Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình điểm về xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn ở Nam Định

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 30/07/2024 16:42 PM (GMT+7)
Ngày 29/7, Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội ND tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn “Chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” tại xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh.
Bình luận 0

Dự và chỉ đạo Hội nghị tập huấn có đồng chí Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Cùng dự Hội nghị có Phạm Văn Thiện, Uỷ viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Thường trực Hội Nông dân tỉnh Nam Định; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND và các phòng, ban của huyện Trực Ninh.

Nhân rộng các mô hình của Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn

Đây là lần đầu tiên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai xây dựng mô hình điểm về lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp xã. Đối với tỉnh Nam Định đã lựa chọn và tổ chức làm điểm tại xã Trực Thắng của huyện Trực Ninh.

Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình điểm về xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn ở Nam Định- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đính Khắc Đính cho biết: Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và nhân rộng các mô hình của Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính nhấn mạnh: Cùng với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển bền vững của đất nước và của địa phương.

Trong những năm qua cùng với hệ thống chính trị các cấp, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, Hội Nông dân các cấp trong cả nước đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ hội viên, nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao trách nhiệm của các cấp Hội và hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và nhân rộng các mô hình của Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình điểm về xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn ở Nam Định- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Phạm Văn Thiện và lãnh đạo huyện Trực Ninh bàn giao các trang thiết bị và vật tư cho các hộ tham gia Dự án.

Theo đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã giao cho Trung tâm môi trường nông thôn phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh: Sơn La, Quảng Nam, Nam Định, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế và An Giang triển khai mô hình điểm về "Hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển, xử lý rác thải ở nông thôn".

Cùng với 6 mô hình điểm của 6 địa phương trong cả nước, mô hình điểm triển khai tại xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã được cấp Hội và bà con hội viên, nông dân đồng tình hưởng ứng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thiện - Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn nhấn mạnh: Hiện nay chất thải, rác thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở yển đến nông thôn đã và đang trở thành vấn đề bức xúc, nổi cộm. Do lượng chất thải, rác thải phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại. Chất thải, rác thải ở khu vực nông thôn có sự khác biệt đáng kể về thành phần và mức độ gây ô nhiễm môi trường, tùy theo nguồn phát sinh và được phân loại theo 3 nhóm chính: Rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp và rác thải làng nghề.

Đối với các loại chất thải từ nông nghiệp gồm nhiều các hợp chất độc hại, khó phân hủy, là mối nguy hại lớn, có khả năng vừa gây ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất, gây hại đối với cây trồng và tác vật nuôi.

Trong khi đó, nhận thức của người dân sống ở khu vực nông thôn còn hạn chế. Việc tổ chức phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt còn manh mún, thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật và vệ sinh môi trường; thậm chí nhiều nơi chưa được thu gom, còn vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan, làm ô nhiễm môi trường, các dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng dân cư sống ở nông thôn.

Cùng với sự đồng hành vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Hội Nông dân Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp Nông dân, có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã và thôn, ấp, bản, làng. Hội Nông dân đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường đoàn kết, tập hợp nông dân; phát huy vai trò của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian qua, các cấp Hội đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm, thành lập các Tổ tự quản, Câu lạc bộ Nông dân tham gia bảo vệ môi trường để tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường.

Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình điểm về xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn ở Nam Định- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính thăm mô hình trồng cây cảnh của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Tập trung triển khai 7 nội dung để thực hiện thành công dự án

Được sự quan tâm tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành, trong 2 năm 2023 và 2024, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiến hành triển khai Dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn" tại 6 tỉnh trong cả nước là Sơn La, Quảng Nam, Đắk Lắk, Nam Định, Thừa Thiên Huế và An Giang, với tổng giá trị là 3 tỷ đồng/dự án/1 tỉnh.

Đây là lần đầu tiên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai xây dựng mô hình điểm về lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp xã. Đối với tỉnh Nam Định đã lựa chọn và tổ chức làm điểm tại xã Trực Thắng của huyện Trực Ninh.

Dự án đã tập trung vào triển khai 7 nội dung:

Tổ chức nghiên cứu, khảo sát địa điểm triển khai xây dựng mô hình điểm.

Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung của dự án, cũng như hiệu quả của dự án đem lại, nhằm giúp các địa phương đến học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Tổ chức biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia xây dựng mô hình điểm.

Tổ chức tập huấn "Nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng truyền thông và hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình cho tuyên truyền viên cấp tỉnh" ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hỗ trợ các trang thiết bị và chế phẩm vi sinh cho tất cả các hộ đăng ký tham gia mô hình của xã Trực Thắng để xây dựng mô hình điểm về phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ.

Tập huấn hướng dẫn việc thành lập Câu lạc bộ Nông dân tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng nội quy, nội dung hoạt động của câu lạc bộ; đồng thời tổ chức ra mắt câu lạc bộ Nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Dự kiến sẽ làm điểm tại 3 thôn.

Tổ chức kiểm tra, giám sát; nghiệm thu và tổng kết mô hình điểm.

Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình điểm về xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn ở Nam Định- Ảnh 4.

Lãnh đạo Trung tâm Môi trường nông thôn bàn giao các trang thiết bị và vật tư cho các hộ tham gia Dự án.

Để tiếp tục triển khai các nội dung trong thời gian tới, góp phần xây dựng mô hình điểm tại xã Trực Thắng thành công, ông Phạm Văn Thiện – Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị các giảng viên tham gia tập huấn dành nhiều thời gian thích hợp để trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường; kỹ thuật lắp đặt các trang thiết bị, phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả và tham gia bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Văn Thiện đề nghị cán bộ, hội viên, nông dân tham gia hội nghị tập huấn lắng nghe và ghi chép đầy đủ những kiến thức được các giảng viên truyền đạt, đồng thời áp dụng những kiến thức học tập được vào gia đình mình và tuyên truyền, vận động bà con, anh em, họ hàng, hàng xóm cùng tham gia thực hiện; tổ chức đào hố, xây hố, mua sắm thêm một số trang thiết bị đối ứng theo sự hướng dẫn của giảng viên và cán bộ kỹ thuật.

Lãnh đạo Trung tâm Môi trường nông thôn cũng đề nghị Hội Nông dân tỉnh Nam Định, huyện Trực Ninh, xã Trực Thắng tiếp tục tổ chức tuyên truyền và vận động các hộ tham gia xây dựng mô hình thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung của việc xây dựng mô hình điểm để đảm bảo mục tiêu của Dự án.

Địa phương cũng cần cử 1 cán bộ có chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm phối hợp với địa phương để tiếp tục hướng dẫn các hộ tham gia xây dựng mô hình về mặt kỹ thuật.

Tại chương trình đã bàn giao trang thiết bị, vật tư; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn cho hội viên nông dân và người dân xã Trực Thắng tham gia Dự án.

Nam Định là 1 trong 6 tỉnh trên cả nước được Trung ương Hội tiến hành triển khai Dự án với tổng giá trị 3 tỷ đồng/tỉnh trong 2 năm 2023, 2024. Tại xã Trực Thắng, trong khuôn khổ Dự án đã trang bị cho 984 hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình tham gia mô hình điểm mỗi hộ 1 thùng ủ rác thải hữu cơ; trang bị cho 1.900 hộ tham gia mô hình điểm mỗi hộ 1 thùng rác 2 ngăn và 1 nắp hố rác hữu cơ; hỗ trợ mỗi hộ tham gia mô hình điểm 2 gói chế phẩm vi sinh để xử lý rác; hỗ trợ xã 60 thùng rác bố trí ở các tuyến đường của xã, thôn và nơi công cộng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem