HTV9 phát sóng phim “Đồng quê”: Hiểu thêm về nông dân Nam Bộ

Thứ sáu, ngày 11/05/2012 10:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ 11.5, “Đồng quê” - bộ phim truyền hình 22 tập về đề tài nông thôn Nam Bộ trước 1945 bắt đầu lên sóng. Phóng viên NTNN đã trò chuyện với đạo diễn Lê Phương Nam về bộ phim mới của anh.
Bình luận 0

Trước khi bắt tay vào làm phim "Đồng quê", anh đã được nhận Giải Cánh diều Vàng cho phim "Vịt kêu đồng", đây có phải là một nguồn cảm hứng để anh tiếp tục theo đuổi mảng phim về đề tài nông thôn?

- Phim về đề tài nông thôn cho tôi nhiều cảm hứng lắm, vì tôi là người có gốc gác từ vùng đất Cà Mau. Người nông dân Nam Bộ, phong cảnh đồng quê Nam Bộ luôn khiến tôi cảm thấy gần gũi, thân thương. Khi đọc kịch bản phim "Đồng quê" của tác giả Nguyễn Trọng Nghĩa, tôi đã mường tượng ngay trong đầu những bối cảnh mình phải có cho phim. Nhưng đến khi bắt tay vào thực tế mới thấy không đơn giản, vì nông thôn đã đổi khác rất nhiều so với thời điểm mà nhà văn Phi Vân viết "Đồng quê" hay "Dưới đồng sâu".

img
Một cảnh trong phim "Đồng quê"

Nhắc đến nhà văn Phi Vân- tác giả của truyện vừa "Dưới đồng sâu" và hàng loạt phóng sự được chuyển thể để xây dựng nên kịch bản bộ phim này là người đọc cảm nhận ngay được văn phong đậm chất Nam Bộ, vậy anh làm thế nào để phim giữ được tinh thần ấy?

- Nhà văn Phi Vân có hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như "Dân quê", "Cô gái quê" và tập phóng sự "Đồng quê"... Ông được nhiều người đánh giá là tiêu biểu cho "dòng văn học rặt ròng Nam Bộ". Ông thương yêu người quê phải chịu đựng cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, chịu cả những hủ tục hành hạ mình con người. Những địa danh trong các tác phẩm của ông như hóc Bà Tó, xóm Kiến Vàng, tắc Ông Do, mương Chiệc Kịch, Tham Trơi, U Minh, Đầm Cùn... gợi nên một không khí rất hoang sơ, hẻo lánh, rất xa xưa.

Làm thế nào để chuyển tải được cái chất hoang sơ ấy trong phim là một thử thách lớn của đoàn phim. Chúng tôi phải chọn bối cảnh quay ở những vùng quê nghèo, hẻo lánh nhất để không bị lẫn những hình ảnh hiện đại vào. Việc chuẩn bị đạo cụ cũng hết sức vất vả, có nhiều thứ nông dân ngày xưa dùng nhưng ngày nay đã biến mất, tìm được người có thể chế tác lại là cả một vấn đề.

Phim có bối cảnh khá rộng, trải qua hàng loạt tỉnh thành là Cà Mau, Long An, Bình Dương, Phước Hải (Đồng Nai), Bến Tre, Cần Giờ (TP.HCM)... nên đoàn phim di chuyển cũng hết sức vất vả.

Phim "Đồng quê" do Hãng phim TFS sản xuất với sự tham gia của các diễn viên: Ngọc Hùng, Đình Toàn, Nguyễn Hậu, Hạnh Thúy, Minh Thảo, Phương Khánh, Châu Kha, Lê Bình, Hoài An, Thạch Kim Long, Trung Hậu... Phim được khởi quay từ tháng 4.2011.

Qua “Đồng quê”, anh muốn chuyển tải vấn đề gì đến người xem?

- Câu chuyện chính của "Đồng quê" dựa vào truyện dài "Dưới đồng sâu", nói về cuộc sống của người nông dân dưới sự bóc lột, hành hạ của Chủ Chiếu- một điền chủ giàu có và chuyên nuôi lòng tà dâm. Có người tan nát nhà cửa, có người mất vợ mất con, có người sa vào tình cảnh phải đi cướp bóc. Mỗi nhân vật là mỗi cảnh đời oan khổ do nghèo đói, do thất học, do niềm tin mê muội vào bùa chú... Nhân vật chính trong phim là Hai Nghĩa- một tá điền trẻ, bị dồn ép tới chân tường nên buộc phải chém chết Chủ Chiếu và bị xử tù.

Đó là mạch chính, phim còn có nhiều những câu chuyện nhánh lẻ hấp dẫn để giúp người xem hình dung được cuộc sống, phong tục tập quán của nông dân Nam Bộ thời xưa. Quan trọng hơn cả là phim khắc họa được tính cách người nông dân Nam Bộ đã hình thành từ thời xa xưa: Trung thực, khí khái, cương trực, trọng lẽ phải, khinh tiền tài và giàu lòng yêu nước.

Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem