"Trùm lâm tặc" trồng rừng, được Chủ tịch nước về thăm và động viên
"Huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 4: Trùm lâm tặc được Chủ tịch nước thăm vì thành tích... trồng rừng
Hoàng Chiên
Thứ bảy, ngày 26/12/2020 08:00 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đình Tuy từng được Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đến thăm từ khi phong trào trồng rừng còn chưa được đẩy mạnh. Khu du lịch sinh thái giữa lòng hồ thủy điện Hòa Bình của ông cũng là một điển hình trong phát triển kinh tế nhờ rừng, dựa vào rừng.
Song ít ai biết, những thành tích ấy lại là kết quả của "pha" "hồi đầu thị ngạn" – ông Tuy từng là tay buôn gỗ, đốn hạ cây rừng khét tiếng ở Hòa Bình một thời. "Mỗi năm tôi mang khoảng một nghìn năm trăm mét khối gỗ về xuôi, suốt cả chục năm như thế. Có lần bè chở gỗ về đến gần Hà Nội thì bị vỡ, cũng mất vài trăm khối như không", ông Tuy bồi hồi nhớ lại.
Đại gia trắng tay trên chiếu bạc
Cả ông Nguyễn Đình Tuy và bà Đinh Thị Niên (người Mường, vợ ông Tuy) đều không phải là cư dân gốc của xóm Xăng Bờ - xã Vầy Nưa - huyện Đà Bắc - tỉnh Hòa Bình, nơi gia đình ông bà đang làm ăn, sinh sống hiện nay). Ông Tuy quê ở xã Tân Hội - huyện Đan Phương - tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội.
Tròn hai mươi tuổi, ông mang nghề rèn của gia đình theo một người bà con lên phố Bờ làm ăn rồi lập gia đình, định cư luôn ở đây. Nhìn khu du lịch đảo Dừa và hàng chục héc-ta rừng trồng hôm nay, cũng đủ để thấy trước đây ông Tuy năng động, tháo vát, xông xáo đến cỡ nào. Chẳng thế mà anh thanh niên tưởng như chỉ quen với búa, với đe đã đóng thuyền theo người bản địa đánh bắt cá trên sông Đà.
Không lâu sau đó, ông Tuy gia nhập đội quân buôn gỗ. Ông lão ngoài thất thập, lông mày chổi xể rất thẳng thắn khi trò chuyện với PV Dân Việt trong một ngày rét căm căm trên đảo Dừa nổi nênh giữa lòng hồ thủy điện hàng tỷ mét khối nước vào cuối tháng 12 năm 2020.
"Như bây giờ gọi là lâm tặc phá rừng. Nhưng bấy giờ người ta gọi là đi làm lâm sản. Ngày lòng hồ chưa ngập nước, ở đây là xóm người Mán (tức người Dao), có đến cả trăm hộ dân đi vào rừng, lên núi cách nhà dăm - bảy cây số chặt gỗ về bán cho tôi. Mỗi tháng tôi lấy 200m3 gỗ từ các đầu mối thu mua ở đây rồi đưa về Đông Trù, bán cho Nhà máy Diêm Cầu Đuống", ông Tuy tâm sự.
Ông Tuy uống trà đặc, rít thuốc lào sòng sọc. Hồi ức về những năm rừng núi sum vầy, giàu có kéo về cùng sóng nước dập dềnh bên cửa. Rừng những năm tháng đó ken dày cây lớn, cây nhỏ. Có những cây to, thẳng tắp, ngước mắt nhìn như các cây đũa đứng xếp hàng cạnh nhau. Rừng khi ấy giàu đến độ, riêng cái xóm nhỏ trăm nóc nhà của người Mán đã đẵn nhiều nghìn khối gỗ cho trâu kéo về cái bãi tập kết ven sông của ông Tuy!
Buôn vãn cả gỗ ở rừng Hòa Bình rồi, ông Tuy ngược sông Đà lên Phù Yên, Sơn La tiếp tục thu mua gỗ, đóng bè đưa về xuôi bán. Những năm buôn gỗ ấy đã đưa ông Tùy vào hàng "đại gia". Bè gỗ vỡ vài lần, mất cả vốn lẫn lãi vẫn chẳng thấm tháp gì, ông vẫn giàu có nức tiếng với nhà cao cửa rộng ở thành phố Hòa Bình.
Nhưng "kiếm nhiều, phá cũng lắm". Bảy mươi hai tuổi, qua bao sóng gió dập vùi, ông Tùy đã không còn ngại điều tiếng hay đánh giá của người đời để mà né tránh những sự thật rành rành đã diễn ra trong cuộc đời mình. Cờ bạc và ma túy ông đều biết cả.
Ông kể: "Xung quanh tôi có nhiều người dùng ma túy. Khi đi buôn gỗ ở Sơn La, người Mông trên đó hỏi tôi "mày có muốn "giàng dinh" (thuốc phiện theo tiếng Mông) không? Tôi bảo muốn, thế là họ cho một cục bằng nửa cái chén. Tôi cũng hút bàn đèn, thấy người lâng lâng, bay bay. Nhưng tôi chỉ thử cho biết thôi chứ không nghiện".
Không lún sâu vào nàng tiên nâu như lời ông kể, nhưng cờ bạc thì ông đã đốt cả gia sản vào đó.
Sợ ở thành phố Hòa Bình sẽ chơi bời quá đà, ông về quê Tân Hội mở xưởng xẻ. Chẳng ngờ ở quê, nạn cờ bạc còn khủng khiếp hơn. Đàn ông cứ tụ bạ quanh các sới bạc, chơi từ hôm trước đến trưa hôm sau. Tối đến đã lại kéo nhau sát phạt trong cuộc đỏ đen. Kết cuộc: Sau khi bán xưởng cưa, bán cả nhà cửa thênh thang ở thành phố Hòa Bình để trả nợ, vốn liếng của vợ chồng, con cái chỉ còn vỏn vẹn 13 triệu đồng.
Không phụ niềm tin của Chủ tịch nước
Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, phim truyền hình còn hiếm hoi chứ chưa nhan nhản như bây giờ. Giai đoạn ấy, hai bộ phim Nam Mỹ "Đơn giản, tôi là Maria" và "Người giàu cũng khóc" trên sóng truyền hình đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả Việt. Điều bất ngờ, ý tưởng trồng rừng, sống giữa thiên nhiên của "đại gia vỡ nợ" Nguyễn Đình Tuy lại xuất phát từ một trong hai bộ phim đình đám ấy.
Ông Tuy nhớ, khi xem bộ phim "Đơn giản, tôi là Maria", ông rất ấn tượng với hình ảnh người phương Tây thường ngày đi làm ở thành phố, nhưng cứ đến cuối tuần là họ lái xe đến những vùng quê, tránh xa thị thành ồn ào khói bụi.
Thích là làm, nghĩ là làm bằng được. Ông Tuy lái tàu đi dọc lòng hồ sông Đà, thấy chỉ có một hòn đảo địa hình bằng phẳng, không cần phải san ủi nhiều, diện tích cũng vừa vặn để thỏa chí sống xanh. Thế là ông mua.
Cả tháng trời vợ chồng, con cái ông mới dọn xong cỏ rả, cây cối rậm rạp trên đảo. Trồng rau, thả gà, cá thì sẵn dưới hồ, cuộc sống nhanh chóng ổn định, và ông nghĩ đến một "cuộc chơi". Ông mua một trăm cây dừa về trồng trên đảo. Khi rặng dừa cao vút, cong cong in bóng xuống sắc xanh nước sông Đà, cũng là lúc ông nghĩ ra cái tên "đảo Dừa" để đặt cho chốn an cư mới.
19 năm qua, cứ đến ngày 9/3 hằng năm, ông Tuy cùng gia đình lại làm dăm mâm cỗ mời gia đình, anh em trong xóm và cán bộ thôn, xã đến liên hoan kỷ niệm ngày Chủ tịch nước về thăm. Trò chuyện với chúng tôi, ông ao ước năm 2021 này được mời nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về lại đảo Dừa xưa để ông được bày tỏ chút lòng gần như là tri ân. Bởi với ông, ngày hôm ấy đã như một bước ngoặt khác, mang ý nghĩa sâu sắc hơn trong đoạn trường "thị ngạn" của cuộc đời mình. Lá thư tâm huyết và cảm động gửi tới ông Trần Đức Lương đã được chủ rừng Nguyễn Đình Tuy cặm cụi viết trong nhiều đêm…
Để đảo Dừa lại cho bà Niên và các con chăm sóc, ông mua thuyền, ngược sông Đà đi buôn lương thực. Tích cóp được đến đâu, ông gạ những chủ đất lân cận đảo Dừa bán những quả đồi trơ trụi, vốn chỉ trồng sắn lại cho mình.
Đến năm 1997, đảo Dừa và 10 héc-ta "rừng ông Tùy" đã cơ bản xanh như ngày hôm nay.
Năm ấy, ông dần chuyển đổi cây trồng; vừa ngô, vừa sắn, vừa khoanh khu trồng luồng, trồng cây lấy gỗ…, đa dạng hơn việc chăn nuôi và đánh bắt thủy sản. Chỉ có con người bạc đãi với đất Mẹ, chứ đất đai không bao giờ phụ người.
Từ hai mươi năm trước, giữa lòng hồ mênh mông nước này, trang trại kết hợp nông – lâm – thủy sản của gia đình ông Nguyễn Đình Tuy đã trở thành điển hình kinh tế hộ gia đình của cả tỉnh Hòa Bình.
Càng thêm phần ý nghĩa và có giá trị không nhỏ trong suốt hai mươi năm duy trì, phát triển đảo Dừa cũng như những cánh rừng của ông Tuy là lần được đón Chủ tịch nước đến thăm. Ông nhớ như in, hôm đó là 9/3/2001, ông và gia đình đã rất bất ngờ khi "đoàn công tác đến thăm" (cán bộ địa phương báo trước với ông như vậy), ngoài Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình là… Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng Bộ trưởng Bộ NNPTNT bấy giờ là ông Lê Huy Ngọ.
"Hôm đó "đoàn công tác" tặng gia đình tôi 1 triệu đồng cùng 15kg bánh kẹo Hải Châu để tôi mời bà con quanh xóm. Lúc trồng rừng, tôi không nghĩ nhiều được đến việc phủ xanh đất trông hay gì đó. Tôi làm, chỉ đơn giản là tôi muốn không gian sống xanh, yên bình như hình ảnh tôi xem trên phim "Đơn giản, tôi là Maria".
Phải đến khi Chủ tịch nước về thăm, tôi mới nhận ra giá trị và ý nghĩa của việc mà mình đã làm. Tôi vừa như hỏi, vừa như tự nói với chính mình: "Tại sao bao nhiêu tỷ phú, Chủ tịch nước không đến thăm mà lại thăm một gã trồng rừng như tôi?".
Chuyến thăm ấy đã gieo thêm vào ý chí ông một quyết tâm: "Làm thế nào để đảo Dừa và cánh rừng khác đi, có ý nghĩa và giá trị không chỉ đối với gia đình mình hay trong phạm vi Hòa Bình nữa". Tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, đã kinh qua "ba chìm bảy nổi và nhiều lênh đênh" nên ông Tuy không cho phép mình liều hay bạt mạng buôn bán làm ăn lớn nữa.
Ông bền bỉ, cặm cụi lấy ngắn nuôi dài. Kinh tế nông – lâm – thủy sản cho vốn đến đâu, ông gom góp đến đó để dựng từng ngôi nhà, mua từng chiếc tàu chở khách ra đảo Dừa; dần dần biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái độc đáo vào bậc nhất ở Thung Nai.
Đảo Dừa của Tuy ông hôm nay là những nếp nhà sàn úp súp giữa cây cối xanh um. Phóng tầm mắt xung quanh là rừng, là đồi xanh biếc nghiêng bóng soi mình xuống lòng hồ sông Đà. Màu xanh của cây cùng màu xanh của nước quấn quyện bật lên sắc xanh ngọc bích như thực, như mơ.
Ông Tuy không nói, nhưng hình như, ông đã và đang muốn dùng quỹ thời gian còn lại của mình để tạ lỗi với núi rừng – bù lại quãng mười năm cùng lâm tặc buôn gỗ, phá rừng.
Cả chục héc-ta rừng trồng, hàng vạn cây gỗ khá to, nhiều cây ăn quả cổ thụ, rồi một cuộc sống tôn vinh màu xanh rừng phòng hộ giữa bát ngát mây trời và hàng tỷ mét khối nước của lòng hồ Thủy điện Hòa Bình do ông Tuy gây dựng kia, nó là một thành quả đáng tự hào không chỉ của ông chủ Đảo Dừa…
(Còn nữa)
Đón đọc Kỳ cuối: Hãy dành tình cảm và sự trân trọng cho thiên nhiên và rừng xanh!
Tin cùng chủ đề: Huyền thoại của những người an ủi Mẹ Rừng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.