"Huyền thoại" những người an ủi mẹ Rừng - Kỳ cuối: Hãy dành tình cảm và sự trân trọng cho thiên nhiên và rừng xanh

Hoàng Chiên Thứ hai, ngày 28/12/2020 14:00 PM (GMT+7)
Sau loạt bài dài kỳ "Huyền thoại" của những người an ủi mẹ Rừng" đăng trên Báo NTNN/Dân Việt, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã dành cho Dân Việt một cuộc trao đổi đầy tâm huyết về vấn đề bảo vệ rừng.
Bình luận 0
"Huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng": Cho tổ quốc và địa cầu xanh mãi - Ảnh 1.

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Điển: "Tôi thấu hiểu hoàn cảnh và sự thành công của các Bác, các Anh, các Chị - những người đã phấn đấu "Cho Tổ quốc và Địa cầu xanh mãi/ Dấn thân mình trong mỗi cánh rừng sâu".

Ông thẳng thắn chia sẻ những thành tựu quan trọng cũng như các khó khăn, cùng với một chiến lược nhất quán, bền vững nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế từ rừng, nhằm cải thiện đời sống bà con.

Mấu chốt: Rừng cho thu nhập tốt mà vẫn không bị suy thoái

Mở đầu câu chuyện, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Điển nhấn mạnh: Tôi cảm kích trước việc các tác giả viết bài đã dành tình cảm đặc biệt cho rừng và cho những nhân vật "huyền thoại" gắn bó với rừng. Các bài viết đã thực sự lay động lòng người, truyền cảm hứng và thúc giục hành động.

Những nhân vật huyền thoại được nhắc đến là những tấm gương sáng, những con người đáng được trân trọng. Điểm chung của họ là đều vượt lên khó khăn, có tấm lòng thiện đức, sống bình dị, có quyết tâm và ý chí sắt đá. Họ đều đã thành công. Công sức mà họ bỏ ra là rất lớn, rất đáng được tôn vinh, học tập.

Những nhân vật này đã góp phần cho rừng Việt Nam thêm xanh, làm hồi sinh những vùng đất xương xẩu, khô cằn, cất lên bài ca về mối quan hệ giữa con người, rừng cây và đất nước. Trong bài ca đó có màu xanh của khát vọng, của tình yêu, của tinh thần trách nhiệm, đức hy sinh và tấm lòng vì cộng đồng.

Là người có nhiều năm ăn ngủ ở vùng rừng núi, được lắng nghe hơi thở của rừng, cùng đồng bào dân tộc thiểu số ươm tạo mầm xanh, tôi thấu hiểu hoàn cảnh và sự thành công của các Bác, các Anh, các Chị - những người đã phấn đấu "Cho Tổ quốc và Địa cầu xanh mãi/ Dấn thân mình trong mỗi cánh rừng sâu".

"Huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng": Cho tổ quốc và địa cầu xanh mãi - Ảnh 2.

Trước sức hút của rừng do anh Đoàn Công Oánh (công an xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) và gia đình gìn giữ và trồng mới suốt 30 năm qua, nhiều bạn trẻ đã say mê chinh phục và khám phá, biến nơi đây thành điểm check-in tự phát đầy ý nghĩa. Ảnh: Hoàng Chiên.

Theo Giáo sư, để trồng rừng, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế nhờ rừng, trong thời gian tới, mỗi cá nhân, tổ chức cần có những hành động thiết thực như nào cho hiệu quả nhất?

- Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Điển: Điểm mấu chốt chính là tạo được thu nhập từ rừng trong khi không làm cho rừng bị suy thoái hay hao mòn đi. Vấn đề đặt ra rất rõ ràng và có tầm quan trọng lớn. Tạo thu nhập và cải thiện sinh kế từ rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng là bài toán khó, nhưng có thể giải được. 

Đây không chỉ là mục tiêu, yêu cầu, mà còn là giải pháp thường xuyên, quan trọng đòi hỏi các nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp luôn đi tìm lời giải có hiệu quả và phù hợp nhất. Điều này càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nơi có 30 triệu người sinh sống, trong đó gần 13 triệu người dân tộc thiểu số và có tới 10% dân số là người nghèo có sinh kế phụ thuộc vào rừng.

Tôi cho rằng, hành động thiết thực đầu tiên của mỗi người là suy nghĩ, dành tình cảm và sự trân trọng vốn có của mình cho thiên nhiên và rừng cây (tựa như tình cảm của các nhân vật trong tuyến bài của Dân Việt). Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong. "Hồn Tổ quốc ngự trong rừng sâu thẳm. 

Rừng suy tàn, Tổ quốc lâm nguy" (lời của một thi hào Pháp). Những suy nghĩ đúng đắn, mang đậm chất nhân bản của chúng ta sẽ chỉ đường cho các hành động làm cho rừng thêm xanh và quí.

Hưởng ứng Tết trồng cây, theo lời kêu gọi của Bác Hồ cũng là hành động thiết thực. Trồng cây đúng chỗ, đúng lúc, đúng kỹ thuật, có tính toán hiệu quả và ích lợi. Trồng cây nào, tốt cây ấy. Rừng cây được duy trì không chỉ cho thu nhập mà còn làm giảm chi phí môi trường cho phát triển kinh tế quốc gia. 

Ngày nay, rừng được xem là cơ sở hạ tầng xanh, là trụ đỡ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở nhiều vùng miền, đặc biệt là các vùng núi non, thượng nguồn, vùng ven bờ, vùng dân tộc thiểu số.

Về phía ngành lâm nghiệp, chúng tôi đang tập trung tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững 2021 - 2025; Tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; Xây dựng Nghị định tổng thể, toàn diện về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản; Huy động các nguồn lực quốc tế và mở rộng dịch vụ môi trường rừng; đưa khoa học công nghệ và giống tốt vào sản xuất; .v.v.

Nước ta đang khuyến khích người dân trồng rừng, bảo vệ rừng, sống hài hòa với thiên nhiên. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Vậy, ngành Lâm nghiệp đã triển khai những chính sách gì để hỗ trợ người dân có cuộc sống tốt hơn để bảo vệ rừng?

- Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Điển: Luật Lâm nghiệp (2017) đã quy định rõ về điều này, trong đó có ba điểm nổi bật. Một là, chính sách đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ; hỗ trợ đầu tư cho hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn, phát triển lâm sản ngoài gỗ, phục hồi rừng tự nhiên… (Điều 94). Hai là, chính sách phát triển chế biến lâm sản (điểm a, khoản 1, điều 66); Ba là, chính sách phát triển thị trường lâm sản (điểm a, khoản 1, điều 70).

Những nội dung này đang được Tổng cục Lâm nghiệp tham mưu Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ thể chế hóa bằng một Nghị định về Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, dự kiến hoàn thành trong quí III/2021.

"Huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng": Cho tổ quốc và địa cầu xanh mãi - Ảnh 3.

Phóng viên Dân Việt và niềm vui khi chinh phục các đỉnh núi có tới gần 100ha rừng thông và rừng trồng cây gỗ lớn do anh Đoàn Công Oánh, ở xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (nhân vật trong loạt bài của Dân Việt).

Về chính sách đang được triển khai (kéo dài sau năm 2020), có thể nói đến cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP). 

Theo đó, hỗ trợ cho bảo vệ rừng 400.000 đồng/ha/năm; hỗ trợ trồng bổ sung theo phương thức khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung là 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 0,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm tiếp theo. Mức hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công bằng tiền đối với trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ tùy theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng theo thiết kế - dự toán. Hạn mức vay tối đa là 15 triệu đồng/ha. 

Thời hạn cho vay từ khi trồng rừng sản xuất đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng nhưng không quá 20 năm. Lãi suất ưu đãi là 1,2%/năm. Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy: 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng; tối đa không quá 7 năm.

Theo Quyết định số 38, hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho các doanh nghiệp, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình: 70% chi phí, tối đa không quá 300.000 đồng/ha quy mô tối thiểu 100 ha trở lên. 

Khu vực trồng rừng sản xuất nguyên liệu tập trung, có quy mô diện tích từ 500 ha trở lên, mức hỗ trợ tối đa 20 mét đường/ha được hỗ trợ đầu tư đường lâm nghiệp với mức không quá 450 triệu đồng/km các ngầm qua suối được cứng hóa bằng bê tông...

Các chính sách của Nhà nước đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển (Điều 4 Nghị định 119/2016/NĐ-CP) cũng đã quy định khá đầy đủ.

Gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang 151 nước trên thế giới

Ngành lâm nghiệp đang là một trong những ngành phát triển kinh tế, mỗi năm đạt kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD. Để đạt được những kết quả đó, chúng ta phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, đâu là mấu chốt của vấn đề, để duy trì được kết quả đó, thưa ông?

