"Huyền thoại" của những người an ủi mẹ Rừng - Kỳ 3: Nguyên Bí thư huyện ủy dựng lán giữ rừng săng lẻ

Phóng sự của Hoàng Chiên Thứ sáu, ngày 25/12/2020 15:37 PM (GMT+7)
Rừng săng lẻ với những tàng cây khổng lồ, thẳng như cột chống trời, vỏ cây trắng lốp như màu bạch mã của chàng hoàng tử nào đó. Từng đoàn người qua các cung đường cua tay áo, chon von ngược lên Kỳ Sơn đều bất chợt "vấp" phải một thế giới như là cổ tích. Rừng cổ thụ xanh um đẫm đùa màu mơ mộng...
Bình luận 0
Chuyện như là "huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng: Rừng cổ thụ đã dẫn người ta vào con đường sáng - Ảnh 1.

Vẻ đẹp rừng săng lẻ ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, ven Quốc lộ 7.

Nếu ai đó bảo bầu chọn lấy một miền cổ tích rừng xanh tuyệt bích ở miền Tây xứ Nghệ và cả nước, chúng tôi nhất định tiến cử "Khu rừng Đặc dụng Săng lẻ Tương Dương" 241ha (vùng trung tâm của nó nằm tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương) trùm xòa kín bưng cái quốc lộ 7 huyền thoại kéo từ Diễn Châu, qua các huyện Đô Lương, Anh Sơn lên mãi miền thượng du Con Cuông, Tương Dương rồi Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An. 

Những cái tên nghe thôi đã thấy nao lòng: Cửa Rào, Sông Lam, Nậm Nơn, Nậm Mộ, chúng được tưới tắm màu xanh diệp lục mĩ miều của Rừng Săng Lẻ với những tàng cây khổng lồ, thẳng như cột chống trời, vỏ cây trắng lốp như màu bạch mã của chàng hoàng tử nào đó. 

Từng đoàn người qua các cung đường cua tay áo, chon von ngược lên Kỳ Sơn đều bất chợt "vấp" phải một thế giới như là cổ tích. Rừng cổ thụ xanh um đẫm đùa màu mơ mộng. Khó ai không dừng lại hít căng lồng ngực và cảm giác như mình là khác bộ hành vừa lếch thếch qua sa mạc khô khát, chợt gặp một dòng sông tiền sử chở đầy hoa xuyến chi.

Chuyện dựng lán giữ rừng của nguyên Bí thư Tương Dương

Rừng đặc dụng săng lẻ cách TP Vinh 150km này, tại sao còn đến bây giờ? Trong khi ba bề bốn bên trơ trụi, nhẵn nhụi cả. Bên cạnh vai trò quản lý của Vườn Quốc gia Pù Mát gần đây, bao năm qua, rừng đặc dụng này được bảo vệ bởi một ông cụ vô cùng tử tế với rừng. Người viết bài này vài lần được vào đàm đạo với ông ở trong căn lều lợp lá, giữa rừng săng lẻ. 

Ông là Vi Chính Nghĩa, nguyên Bí thư huyện ủy Tương Dương, sau làm lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Từ năm 1965, hồi lâm trường còn quản lý rừng săng lẻ, sau này đương chức to tát, thấy lâm tặc liên tục phá rừng như sâu mọt ăn trụi các luống cây quý, ông Nghĩa đau lắm. Góp ý không ai nghe, ngăn chặn thì không xuể. Về hưu, cụ Nghĩa xin một khẩu súng vào rừng dựng lán quyết giữ các tàng cây tuyệt đẹp kia cho con cháu.

Chuyện như là "huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng: Rừng cổ thụ đã dẫn người ta vào con đường sáng - Ảnh 2.

Ông Vi Chính Nghĩa bên cánh rừng săng lẻ huyền thoại ông giành nhiều năm để gìn giữ, chăm sóc. (Ảnh: P.V)

Từ những năm 1965, ông Nghĩa đã đau lòng với các cánh rừng trời đất ban cho quê mình đang bị tàn phá rồi. Mãi năm 2004, tức là 18 năm trước, tôi vẫn thấy ông ngồi trong rừng như Robinson, cầm cái radio cũ mèm, bên cạnh là con dao quắm, ông quả cảm giữ 78 ha rừng già tuyệt bích. 

