Hùng Lô vượt khó bằng nghề dịch vụ

Thứ ba, ngày 28/05/2013 07:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kinh nghiệm của xã Hùng Lô (TP.Việt Trì, Phú Thọ) về thực hiện tiêu chí giảm tỷ lệ cơ cấu lao động trong nông nghiệp - một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đang là điển hình để nhiều nơi tham khảo.
Bình luận 0

Tháo gỡ khó khăn

Là xã thuần nông, nằm sát bờ sông Lô, cách TP.Việt Trì gần chục km, nên năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Hùng Lô ngổn ngang khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Đức – Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có 197ha đất, trong đó đất nông nghiệp là 105ha, song chủ yếu là đồng chiêm trũng, nên năng suất lúa rất bấp bênh, kênh mương chưa được đầu tư kiên cố. Cùng thời gian này, dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai triển khai đã cắt ngang qua làm mất một diện tích lớn đất lúa, gây xáo trộn trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp.

img
Mỗi ngày gia đình chị Bùi Thị Thu Hằng gói bánh chưng hết khoảng 4 – 5 tạ gạo nếp, chủ yếu bán cho du khách đi lễ đền Hùng.

“Trước những khó khăn trên, xã buộc phải thay đổi quy hoạch, trong đó chú trọng vào quy hoạch vùng sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả” – ông Đức cho biết thêm.

Để làm thủy lợi, giao thông nội đồng, xã đã vận động người dân hiến đất, góp tiền, ngày công. Còn với giao thông nông thôn, xã phát động các phong trào “Tổ làm đường”, “Xóm bê tông”… Trong đó, xã hỗ trợ một phần xi măng, còn lại các tổ tự đóng góp tiền, ngày công để làm đường cho ngõ khu, nhà mình. Với cách làm này, hiện Hùng Lô có hơn 90% đường giao thông thôn, xã đã được nhựa, bê tông.

Từ 2011 đến nay, xã Hùng Lô đã huy động 2,865 tỷ đồng để xây dựng NTM. Hiện xã còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn và môi trường. Xã phấn đấu cuối năm 2013 đạt thêm 2 tiêu chí trường học và môi trường.

Chuyển nghề tại chỗ

Đất nông nghiệp ít, nên Hùng Lô đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nghề dịch vụ. Năm 2004, làng nghề làm miến và bánh chưng, bánh giầy đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận làng nghề. Ông Đức chia sẻ: “Là xã đất chật, người đông (3.000 người/km2), nên để giải quyết việc làm, tăng thu nhập thì phát triển nghề dịch vụ là hợp lý nhất. Hiện cả hai làng nghề miến và bánh chưng đang thu hút hàng trăm lao động, với thu nhập 2,5 – 4 triệu đồng/người/tháng, trong đó nghề làm bánh chưng có hộ đạt thu nhập 5 – 7 triệu đồng/người/tháng”.

Bánh chưng, bánh giầy của Hùng Lô chủ yếu được bán cho du khách tham quan đền Hùng, nên đang kéo theo các dịch vụ như dịch vụ đặt lễ trọn gói, dịch vụ cung cấp bánh cho các nhà hàng ở khu vực đền Hùng… Chị Bùi Thị Thu Hằng ở khu 6, xã Hùng Lô, gia đình hơn 3 đời làm bánh chưng, bánh giầy cho biết: “Hiện gia đình tôi mỗi ngày làm khoảng 4 – 5 tạ gạo, ngày cao điểm khoảng 1 tấn. Vài năm nay số lượng khách đặt càng nhiều một phần cũng nhờ uy tín làng nghề”.

Ngoài ra, ở Hùng Lô, dịch vụ vận tải, vật liệu xây dựng cũng đang rất phát triển. Nhờ đó, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp của xã đã giảm từ hơn 50%, xuống còn gần 30% và thúc đẩy thực hiện tốt các tiêu chí giảm hộ nghèo, thu nhập đạt chuẩn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem