Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Hiệu quả chuỗi cửa hàng nông sản an toàn Ninh Bình
Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Hiệu quả từ chuỗi cửa hàng nông sản an toàn ở Ninh Bình
Vũ Thượng-Ngọc Huấn
Thứ tư, ngày 29/11/2023 08:00 AM (GMT+7)
Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong đó, phải kể đến chuỗi cửa hàng nông sản an toàn do Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình thành lập, được đánh giá trong tốp đầu về chuỗi cửa hàng hoạt động hiệu quả trên cả nước.
Bằng việc làm cụ thể, mang tính chất lan tỏa từ nhận thức đến hành động, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn giai đoạn 2016-2020". Đồng thời, có sự vào cuộc nhiệt tình của cán bộ, hội viên nông dân, sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh Ninh Bình.
Qua đó, xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng nhằm thay đổi nhận thức sản xuất, kinh doanh…các cấp Hội trong tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục như: Tổ chức hội nghị, sinh hoạt chi Hội, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến, quán triệt đề án.
Các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và Hội nông dân các cấp về công tác an toàn thực phẩm đến cán bộ, hội viên nông dân; tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các quy định của pháp luật về xử phạt hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, phản ánh kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Vận động nông dân ký cam kết và thực hiện tốt cam kết "Nói không với thực phẩm bẩn", ký với tổ chức Hội và UBND xã, phường, thị trấn.
Được biết, từ 1/7/2016 đến hết tháng 12/2016, các cấp Hôi nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tập trung tuyên truyền vận động, thay đổi ý thức sản xuất, an toàn của hội viên nông dân. Qua đó, triển khai ký cam kết sản xuất an toàn đến 100% hội viên nông dân với tổ chức Hội.
Xây dựng 1.186 mô hình sản xuất, kinh doanh
Năm 2017, các cấp Hội nông dân tại Ninh Bình đã tập trung xây dựng mô hình điểm ở các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bảo quản nông sản…để qua đó nhân ra diện rộng toàn tỉnh. Các cấp Hội còn chủ động và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng các mô hình như: "Đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn"; "liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng";...Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được 1.186 mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Trong đó, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng 48 mô hình điển hình như: Mô hình đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tại xã Yên Từ (huyện Yên Mô); mô hình đủ điều kiện sản xuất mắm tép an toàn tại thị trấn Me (huyện Gia Viễn); mô hình đủ điều kiện sản xuất giò chả an toàn tại xã Lưu Phương (huyện Kim Sơn);…
Ngoài ra, Hội Nông dân các huyện, thành phố còn xây dựng được 95 mô hình. Riêng hội Nông dân các cơ sở xây dựng được 1.043 mô hình. Hàng năm, trực tiếp triển khai gần 10 mô hình thực hiện Nghị Quyết 32 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Cũng như, triển khai kế hoạch khuyến nông tỉnh Ninh Bình như: Mô hình nuôi dê núi theo chuỗi hàng hóa tại huyện Gia Viễn, Hoa Lư; mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại huyện Yên Khánh, Yên Mô; mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn tại huyện Yên Khánh, Kim Sơn…
Phát huy chuỗi cửa hàng nông sản an toàn
Sau khi xây dựng thành công các mô hình sản xuất an toàn, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,…Vấn đề đặt ra đối với các cấp Hội nông dân đó là làm thế nào đảm bảo đầu ra bền vững, giới thiệu đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh là việc hết sức cần thiết.
Qua đó, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình nhận thấy xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng "nông sản an toàn" là hướng đi mang tính cần thiết, giúp liên kết từ khâu sản xuất tới tiêu dùng. Đồng thời, mở rộng đầu ra cho nông sản an toàn, vừa nâng cao thu nhập vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Để thực hiện, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình phải chọn chủ cửa hàng, đây là yếu tố quyết định sự thành công. Chủ cửa hàng phải là người năng động, có sở thích kinh doanh, nhạy bén thị trường, có nguyên tắc về sản phẩm an toàn, là cán bộ, hội viên Hội nông dân…Đặc biệt, nếu chọn chủ cửa hàng là cán bộ Hội tiêu biểu thì thành công của cửa hàng là rất cao.
Bước tiếp theo xác định vị trí mặt bằng để mở cửa hàng, các cửa hàng nông sản an toàn cần đảm bảo diện tích tối thiểu 70m2 để chia làm các khu vực như: Khu bày bán, giới thiệu sản phẩm chiếm khoảng gần 2/3 diện tích; khu tiếp nhận sản phẩm, khu sơ chế, chế biến.
Ngoài ra, vị trí mở cửa hàng thuận tiện giao thông, nhiều cán bộ công chức, người lao động đi lại...Đối với cửa hàng nông sản an toàn cấp tỉnh đầu tiên, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình vận động lãnh đạo thành phố Ninh Bình cho mượn 150 m2 đất tại khu trung tâm thành phố Ninh Bình là nơi đông dân cư, cán bộ công chức đi qua, thuận tiện giao thông…cho chủ cửa hàng mượn mặt bằng để mở cửa hàng.
Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình còn tổ chức đoàn thăm quan, học tập kinh nghiệm tại một số cửa hàng nông sản an toàn, mô hình sản xuất an toàn ứng dụng công nghệ cao tại một số tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, khuyến khích cán bộ chuyên môn, chủ cửa hàng học tập công tác quản lý cửa hàng, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình còn bảo lãnh, giám sát cửa hàng, đưa biểu trưng của Hội cùng tên cửa hàng, hỗ trợ cửa hàng lên maket trang trí...Hội còn thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm bày bán tại cửa hàng định kỳ.
Cũng như hướng dẫn chủ cửa hàng làm giấy phép đăng ký kinh doanh sản xuất, kinh doanh hàng nông lâm sản an toàn; chứng nhận kiến thức sản xuất an toàn, cam kết xây dựng cửa hàng với tổ chức Hội Nông dân.
Hỗ trợ cửa hàng vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, tập huấn kiến thức sản xuất an toàn, kết nối các sản phẩm nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh để chủ cửa hàng tiện trao đổi, hỗ trợ biển hiệu, mua giá kệ, tủ bảo quản nông sản.
Kết quả đạt được
Ông Đinh Hồng Thái-Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết: "Đến nay, tại 8 huyện, thành phố các cấp Hội Nông dân đã hỗ trợ xây dựng thành công 35 cửa hàng nông sản an toàn. Trong đó, có 33 cửa hàng gắn biển điểm bán hàng hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa 1".
Theo ông Thái, các cửa hàng nông sản đều kinh doanh hàng trăm sản phẩm nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như: Cửa hàng nông sản an toàn Sông Vân là cửa hàng cấp tỉnh đầu tiên, ban đầu chỉ bán 150 sản phẩm nông sản an toàn với 3 lao động, doanh thu năm đầu tiên đạt 110 triệu đồng.
Hiện tại, cửa hàng bán trên 300 sản phẩm nông sản an toàn trong tỉnh và gần 200 sản phẩm nông sản an toàn của 40 tỉnh thành trên cả nước. Qua đó, luôn duy trì từ 15-20 lao động thường xuyên, doanh thu trung bình đạt trên 18 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, còn có các cửa hàng kinh doanh tiêu biểu khác như: Cửa hàng nông sản an toàn Trang Quyết; cửa hàng nông sản an toàn Minh Quang; cửa hàng nông sản an toàn Thành Trung...Các cửa hàng này duy trì bình quân từ 3-5 lao động thường xuyên với doanh thu đạt gần 1 tỷ/năm.
Đặc biệt, qua Hội Nông dân giới thiệu, chuỗi cửa hàng nông sản an toàn liên kết với các tỉnh bán các đặc sản vùng, miền như: Bánh phồng tôm Cà Mau, hải sản các loại Vân Đồn-Quảng Ninh, Cam xoàn lai vung-Đồng Tháp, miến phia đén Bắc kạn,...đã tạo sức hấp dẫn riêng của chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Chuỗi cửa hàng nông sản an toàn đã đáp ứng các điều kiện như: Kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa phải là nông sản sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; có giá cả hợp lý; do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh sản xuất, phân phối và kinh doanh. Chuỗi cửa hàng đều chịu sự giám sát của các cấp Hội, các ngành có liên quan và đặc biệt là sự giám sát của người tiêu dùng.
Chuỗi cửa hàng nông sản an toàn do Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hướng dẫn thành lập luôn tạo được niềm tin, uy tín, là địa chỉ tin cậy cho khách hàng. Đồng thời, đây cũng là kênh kết nối, tiêu thụ hiệu quả nông sản an toàn, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân trong tỉnh. Qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
"Đáng chú ý, trong đợt bùng phát dịch Covid 19, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ sở Hội, cán bộ, hội viên nông dân tham gia thành lập, duy trì 1.324 tổ Covid cộng đồng với hơn 4.000 hội viên nông dân tham gia, hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.100 tấn nông sản. Ngoài ra, vận động hỗ trợ nhu yếu phẩm với tổng giá trị 354,6 triệu đồng.
Trong đó, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tặng 880 xuất quà cho hội viên nông dân thành phố Hồ Chí Minh; 300 xuất quà tặng hội viên nông dân tỉnh Bình Dương; 200 xuất quà tặng hội viên nông dân thành phố Hà Nội; 300 túi quà an sinh và 80 xuất quà cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh Ninh Bình đang bị cách ly bởi dịch Covid-19 (trị giá 300.000 đồng/xuất)", ông Đinh Hồng Thái-Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.