- GS.TS Phạm Văn Điển: Có 5 yếu tố quan trọng tạo nên thành công của xuất khẩu sản phẩm gỗ. Một là, có sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, sự mở đường của đường lối hội nhập, của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (như Hiệp định EVFTA, VPA-FLEGT). Hai là, khơi dòng thị trường hàng hóa lâm sản (Việt Nam xuất khẩu lâm sản sang 151 quốc gia và vùng lãnh thổ). 

Ngành lâm nghiệp đã xác định rõ nhu cầu gỗ và lâm sản từ quy mô thị trường gỗ thế giới là rất lớn (430 tỷ USD/năm, riêng liên minh châu Âu là trên 80 tỷ USD). Thị trường xuất khẩu tăng sẽ tạo ra lực kéo cho chế biến và xuất khẩu lâm sản.

"Huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng": Cho tổ quốc và địa cầu xanh mãi - Ảnh 4.

Anh Thò Bá Trò, Bí thư chi bộ bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đi tuần rừng ngày 27/1/2021. Nhờ hương ước giữ rừng và phát triển kinh tế cho bà con, 19ha rừng nguyên sinh nơi đây đã được bảo tồn nguyên vẹn.

Ba là, có chiến lược phát triển đúng đắn của ngành (2006 - 2020) và có các chương trình, dự án lớn từ trước về lâm nghiệp (chương trình 661, chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp) tạo ra tiền đề tốt cho việc giải bài toán nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu. 

Bốn là, chuỗi giá trị và liên kết sản xuất tạo ra sức mạnh cho dòng gỗ xuất khẩu, trong đó các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu (hiện nay có khoảng 5600 doanh nghiệp) khá năng động và chúng ta đã giải quyết khá tốt bài toán nguyên liệu, nguyên liệu từ rừng trồng trong nước đã đảm bảo 76,4% nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu gỗ. 

Năm là, uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. 

Các thị trường có đẳng cấp, kỹ tính rất tin tưởng hàng hóa lâm sản của Việt Nam. Biểu hiện là 5 thị trường, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, EU chiếm khoảng 87% tổng giá trị xuất khẩu gỗ từ Việt Nam sang tổng số 151 nước trên thế giới.

"Huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng": Cho tổ quốc và địa cầu xanh mãi - Ảnh 5.

Anh Thò Bá Trò, Bí thư chi bộ bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đi tuần rừng ngày 27/1/2021. Nhờ hương ước giữ rừng và phát triển kinh tế cho bà con, 19ha rừng nguyên sinh nơi đây đã được bảo tồn nguyên vẹn.

Sau khi Luật lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, đến nay trong quá trình thực thi đã phát sinh những vướng mắc gì, ngành đã có những giải pháp nào để đưa Luật Lâm nghiệp đi vào cuộc sống, giúp dân sống được nhờ rừng, làm giàu từ rừng…?

- GS.TS Phạm Văn Điển: Luật Lâm nghiệp (2017) có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 có nhiều điểm mới so với Luật bảo vệ và phát triển rừng (2004), nên việc thực thi Luật Lâm nghiệp có một số khó khăn bước đầu. "Khó khăn" ở đây chủ yếu là do Luật mới đã tạo ra một số "bước ngặt" làm thay đổi "trạng thái" của hoạt động Lâm nghiệp, gây bỡ ngỡ ban đầu cho việc thực thi. Chẳng hạn, Luật quy định về việc xây dựng hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Đây là nội dung mới, cần đầu tư nhiều công sức để xây dựng và khi vận hành cũng cần có hệ thống hạ tầng kỹ thuật cùng đội ngũ chuyên viên có trình độ cao. Một vấn đề khác, như cho thuê môi trường rừng để phát triển lâm sản ngoài gỗ hay chăn thả, mua bán dịch vụ giảm phát thải và hấp thụ CO2 từ rừng cũng đang được nhiều chủ rừng và doanh nghiệp quan tâm, nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn đầy đủ để thực thi.

Căn cứ Luật Lâm nghiệp, các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án cũng sẽ được ngành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nhằm quản lý, thúc đẩy hoặc hỗ trợ có hiệu quả cho sự phát triển của Lâm nghiệp Việt Nam - ngành lâm nghiệp xã hội hóa vì lợi ích lâu bền của chủ rừng, người dân và vì sự thịnh vượng, yên bình của cả đất nước.

"Huyền thoại" của những người an ủi Mẹ Rừng": Cho tổ quốc và địa cầu xanh mãi - Ảnh 6.

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (bên phải ảnh) trong một chuyến công tác tìm hiểu về phát triển kinh tế rừng tại Hà Giang

- Xin cảm ơn Giáo sư!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem