Hưng Yên: Gia tăng tỷ lệ lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Hưng Yên: Gia tăng tỷ lệ lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thùy Anh
Thứ ba, ngày 27/06/2023 17:41 PM (GMT+7)
Gần 6 tháng đầu năm, tỉnh Hưng Yên ghi nhận hơn 5.700 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hơn 18.000 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, trong đó có cả lao động thất nghiệp, mất việc làm đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tham gia phiên giao dịch việc làm tại (Phố Nối, Hưng Yên) vào đầu tháng 6/2023, chị Lê Hồng Nhi (27 tuổi) chia sẻ, chị vừa thất nghiệp được 4 tháng nhưng chưa tìm kiếm được việc làm. Hiện tại chị đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hưng Yên. Mặc dù thất nghiệp nhưng nhờ có số tiền ít ỏi từ tiền trợ cấp thất nghiệp (3,8 triệu đồng) nên chị Nhi cũng có một khoản để lo bớt cuộc sống.
Chị Nhi cho biết, trước đây chị có 5 năm làm nhân viên tư vấn bất động sản cho một công ty môi giới bất động sản. Nhưng thời gian gần đây lĩnh vực này trầm lắng vì thế công ty giải thể, chị mất việc, thất nghiệp.
“Tôi đang cân nhắc việc đi làm việc ở Nhật Bản hoặc đăng ký học nghề chuyển đổi việc làm. Thật may là được nhân viên trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên hỗ trợ kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm. Nếu có thể tìm kiếm công việc có thu nhập ổn định ở trong nước thì tôi sẽ ở lại không tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài nữa”, chị Nhi chia sẻ.
Theo báo cáo, toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 229.357 lao động có giao kết hợp đồng thuộc 5.750 đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã... đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, bà Đặng Thái Quyên – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hưng Yên cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 trung tâm tiếp nhận 5.700 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 32,20% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 3.895 người). Trong đó số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 5.253 người, tăng 39,88% so với cùng kỳ năm 2022 (3.158 người). Số tiền chi trả bảo hiểm thất nghiệp là hơn 96 tỷ đồng đồng. Trong số đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp có 76 người bị hủy Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; 126 người tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Song song với việc giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp, trung tâm Dịch vụ việc làm Hưng Yên cũng đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề... cho hơn 18.000 lượt người lao động, tăng 9,58% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 16.3313 người).
Bà Đặng Thái Quyên cho biết thêm, 100% lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Bộ phận một cửa tại văn phòng trung tâm và văn phòng Phố Nối đều được cán bộ đón tiếp, tư vấn về việc làm, học nghề và được cung cấp thông tin về thị trường lao động. Tất cả quy trình tiếp nhận và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn của Cục Việc làm từ khâu tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, thẩm định và ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, theo dõi tình trạng thông báo việc làm hàng tháng của người lao động...
“Song song với việc tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động, chúng tôi cũng phổ biến pháp luật chính sách bảo hiểm thất nghiệp để lao động nắm được thực hiện theo khi chẳng may rơi vào tình trạng thất nghiệp”, bà Quyên nói.
Tăng cường hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp
Ngoài ra các hoạt động tư vấn, giới thiệu học nghề cho lao động thất nghiệp cũng được trung tâm quan tâm. Trung tâm tăng cường công tác phối hợp, liên kết với các trường nghề để đào tạo cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Tuy nhiên, số lao động đăng ký tham gia học nghề ít, nguyên nhân do một số lý do khách quan. Ví dụ như các quy định của pháp luật dạy nghề đang hoàn thiện nên trung tâm gặp khó khăn trong công tác xác định ngành nghề để hỗ trợ học nghề; mức hỗ trợ học nghề không bao gồm phần hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, tiền dụng cụ học tập…”, bà Quyên phân tích.
Ngoài ra việc tư vấn, giới thiệu lao động thất nghiệp đi học nghề cũng gặp khó khăn do việc học nghề sơ cấp, ngắn hạn (6 tháng) không phù hợp với lao động thất nghiệp đã có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao.
Bên cạnh đó, đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn không có nguồn dự trữ hoặc hỗ trợ khác nên khi bị mất việc người lao động chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, tâm lý chung là dành thời gian tìm các công việc khác để duy trì cuộc sống rồi mới tính đến việc học nghề. Mặt khác, một số công ty ở các khu công nghiệp khi tuyển dụng chủ yếu là tuyển lao động phổ thông nên người lao động có thể kiếm việc làm mới ngay sau khi mất việc làm mà không cần học nghề.
Ngoài ra người lao động nghỉ việc có xu hướng chuyển về địa phương mình để tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt, hợp lý hóa gia đình nên không có nhu cầu học nghề. Một bộ phận lao động khác thì do lớn tuổi, sức khỏe yếu nên trở về quê làm nông nghiệp hoặc nội trợ nên không có nhu cầu học nghề.
Thời gian tới để làm tốt hơn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nói chung và hỗ trợ chi trả tốt trợ cấp nói riêng cho lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hưng Yên sẽ phối hợp với các phòng nghiệp vụ BHXH và Sở LĐTBXH kịp thời tham mưu cho Cục Việc làm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm cũng sẽ tham mưu với lãnh đạo Sở Sở LĐTBXH cùng với Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhất là thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp, xử lý nghiêm những đơn vị cố tình dây dưa, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
“Trung tâm cũng kiến nghị Cục Việc làm cấp kinh phí để trung tâm mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc đón tiếp người lao động tại bộ phận một cửa nhằm làm tốt hơn công tác tư vấn giới thiệu việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”, bà Quyên kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.