Lời tòa soạn: Sau bài viết Bước từ sách của Huyền Chip ra đời: Cuộc sống đâu chỉ màu hồng mà Dân Việt đã
đăng tải và nhận được sự quan tâm đông đảo của độc giả cũng như sau những trả
lời của Huyền tại buổi họp báo diễn ra sáng 19.9 tại Trung tâm văn hóa Pháp L'Espace (Hà Nội), dư luận vẫn "dậy sóng", đặc biệt là những quan điểm khác nhau liên tục được bày tỏ trên Facebook và các diễn đàn.
Qua con mắt của một người tự nhận là "một phượt tử (có tuổi mà chưa có tên), nghiên cứu khá kỹ về xuất nhập cảnh, visa, du lịch, đi bụi và các vấn đề liên quan", Rosie Nguyen đã chia sẻ cùng cộng đồng Facebook một bài viết khách quan về câu chuyện Huyền Chip nói riêng và những suy nghĩ nhỏ trong câu chuyện về "phượt" của những con người trẻ trong thế giới mở nói chung...
Dân Việt xin được đăng tải nguyên văn bài viết.***
Mình biết Huyền chip từ ngày em ấy chưa nổi tiếng, ngày em vẫn lang thang ở Sài Gòn, ấp ủ một chuyến đi. Lúc đó mình mới tham gia vào trang Couchsurfing, thấy em đang vẫn hay hỏi thông tin travel trên diễn đàn, xin ý kiến từ những traveler khác, những người có nhiều kinh nghiệm đi bụi. Nhưng lúc đó cũng chả có ấn tượng gì lắm, vì Couchsurfing là nơi mà dân du lịch vòng quanh thế giới đầy rẫy, nơi những ý tưởng đi xuyên lục địa cứ nảy ra hằng ngày như nấm mọc sau mưa, chẳng có gì lạ.
Bẵng đi một thời gian, một người bạn mình bảo có em này hay lắm, và quăng cho mình link Facebook của Huyền. Lướt qua những trang nhật ký của em ở Brunei, Malaysia, Ấn Độ, lòng vòng các nước Châu Á, thấy em có vẻ là một người khá cá tính. Rồi
Xách balô lên và đi xuất bản, Huyền chip đột nhiên nổi lên như một hiện tượng mới, được báo chí và giới trẻ tung hô. Cái tên Huyền chip trở thành một thương hiệu khá ăn khách. Đến mình cũng phải ngỡ ngàng.
Phải nói thẳng một điều là mình không hề yêu thích Huyền chip, thần tượng hay ngưỡng mộ gì em ấy cả. Thậm chí còn thấy bình thường. Trước Huyền chip, đã có rất nhiều người Việt đi bụi khắp thế giới, và họ xứng đáng được tôn vinh hơn rất nhiều.
Bác Nguyễn Tường Bách, một thành viên lão luyện của diễn đàn Phượt vừa xuất bản
Đường xa nắng mới, với chuyến đi lên Tây Tạng và khám phá đỉnh Ngân Sơn linh thiêng - thế giới của các vị Phật theo quan niệm của người Tây Tạng. Cuốn sách thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc của một con người đã từng phiêu bạt giang hồ với vốn kiến thức uyên thâm, những cảm khái đáng quý của một tích cách khiêm tốn và giản dị.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai với
Tôi là một con lừa và hành trình độc đáo mô phỏng con đường Hồi giáo qua những vùng mưa bom lửa đạn như Lybia, Syria, nhằm cho độc giả những cái nhìn sâu sắc hơn về văn minh Lưỡng Hà, văn hóa Trung Đông và Hồi giáo, khiến cả bạn bè phương Tây cũng phải nể phục.
Những hành trình đó chẳng phải rất mạo hiểm phiêu lưu, chẳng phải mang những mục đích rất đáng quý đó sao? Nhưng có mấy ai biết đến tên tuổi của họ? Sách của họ in ra, nhanh chóng chìm lỉm trong những kệ sách đầy tiểu thuyết ngôn tình vớ vẩn.
Thế tại sao Huyền chip lại nổi tiếng dường ấy?
Thứ nhất, em ấy biết cách để tự lăng xê bản thân. Thứ hai, em ấy có mối quan hệ khá thân thiết với báo giới, khiến việc PR tên tuổi Huyền chip chuyên nghiệp và dễ dàng hơn. Thứ ba, bản thân Huyền là một người có nhiều kỹ năng khá, như kỹ năng viết lách, kỹ năng xin việc làm, kỹ năng phượt...
Mình dùng từ kỹ năng chứ không phải tài năng. Vì những gì Huyền thể hiện chưa đến mức gọi là tài năng. Vì mình biết những điều đó không chỉ riêng Huyền mà bất kỳ người nào cũng có thể trau dồi được qua thời gian.
Mới đây, Huyền chip ra mắt tập 2 của
Xách balo lên và đi với tựa đề: "Đừng khóc ở Châu Phi". Mình chưa đọc hết tập 1 của
Xách balô lên và đi. Và cũng không có ý định mua tập 2, đơn giản vì mình không thích giọng văn của em ấy lắm. Nhưng mình không hiểu sao một số bạn lại nghi ngờ tính chân thực của những câu chuyện đó.
Đến anh Trần Ngọc Thịnh, một Fullbrighter (người từng được học bổng Fullbright của chính phủ Mỹ) được khá nhiều người theo dõi cũng bày tỏ sự ngờ vực, nhưng với giọng điệu nhẹ nhàng. Còn những người khác thì phân tích từng điểm một, chế nhạo, thậm chí xúc phạm nhân phẩm em ấy bằng những lời lẽ chẳng lấy gì làm hay ho.
Là một phượt tử (có tuổi mà chưa có tên), nghiên cứu khá kỹ về xuất nhập cảnh, visa, du lịch, đi bụi và các vấn đề liên quan, mình thấy những suy luận phản bác Huyền chip thực sự hết sức buồn cười. Những người nghi ngờ Huyền chip là những người chưa hiểu gì về cái gọi là đi bụi. Vì vậy, mình muốn đính chính một số điều mà người trẻ hay nhầm tưởng, không phải để bênh vực cho Huyền chip, mà là để giúp những người muốn đi mà chưa đi được có cái nhìn đúng đắn hơn về phượt.
Một, 700$ đi vòng quanh thế giới. Tiếng Anh có hai từ riêng biệt: "traveler" và "tourist", để phân biệt hai kiểu du lịch. Cùng là đi, nhưng kiểu tourist mà người Việt thường biết là những người du lịch nghỉ dưỡng, ở khách sạn, thăm danh lam thắng cảnh, mua quà cáp biếu bạn bè, và trở về. Còn traveler là những người đi để hiểu về văn hóa bản địa, để kết bạn với dân địa phương, để làm giàu vốn sống của mình. Traveler tránh những nơi đông khách du lịch, ăn ở lăn lóc cùng dân bản xứ, khám phá những vẻ đẹp mà tourist không thể nào thấy được.
Dĩ nhiên bạn không thể tour chỉ với 700$ trong túi. Nhưng bạn có thể travel với số tiền còn ít hơn thế. Câu chuyện của Huyền Chip thực sự không có gì nổi bật ở các nước Châu Âu, nơi việc nghỉ làm đi bụi vài năm về làm tiếp là chuyện thường ngày ở huyện. Với sự trợ giúp của các trang web chuyên về lữ hành, traveler có thể hitchhiking (xin đi nhờ), ở homestay Couchsurfing, xin làm việc trong HelpX để đổi lấy chỗ ngủ và thức ăn, hoàn toàn không mất tiền.
Các bạn trẻ phản đối Huyền chip chắc không hề biết rằng có một nghề mới nổi ở phương tây được gọi là "professional traveler" - dân lữ hành chuyên nghiệp. Những người này đi đến đâu làm việc đến đấy, làm đủ mọi nghề freelance từ viết blog, chụp ảnh, phục vụ, làm báo... tất cả chỉ để kiếm đủ tiền và đi đến địa chỉ tiếp theo, cứ thế phiêu bạt khắp năm châu và sống cả đời trên những con đường lạ.
Khá nhiều người bạn của mình trên Couchsurfing đi lữ hành theo những cách không tốn nhiều tiền như vậy, và họ đã đi nhiều nơi trên thế giới. Mình cũng đã nhiều lần đi bụi và thấy chi phí không cao. Có một sự thật mà chỉ những người đã đi rồi mới biết, đó là bạn không cần có quá nhiều tiền để có thể "travel".
Thế nhưng, sai lầm của Huyền chip ở đây là đã vô tình để cho báo chí PR rầm rộ với danh hiệu: "Chỉ 700$ đi vòng quanh thế giới", khiến khá nhiều người hiểu nhầm rằng chuyến lữ hành của em có tổng chi phí chỉ 700$ mà không biết rằng đó thực ra chỉ là số tiền mặt em có trong túi khi mới bắt đầu hành trình, không biết Huyền đã phải cày cật lực, làm lụng khổ sở trên mỗi chặng đường tiếp theo ra sao.
Hai, về visa. Một số bạn ngây thơ phát biểu rằng: phải có tay trong bộ ngoại giao mới xin được visa qua 25 nước, hay muốn xin visa phải có ít nhất 5000$ trong túi, thế mà dám bịa chuyện bố láo.
Xin thưa, chỉ có những nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, Úc mới yêu cầu
chứng minh thu nhập/tài sản khi xin visa. Lý do là vì họ e ngại người
Việt xin visa qua được đến đó rồi trốn lại luôn, nên khi có tài sản giá
trị lớn ở Việt Nam thì bảo đảm một phần rằng những người này sẽ trở về
sau đó. Còn những quốc gia khác thì hầu như chỉ cần nộp hồ sơ là có thể
lấy được.
Traveler không phải là những người quá giàu có, nhưng họ là những người
tự do. Huyền chip đã là một traveler với những tố chất riêng, với niềm
đam mê chinh phục những con đường mới.
Gần đây, chạy theo danh tiếng,
những câu chuyện của em đã dần mất đi chất lửa, nét say mê đặc sắc ấy.
Dù vẫn không có nhiều ấn tượng tốt về em, nhưng mình vẫn mong em đứng
vững qua những giông bão này, để lấy lại ngọn lửa đam mê, để tiếp tục là
người truyền cảm hứng, giúp người trẻ Việt bước ra khỏi môi trường chật
hẹp của mình và khám phá thế giới chung quanh. Để Việt Nam có thêm
nhiều người lữ hành, và bớt đi các anh hùng bàn phím.
|
Để đến Sri Lanka, bạn chỉ cần điền vào một cái form trên mạng, nộp 25$, là có ngay visa Sri Lanka. Muốn lấy visa đến Ấn Độ? 40$ và bộ hồ sơ hợp lệ, thế là bạn có thể đến thăm đền Taj Mahal. Thử xem các nước mà Huyền chip đã đi qua: Kenya, Ethiopia, Tazania..., đa phần là những quốc gia nằm dưới cùng trong bảng xếp hạng GDP đầu người thế giới, họ có gì để lo sợ chứ?
Ba, hậu quả nguy hiểm. Một số người bảo rằng nếu những gì Huyền chip nói không phải là sự thật, và những câu chuyện của cô kích động người trẻ liều mạng đi bụi, thì hậu quả sẽ rất nguy hiểm. Hậu quả thế nào? Nguy hiểm gì chứ? Con vẹt trong lồng luôn cho rằng rừng xanh là nguy hiểm, con ếch trong ao tù luôn sợ hãi xung quanh. Mình thách các bạn trẻ ra đi đấy, cứ liều mạng đi, xem có dám chăng.
Cứ thử đi thử đi, để biết có thực sự nguy hiểm không. Cứ thử đi thử đi, rồi bạn sẽ biết thế giới bên ngoài tuy có khác biệt so với môi trường của bạn, nhưng ở đâu cũng có nhân loại, ở đâu cũng có tình người. Những người ở các đất nước khác dù màu da màu tóc khác nhau, nhưng sẽ mở rộng vòng tay chào đón bạn, miễn bạn có cái tâm tốt lành, và một chút cẩn trọng hợp lý.
Ngay cả nếu bạn có bỏ mạng trên đường đi như anh chàng Chistopher Mc. Candless trên đường khám phá Alaska hoang dã, thì ít ra sau này tên tuổi của bạn cũng sẽ được dựng thành phim, như bộ phim
Into the wild đã tạo cảm hứng cho biết bao nhiêu người đam mê lữ hành trên toàn thế giới. Còn hơn là chết già trong một căn phòng cũ kỹ mà vẫn chưa làm được việc gì đẹp đẽ cho cuộc đời mình.
Mình biết một anh chàng tên là Turner, người luôn mơ ước được đến Nam Cực. Anh bắt đầu đi vòng quanh thế giới và làm đủ mọi nghề trên đường du hành, từ huấn luyện viên dạy lặn, bartender, viết báo, dạy tiếng Anh, làm ông già Noel, đóng phim quảng cáo, cho đến chăm sóc voi và hổ trong vườn bách thú.
Ở Mỹ, anh còn tự tạo ra nghề cho mình bằng cách giơ bảng quảng cáo ở quảng trường cho mỗi người lấy gối đánh vào người anh, mỗi lần 1$. Lần khác, anh lại đề nghị bò xuống để người khác ngồi trên lưng và chụp ảnh, mỗi lần cũng 1$. Cứ như thế, anh tiến dần đến đích, và cuối cùng, anh xin làm phụ việc trên tàu phá băng thám hiểm Nam Cực để đạt được ước mơ của mình.
Bạn có thể tìm hiểu thêm hành trình thú vị của anh ở http://www.aroundtheworldin80jobs.com/. Thậm chí, bạn không cần tiền để đi lữ hành. Cách đây vài năm, Raphael Fellmer và bạn gái anh Nieves Palmer đi lữ hành từ Châu Âu qua Châu Mỹ không có một xu nào dính túi.
Ngược lại, họ không dùng tiền và từ chối tất cả các hỗ trợ về tiền bạc trên hành trình của mình. Họ chỉ dùng hitchhiking (đi nhờ xe) và boat-hiking (đi nhờ tàu) để đi, giúp việc trong các nông trại để có chỗ nghỉ đêm, thuyết giảng trong các trường đại học để đổi lại bữa trưa. Và họ lan tỏa thông điệp về một thế giới của lòng nhân đạo, của tình yêu thương và niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời, về sự hòa hợp giữa con người với con người và con người với thiên nhiên, về sự phù du của đồng tiền.
Hành trình của đôi bạn trẻ này giờ đã kết thúc với một gia đình nhỏ ấm cúng, với những dự án hỗ trợ cộng đồng qua trang web Eotopia. Do vậy, những việc Huyền chip làm tuy có quá tuyệt diệu, đến nỗi không thể tin được đối với người Việt, nhưng thực ra chỉ là chuyện bình thường trên thế giới.
Sai lầm của Huyền (lại một sai lầm nữa) là đã viết về nó, với những chi tiết không rõ ràng, lại có phần đánh bóng lên câu chuyện của mình, khiến người đọc không tin rằng tất cả đều là sự thật.
Traveler không phải là những người quá giàu có, nhưng họ là những người tự do. Huyền chip đã là một traveler với những tố chất riêng, với niềm đam mê chinh phục những con đường mới. Gần đây, chạy theo danh tiếng, những câu chuyện của em đã dần mất đi chất lửa, nét say mê đặc sắc ấy. Dù vẫn không có nhiều ấn tượng tốt về em, nhưng mình vẫn mong em đứng vững qua những giông bão này, để lấy lại ngọn lửa đam mê, để tiếp tục là người truyền cảm hứng, giúp người trẻ Việt bước ra khỏi môi trường chật hẹp của mình và khám phá thế giới chung quanh. Để Việt Nam có thêm nhiều người lữ hành, và bớt đi các anh hùng bàn phím.
Từ FB của Rosie Nguyen (Từ FB của Rosie Nguyen)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.