Ông Vi Tiến Cảnh, một cựu binh, nguyên là cán bộ tài chính xã, nay làm "Phó ban" giữ rừng săng lẻ, là cháu ông Vi Chính Nghĩa, kể: Năm 1973, Trung ương cần một số cây săng lẻ đại thụ mang ra Hà Nội làm một công trình thiêng liêng. Lâm trường cưa mấy ngày mới đổ một cây, rồi phải cho voi vào kéo gỗ ra đến đường Quốc lộ 7, chở dần về Thủ đô. 

Đụng lâm tặc, giương súng lên dọa. Hắn bảo rừng của ông à mà ông giữ? Ông bảo, rừng của mi à, mà mi phá? Bắn súng có, bắt giữ có, nỉ non với bố mẹ nó nhờ giáo dục con cái đừng chọc nát tấm áo đang bảo vệ sự sống của cộng đồng như thế cũng có. 

Với uy tín nhiều năm của mình trước chính quyền và nhân dân, với khẩu AK và 10 viên đạn, ông Nghĩa đã mời công an, kiểm lâm ra quân truy quét lâm tặc trong toàn khu vực. Có kẻ bị khởi tố, bắt giam, có kẻ bị phạt hành chính bán trâu bò đi mà đền. 

Dù 7 người con, ai cũng khóc ngăn cản bố Nghĩa đừng làm thế nữa, đụng miếng cơm manh áo của lục lâm thảo khấu, họ giết bố mất, song ông Nghĩa vẫn kiên quyết bám trụ trong căn lều giữa rừng. Cuối cùng, nhờ đó, các cánh rừng săng lẻ đã nhận được sự bình yên.

Chuyện như là "huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng: Rừng cổ thụ đã dẫn người ta vào con đường sáng - Ảnh 4.

Vẻ đẹp rừng săng lẻ ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, ven Quốc lộ 7. (Ảnh: P.V)

"Đội vệ binh" của 241 hecta rừng săng lẻ

Rừng xui khiến ông cụ Nghĩa buông tất cả phồn hoa, để kham khổ ở lều mà bảo vệ rừng. Rồi rừng hồi sinh, mênh mông cổ thụ được bảo tồn, mấy chục năm sau, kiểm lâm, chính quyền ghi nhận công lao của ông cụ người Thái Vi Chính Nghĩa. Họ có phụ cấp cho ông giữ rừng. Họ thấy con đường ông quả quyết làm bấy lâu nay sao mà chí lý, chí tình, mà nó nhân văn tử tế quá. Đến năm 2015, ông Nghĩa về trời trong niềm thương tiếc tôn kính của cả cộng đồng.

Tự vẻ đẹp mĩ miều của các cánh rừng săng lẻ hơn 240 héc-ta khiến người ta sững sờ, đi qua ai cùng dừng xe xuýt xoa và bảo: Sao ta không giữ thật nhiều rừng đẹp thế này cho ta và con cháu chúng ta nhỉ? Ai đã giữ cánh rừng này và rồi đây nó sẽ đi về đâu? Lãnh đạo huyện, rồi tỉnh, rồi Trung ương đều tôn vinh khu rừng tuyệt đẹp. Thế là họ đề nghị mở rộng diện tích "vùng đệm" của rừng săng lẻ thêm vài chục héc-ta. 

Khi ông Vi Chính Nghĩa về trời, họ đề nghị bàn giao công việc cho 2 người khác tiếp quản, rồi giờ đây, có 11 hộ gia đình người Thái ở xã Tam Đình cùng lo giữ kho báu rừng xanh đó. Ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Đình nhấn mạnh: Từ niềm tự hào với rừng, từ cuộc sống lành lẽ của cộng đồng người Thái tham gia giữ rừng ở đây nghĩ ra việc xây dựng hương ước bảo vệ rừng. Ai vi phạm có thể bị khiển trách, xử lý trước toàn bản. Đó là lý do quan trọng để rừng không bị phá lâu nay.

Vậy là, tự vẻ đẹp và các giá trị của rừng đã khiến người hạ quyết tâm hơn nữa trong việc chăm sóc các cánh rừng đó. Từ chỗ chỉ có 78ha, giờ diện tích rừng được bảo vệ trong khu vực nổi tiếng mang tên Rừng Đặc dụng Săng lẻ đã lên tới hơn 241h. Một nhạc sỹ đồng quê của phủ Tương Dương cũ đã viết nên bài hát ca ngợi rừng săng lẻ xanh xanh xanh bằng giai điệu lí lơi miền thượng du đầu ngọn sông Lam. 

Cả vùng rộng lớn, đủ nam phụ lão ấu cùng thích hát "huyện ca" trên, trong mỗi lần đi qua quốc lộ 7 với "rừng lạnh săng lẻ". Mây vồng, mây tán, mây voan tứ bề; chim hót líu lo; rồi đang nóng cỡ nào, nóng đỏ đọc trên màn hình dự báo thời tiết của tivi (như huyện Tương Dương), song cứ hễ qua xã Tam Đình với rừng săng lẻ xanh là nhiệt nhiệt độ được tụt xuống vài độ. Thế nên bà con gọi nôm na nơi này là "rừng lạnh".

Chuyện như là "huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng: Rừng cổ thụ đã dẫn người ta vào con đường sáng - Ảnh 5.

Ông Vi Tiến Cảnh (tổ phó), Tổ bảo vệ rừng săng lẻ. (Ảnh: P.V)

Rừng đã thức tỉnh cả những người bao năm thờ ơ nhất với thiên nhiên. Giờ đây, nể nang lắm thì cho ai đó vào rừng hái nấm hái măng thôi, chứ vác súng săn vào bắn thú, vác lưới vào bẫy chim hay cầm cưa đi ngả gỗ, là một điều đáng hổ thẹn với cả cộng đồng. Giữ rừng bằng tâm linh, khi mà dưới nhiều gốc săng lẻ có bát nhang thờ thần núi thần rừng, giữ rừng bằng danh dự của người miền sơn cước, khi cha anh mình đổ mồ hôi sôi nước mắt để giữ các báu vật cổ thụ, cớ sao mình không có liêm xỉ bước qua hương ước của bản để đi chặt rừng?

Và cuối cùng, giữ rừng bằng nguồn thu nhập chính đáng. 11 hộ gia đình người Thái ở ở bản Quang Thịnh, họ sống ngay bìa rừng săng lẻ, mỗi năm được ngân sách cấp 90 triệu đồng tiền công sức giữ rừng. Họ lập phương án giữ rừng bằng sức mạnh cộng đồng.

Một Đảng viên lão thành là ông Vi Trường Vĩnh (tổ trưởng), một cựu chiến binh oai hùng trận mạc, về làm tài chính xã, giờ nghỉ hưu là ông Vi Tiến Cảnh (tổ phó), cả hai cùng gia đình, dòng tộc, xóm mạc lập trận tuyến mới để quyết giữ rừng săng lẻ. Bão về, cây ngã đổ trong rừng, cùng lắm tận dụng về làm công trình chung, chứ không ai được tơ hào. 

Mỗi ngày, luân phiên, có hai hộ cắt cử thành viên của mình đi tuần tra bảo vệ rừng. Có dao dựa, gậy gộc, cầm theo điện thoại sóng khỏe và phối hợp với kiểm lâm địa bàn hẳn hoi. Cuối ngày về ghi nhận kí, báo cáo đầy đủ. Số tiền gần trăm triệu thì chia đều cho 11 hộ. Ai cũng vui và tự hào, vì mình đã được chọn để trở thành lực lượng vệ binh cho kho báu mang tên "săng lẻ".

Xây chòi vãn cảnh, trạm dừng nghỉ đón khách, mở đường "thám hiểm"

Những cây gỗ cao vút, thăn thớ, trắng lốp một cách quý tộc đó đã đứng sát bên nhau, vâm váp như một đoàn binh nhân hậu, bằng mọi giá bảo vệ màu xanh cho cõi sống của tất cả chúng ta. Đi bộ cả ngày trong rừng, cơm đùm cơm vắt, những con mắt của rừng đã không để một lâm tặc nào qua mặt. 

Hỏi, "rừng gần 250ha, rộng thế, thì làm sao mà quán xuyến hết được, các ông già ơi. Nhà cháu có 60m2 mà trộm vẫn vào đấy". "Chú ni (này) nói rừng rộng không thể ôm gốc cây được mà giữ rừng được là nỏ (không) đúng. Rừng có cửa, nó vào rừng hay khiêng gỗ, khiêng con thú ra thì phải đi theo cửa rả ấy chứ. Nếu thật sự muốn giữ, thì giữ tốt. Hãy xem chúng tôi làm đây, khỏi phải nói nhiều". 

Ông cụ xốc lại con dao mòn vẹt lưỡi, ánh nước thép cài ở thắt lưng với bao tre nâu bóng nước mồ hôi, xà cạp màu xanh áo lính của vị cựu binh ngoài bảy chục tuổi đầu, trông vẫn còn oanh liệt lắm. Chợt nghĩ, các vị kiểm lâm nào đó thuộc lòng bài ca muôn thuở, rừng rộng, cửa rừng nhiều, lâm tặc tinh vi, lực lượng ít không thể giữ được rừng, chắc phải nghĩ lại.

Rừng săng lẻ đẹp quá, Phó Chủ tịch Quốc hội về thăm, tặng cả một tủ thuốc Tây y nhằm động viên cộng đồng giữ rừng đầy nhiệt huyết ấy. Rừng lại mở mắt cho nhiều người, rằng: nếu cứ để phát nương làm rẫy, canh tác kiểu đốt, phá, chọc, chỉa thì bà hỏa có thể nuốt chửng hàng trăm héc- ta báu vật thiên nhiên mà hơn nửa thế kỉ qua các vị giữ rừng khả kính đã lao tâm khổ tứ giữ được? 

Thế thì phải tạo sinh kế cho bà con, cấm tiệt làm nương rẫy nhé. Mở rộng diện tích "vùng đệm" bảo vệ rừng săng lẻ đồng thời trồng rừng mới để bổ sung thêm các cỗ máy sản xuất ô xy cho nhân loại nhé. Bên cạnh đó, giơ cao đánh khẽ, song vi phạm nào cũng phải được xử lý để tăng tính răn đe giáo dục. 

Ông Cảnh chắc nịch: "Nhiều hộ làm điều không tốt với rừng, phải bán cả trâu lẫn nghé đi mà nộp phạt đấy, chứ mình không làm nghiêm là họ lấn tới, mất rừng như chơi". "Mỗi ngày đi tuần, có gì bất ổn là chúng tôi báo cáo Trạm kiểm lâm Khe Bố, báo cáo Ban Lâm nghiệp xã ngay lập tức".

Chuyện như là "huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng: Rừng cổ thụ đã dẫn người ta vào con đường sáng - Ảnh 6.

Rừng săng lẻ đang được người dân và chính quyền địa phương bảo vệ nghiêm ngặt

Bây giờ, đi qua khu "đầu não" tuyệt đẹp của các triền săng lẻ cổ thụ đứng như so đũa dọc dằng dặc quốc lộ 7 đi qua xã Tam Đình, nếu để ý và chịu khó nghe chuyện, người ta còn vui hơn nữa, bởi một sự đào bới chôn cột san ủi mặt bằng thú vị. 

Ấy là thấy nhiều người dừng xe ngắm cảnh và ca tụng hàng vạn cụ săng lẻ kia quá, cán bộ và nhân dân sở tại bèn được Mẹ Rừng động viên tiến thêm một bước nữa: Đẵn vài cây luồng to, dài, ghép chúng lại làm cái ghế miên man hai chục người ngồi cùng lúc được. Rồi quét sạch lá cành cây mục ở ven quốc lộ, để cho muôn khách lại qua có chỗ nghỉ chân ngắm phong cảnh hữu tình. Cứ là mát như có kẻ quạt hầu.

Tiến tới, họ lập dự toán làm cả một khu vực đón khách du lịch, gồm cả trạm và chòi quan sát cảnh đẹp, cả đường đi bộ xuyên rừng. Khu dừng nghỉ. Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương xuống họp các hộ giữ rừng lại: Ta làm du lịch thôi, bà con ơi.

Chuyện như là "huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng: Rừng cổ thụ đã dẫn người ta vào con đường sáng - Ảnh 7.

Hiện UBND huyện Tương Dương đang đầu tư để phát triển du lịch, mang lại nguồn thu từ rừng săng lẻ hiếm có này. (Ảnh: P.V)

Vài lá đơn xin tận dụng gỗ già đổ đã lâu trong rừng để xây nhà sàn đón khách mua đặc sản địa phương, nghe dân ca và xem dân vũ bản địa, các hướng dẫn viên nông dân sẽ giúp họ hiểu về rừng quý và góp phần cải thiện kinh tế cho người bản xứ. Đơn này, ai ngờ cũng bị tỉnh từ chối nốt. Cấp phép tận thu gỗ ngã đổ, là trái quy luật bảo tồn hiện đại, dễ bị kẻ xấu lợi dụng giấy phép đẵn thêm cây quý. Cấm. Cấm lấy gỗ dựng nhà sàn.

Song, chôn cột đèn hai bên đường qua rừng săng lẻ, san ủi, dựng trạm dừng nghỉ, tuyển chọn sản vật ăn uống, đồ thổ cẩm lưu niệm, đĩa hát ca ngợi rừng săng lẻ xanh lấp lánh tia nắng vàng… thì quá ô-kê.

