối hợp tổ chức 5 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoà giải và các văn bản pháp luật liên quan với 250 người tham dự; trang bị 100 đầu sách pháp luật với tổng số tiền 5 triệu đồng để phục vụ cho nông dân tìm hiểu pháp luật.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã phối hợp chính quyền địa phương tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, tham gia ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Khi có các đơn thư liên quan đến nông dân, UBND xã mời Hội Nông dân xã, Ban Chỉ đạo mô hình tham gia tiếp và giải quyết. Nhìn chung, các vụ việc liên quan đến nông dân được giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Trong năm 2023, Hội Nông dân xã Tân Lập, Ban Chỉ đạo mô hình phối hợp Ban hoà giải xã tham gia hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân được 20 vụ liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai và các thủ tục hành chính về đất đai; trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho 53 lượt hội viên nông dân.
"Việc thực hiện mô hình góp phần kéo giảm tình trạng vi phạm pháp luật trong cán bộ, hội viên, nông dân; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Vai trò, vị trí của Hội Nông dân cơ sở được nâng lên; hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng Hội ngày càng vững mạnh" - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập - Nguyễn Văn Đảm chia sẻ.
Theo báo cáo Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh, 6 tháng đầu năm 2024, Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng chính phủ, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng giải quyết khiếu kiện của hội viên, nông dân về các vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình. mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ; tham gia giải quyết được 261 vụ, trong đó hòa giải quyết thành 222 vụ.
Đồng thời, các cấp Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh đã duy trì hoạt động 90 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật với 1.473 thành viên; tổ chức 9 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng điều hành Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật cho 360 học viên là lực lượng nòng cốt ở cơ sở và là thành viên Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật.
Các câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" đều xây dựng quy chế hoạt động và duy trì sinh hoạt theo tháng hoặc theo quý. Nội dung sinh hoạt tập trung vào việc tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến kiến thức pháp luật về các vấn đề liên quan trực tiếp đến người nông dân như Luật Đất đai, an toàn giao thông, phòng, chống các loại tội phạm, phòng, chống bạo lực gia đình; tham gia giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân; tạo điều kiện học hỏi, trao đổi kiến thức pháp luật cần thiết giữa thành viên câu lạc bộ với hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 2.948 buổi tuyên truyền pháp luật với 69.714 lượt người tham dự; tư vấn pháp luật được 105 cuộc cho 550 lượt người; trợ giúp pháp lý được 141 cuộc cho 382 lượt người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.