Chúng rủ nhau bắt những con đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn, chúng đuổi theo ánh trăng những đêm rằm vui như hội, chúng chen chúc chụm đầu lại chỉ để ngắm nghía ánh sáng từ một chiếc đèn pin Trung Quốc của bác cán bộ thủy nông,… Cho đến một ngày, chúng biết đến "pháo hoa", được chiêm ngưỡng màn "bắn pháo hoa" của anh Sinh khi ấy đêm hè nào cũng như đêm diễn đầy âm thanh và ánh sáng rực rỡ. Lũ trẻ gọi anh là "Anh cả pháo hoa".
Anh Sinh thuộc thế hệ 8X. Cũng như bao thế hệ trai làng đã và đang trưởng thành từ mảnh đất này, anh cũng gắn bó với ruộng đồng, cũng có tuổi thơ vi vút cùng sáo diều, có những trưa hè đuổi sẻ bắt ve và cả những lần "tập hợp" lũ trẻ trong xóm chơi trò trận giả. Cách nhau cả 7-8 tuổi, lũ con nít chúng tôi thường tôn anh là "đại ca", "thủ lĩnh" bởi luôn được anh đứng ra phân xử trong những cuộc tranh giành đồ chơi chỉ biết khóc nhè, đi học bị ai bắt nạt cũng về mách anh. Nhưng điều khiến chúng tôi nể phục nhất, coi anh như thần tượng chính là bởi anh đã sáng tạo ra pháo hoa, thỏa ước mơ con trẻ của chúng tôi. Để mỗi lần, thứ ánh sáng lấp lánh ấy vút lên trên không trung rồi túa ra muôn ngả lại kéo theo muôn tiếng hò reo, háo hức và những ánh mắt mong chờ.
Những năm 80 của thế kỷ trước, quê tôi còn nghèo lắm, chỉ những gia đình trung lưu trong làng mới có điều kiện dùng điện và điện cũng chỉ được dùng cho nhu cầu thắp sáng khi trời thật sự tối và để dành cho bọn trẻ học bài. Lẽ đương nhiên, đường làng ngõ xóm đều tối đen như mực. Màn đêm nơi xóm núi như tĩnh mịch, u tịch hơn mỗi khi ánh mặt trời vụt tắt, chỉ còn tiếng ếch nhái kêu ộp oạp cùng tiếng chó sủa vẳng lại từ phía xa. Vào những ngày mùa, người dân thường lợi dụng ánh sáng của trăng để tăng gia sản xuất, bởi vậy những đêm trăng rằm tiếng người cười nói hòa cùng tiếng trâu bừa, tiếng nước vỗ mạn gàu cứ râm ran cả cánh đồng. Mệt nhọc, vất vả cứ vậy mà vơi bớt đi.
Còn chúng tôi ư? Những đêm trăng hè thường là điều tuyệt vời nhất. Đầu làng, cuối ngõ đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười đùa. Chẳng hẹn mà đứa nào cũng nhớ, bữa cơm tối thường miếng đứng miếng ngồi rồi kéo nhau chạy cả, để hòa vào chúng bạn chơi trò "rồng rắn lên mây", "trồng nụ trồng hoa", "cáo bắt gà", bắt đom đóm làm đèn,… Ánh sáng luôn có một sức hút diệu kỳ với chúng tôi. Kỷ niệm về ngày tết, những đứa may mắn được ngắm nhìn pháo hoa bung nở qua màn hình ti vi đều không bao giờ quên. Cứ thế chúng tôi ấp ủ những giấc mơ trẻ thơ rằng một ngày nào đó được ra Hà Nội, ra hồ Gươm xem bắn pháo hoa. Giờ nghĩ lại thấy sao mà thơ ngây và hồn nhiên đến lạ!
Anh Sinh là anh họ của tôi, câu chuyện về pháo hoa xuất hiện từ một lần bị tôi khóc nhè ăn vạ do anh sơ ý làm gãy cây bút chì màu mà tôi yêu thích. Bất lực trước cô em gái tiếng khóc to hơn người kèm hành động lăn lộn dưới nền nhà xi măng, anh đành nói vội: "Rồi anh sẽ làm cho pháo hoa, pháo hoa, được chưa?". Nghe thấy pháo hoa, tôi vội ngồi dậy, quẹt đi hàng nước mắt, "anh nói thật chứ, anh mua ở hồ Gươm à?". Anh chỉ cười và xoa cái đầu ngớ ngẩn của tôi hẹn "tối chủ nhật sẽ rõ". Tôi có chút hoài nghi, nhưng niềm háo hức đã choáng lấy cả tâm trí rồi.
Giữ lời hứa với cô em gái nhỏ, anh hì hụi từ sớm để làm pháo hoa. Cả buổi sáng anh ra đồng đào lấy đất sét, gom giấy báo vụn và xin bác hàng xóm thật nhiều mùn cưa khô. Pháo hoa anh chế tạo ra nhìn như cái bóng đèn sợi đốt. Nó gồm có hai phần, phần thân trên được gói tròn mùn cưa trong giấy báo, nhỏ bằng nắm tay đứa trẻ con, được cố định lại bằng chính phần thân dưới nặn từ đất sét. Anh vê phần thân dưới dài một chút để dễ cầm trong lúc đốt. Cứ như thế, hơn chục quả pháo hoa được anh làm xong rồi đem phơi nắng cả buổi đợi khô. Từ chỗ háo hức, nhìn anh làm, cái mặt tôi càng lúc càng dài ra, lắm lúc trực chờ muốn khóc òa bởi tôi thấy pháo hoa trong ti vi đẹp lắm chứ đâu lấm lem đất cát với mùn cưa thế này. Mỗi lúc như vậy anh chỉ cười rồi bảo với tôi bằng giọng nói đinh ninh chắc nịch: "Sẽ có pháo hoa mà, đẹp lắm đó".
Tối ấy, cả bọn con nít trong xóm kéo theo anh đi bắn pháo hoa. Chúng tôi ra tận rặng tre đầu làng. Anh nhóm một đống lửa nhỏ bên cạnh, pháo hoa được anh đốt mồi cho bén lửa, nhưng không để bùng lên dữ dội vì như vậy mùn cưa sẽ nhanh cháy hết mà lụi đi thành tro. Trong lúc mới bén lửa, cả quả pháo còn hồng hồng trên tay, anh quay vài vòng lấy đà rồi ném thật mạnh lên ngọn tre. Nhanh lắm, mắt chúng tôi ngơ ngác chưa kịp định hình, chỉ nghe được tiếng loẹt xoẹt, rào rào của quả pháo đất mùn cưa ném lên không trung. Nhờ lực cản từ rặng tre đan cài dày đặc mà trong bóng tối, than hồng của quả pháo túa ra đỏ rực rồi đổ xuống từ trên cao. Nom cũng nghệ thuật lắm! Lũ chúng tôi ồ lên sung sướng và không ngừng vỗ tay. Mỗi quả pháo được ném lên là một lần sự phấn khích được nhân lên gấp bội. Từ rặng tre già ôm dọc bờ sông hôm nào, tối tối tĩnh lặng trong màn đêm luôn chứa đựng những câu chuyện thần bí trong trí tưởng tượng sợ sệt của lũ trẻ con chúng tôi, thì nay đã trở thành sân khấu lớn của âm thanh và ánh sáng. Tối nào cũng vậy, tiếng hò reo không ngớt cho đến khi màn biểu diễn pháo hoa của anh Sinh dừng lại. Tuổi thơ của lũ nhỏ, trong đó có một phần là tôi đã lớn lên như thế, cùng với những ước mơ, khát vọng về ánh sáng, về những ngày tươi đẹp hơn.
Chúng tôi giờ đã trưởng thành. Mỗi người mỗi ngả trong cuộc sống bộn bề. Những lần hiếm hoi được gặp nhau, được ngồi lại, câu chuyện về pháo hoa đất vẫn còn nguyên trong ký ức. Ngày ấy thật đẹp! Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn ấm áp tình người. Kỷ niệm về pháo hoa, về niềm khao khát phổ biến của thế hệ chúng tôi ngày ấy như động lực, hành trang để mỗi người vươn lên trong cuộc sống. Làng quê tôi giờ đổi thay rất nhiều. Ánh sáng không còn sức hút đối với lũ trẻ con nữa, bởi giờ đây nó trở thành một nhu cầu cơ bản. Song những ước mơ, khát vọng chinh phục "ánh sáng" thì vẫn luôn còn đó, ở mỗi con người, trong mỗi thế hệ hôm nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.