Bà Vi Thị Hoan, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tam Đình rất tâm đắc với việc "đánh thức rừng săng lẻ" này: "Chúng tôi đã chuẩn bị đủ thứ ngon nghẻ cho du khách: Xôi nếp nương, cơm lam ống nứa tươi, lại thêm cá mộc bọc lá chuối nướng trên than hoa. Và tôi thì hát về rừng săng lẻ nữa chứ". Thế là vừa băm rau chuối cho lợn bà vừa lí lơi hát. Ngoài kia, sương từ rừng săng lẻ đi qua cái chuồng bò lọt vào căn bếp.

"Có ai biết nơi đây xưa là phủ Tương Dương… Tia nắng rừng săng lẻ xanh, cùng tiếng cồng tiếng chiêng nồng thắm, rượu cần trao mái nhà sàn đêm…". Đang hát bà Hoan chuyển sang nói: "Tôi không hát được nữa, 61 tuổi rồi. Bài hát ra đời cách đây gần 10 năm do một người ở Con Cuông sáng tác đấy".

Chuyện như là "huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng: Rừng cổ thụ đã dẫn người ta vào con đường sáng - Ảnh 8.

Môt cây săng lẻ lớn sừng sững trong quần thể hơn 241ha rừng săng lẻ

Chuyện như là "huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng: Rừng cổ thụ đã dẫn người ta vào con đường sáng - Ảnh 9.

Người dân địa phương rất tự hào vì quê hương mình có rừng săng lẻ. (Ảnh: P.V)

Bà Hoan sắc sảo bất ngờ: "Nan giải là phải xây cái chỗ đỗ xe ô tô cho rộng rãi nữa. San ủi nhiều đất rừng thì sợ ảnh hưởng đến cây săng lẻ, nếu để người ta thích rừng của mình quá mà đỗ xe ngoài mặt quốc lộ đúng chỗ cong vút sẫm tối vì râm mát thế, có khi lại quá nguy hiểm cho vấn đề giao thông ấy chứ!".

Bà con háo hức lắm. Tự rừng dạy cho người ta biết làm thơ, làm nhạc, muốn dừng lại ngẩn ngơ ca ngợi điểm thưởng lãm rừng lý tưởng dọc con đường mấy trăm cây số đèo dốc lên biên giới Nậm Cắn sang Xiêng Khoảng của nước bạn Lào.

Một lãnh đạo huyện Tương Dương phân tích: Có tiền, có điện sáng, có khách du lịch đi xuyên rừng cắm trại, có các đoàn nhiếp ảnh với ống kính tê-lê nhòm tới mọi ngõ ngách của cây và chim thú rừng săng lẻ, lúc đó, lâm tặc sẽ không còn đất sống để gieo điều nhẫn tâm với rừng của chúng tôi nữa. Vâng, các tàng cây săng lẻ sống thọ cùng đất trời kia đã dẫn dắt tâm hồn và tri thức của con người ta theo con đường sáng như thế đó.

Kho báu săng lẻ của cả Việt Nam

Săng lẻ là loài cây quý, thuộc họ bằng lăng. Cả Việt Nam, có lẽ khu vực ở Tam Đình và lân cận là nơi duy nhất có một bảo tàng săng lẻ cổ thụ nguyên sinh đẹp đến như vậy. Có tên khoa học là "Lagerstroemia Tomentosa Presl", săng lẻ có hoa tím vào mùa hè, mỗi năm có đợt rụng lá khiến các cánh rừng sẫm vàng đẹp mê hồn. Thân cây trắng và thăn thớ, chu vi vòng gốc săng lẻ ở Tương Dương đến ba bốn người ôm, thân cây thẳng vút tận trời xanh. Nhiều cây cao tới hơn 40m.

Ông Trần Văn Minh, gần 60 tuổi, thành viên tổ bảo vệ rừng đặc dụng săng lẻ đi tuần rừng từ sáng đến trưa, ăn cơm nắm mang theo, ngồi nghe chim hót một chốc rồi lại lội rừng từ trưa đến chiều; gặp chúng tôi, ông vẫn phăm phăm sảng khoái: "Vào rừng nghe hót vui trên tán lá, mọi mệt mỏi tan biến. Bao năm đi bảo vệ khu rừng này, chúng tôi đã thuộc từng khe nước, từng gốc cây, có gì suy chuyển khả nghi là cấp báo mọi người vào cuộc ngay".

(Còn nữa)

Đón đọc Kỳ 4: Trùm lâm tặc được Chủ tịch nước thăm vì thành tích... trồng rừng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem