Cho tới hiện tại, khi sống giữa chốn đô thành, đôi khi trong những giấc mơ của tôi, hình ảnh căn nhà sàn ấy vẫn hiện về. Bóng dáng bà tôi lẩn khuất trong đó, với nụ cười mơ hồ, bảng lảng.
Làng tôi tên là làng Nập. Làng chứa khoảng mấy chục nếp nhà, xen lẫn bãi tha ma, nằm ở xã Bình Thành – điểm cuối cùng của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, an toàn khu cách mạng một thời. Chúng tôi, những đứa trẻ người dân tộc Tày, sinh ra đúng nạn đói năm 1988, cơm chẳng đủ ăn, quần áo không đủ mặc, nhưng 2, 3 tuổi đã leo thoăn thoắt trên những bậc thang nhà sàn, vừa nhặt thóc rơi vừa nghe người lớn nói chuyện.
Nhà sàn của bà tôi do chính cha tôi và các chú, bác dựng lên, nằm giữa một khu đất rộng. Ngôi nhà làm bằng tre, nứa, lá, trên sàn có một phần được lát cao hơn cho chủ nhà hay khách khứa ngồi nói chuyện, người dân tộc tôi gọi là "đảng". Cái "đảng" xếp bằng những thanh tre, dù đã lựa chọn đôi khi vẫn có chỗ lồi chỗ lõm, không trơn nhẵn, phẳng phiu như những chiếc nhà sàn lát gỗ hiện đại bây giờ.
Căn nhà sàn của bà chứa bầu trời ký ức tuổi thơ tôi, chứa những kỷ niệm mà khi nghĩ lại vừa có thể mỉm cười, vừa chực rơi nước mắt. Đôi khi trong những giấc mơ của tôi, hình ảnh ngôi nhà ấy vẫn hiện về. Bóng dáng bà tôi lẩn khuất trong đó, với nụ cười mơ hồ, bảng lảng.
Thi thoảng tôi vẫn nhớ những câu chuyện năm xưa bà kể. Rằng ông tôi gia nhập Việt Minh, bà ở một mình trên căn nhà sàn sinh bác thứ hai, tự đun nước sôi, tự tay cắt rốn. Cắt rốn xong, thấy người bác tôi lạnh toát, không có hơi thở, bà liền cho vào chiếc gùi tro, vừa lau nước mắt vừa vác lên rừng. Ai ngờ hơi ấm của tro giúp sinh linh trong chiếc gùi hồi tỉnh, bác tôi khóc oe oe, bà lại mang về cho bú, nuôi rau cháo thành người. Sau này bác tôi cao lớn lắm, ông đi bộ đội, hành quân khắp các chiến trường Nam – Bắc.
Tôi cũng nhớ bóng dáng bà ngồi trước bếp củi một mùa đông rất xa. Tay bà đưa tôi chiếc bánh trứng kiến mới làm, miệng bà lẩm bẩm: "Tính (cái) Yến này học hành giỏi giang, chỉ tiếc là lại là con gái. Mẹ mày mà không đẻ thêm con trai thì sau này mày khổ. Nhà phải có đàn ông, con gái khổ lắm!". Lúc đó, tôi đâu hiểu bà nói gì, tôi giận lắm! Tôi cứ nghĩ tôi ngoan mà bà chẳng thương tôi, toàn lo lắng cho mấy thằng anh nghịch ngợm. Tôi mang cục tức giận ấy suốt một chặng dài tuổi thơ, để rồi khi lớn lên, mới hiểu bà đã thương tôi tới dường nào.
Tôi cũng nhớ những đêm say ồn ào trên căn nhà sàn ấy. Đó là mỗi dịp lễ Tết, giỗ chạp, chú, bác tôi ở xa về, căn nhà của bà không còn yên ả. Người thắp hương khấn vái, kẻ mổ lợn, thịt gà, trẻ con chúng tôi tranh nhau vài ba món quà là lạ. Sau bữa cỗ, mọi người say khướt, nằm la liệt trên sàn. Bác tôi làm công an trên huyện về, vừa ngân nga hát then, vừa kể chuyện bắt cướp. Bố tôi tiện tay múa vài đường quyền, chú và các anh túm tụm chơi bài, nhà bà thành ra cái chợ. Bà bực lắm, vừa dọn đồ vừa mắng, nhưng lâu lâu bà lại nhắc sao mãi chúng nó không về.
Tôi lên 13 tuổi, bố mẹ tôi chuyển nhà khỏi làng quê. Căn nhà sàn của bà cũng cũ nát dần, mọi người bàn nhau dỡ đi, xây lên cho bà ngôi nhà mới. Mấy năm sau, bà tôi bị tai biến rồi qua đời, các bác tôi cũng vì bệnh tật mà lần lượt rời cõi tạm. Những cuộc sum vầy đủ cả gia đình, cứ thế vơi dần đi, rồi vĩnh viễn trôi vào một miền ký ức xa xôi vời vợi.
Tôi đi học xa, chuyển chỗ trọ trên dưới chục lần, rồi lập gia đình, sinh con nhỏ. Tôi ở hết ngôi nhà này đến ngôi nhà khác nhưng chẳng hiểu sao, trong những giấc mơ, tôi vẫn chỉ mơ thấy xóm nhỏ ấy, căn nhà sàn ấy, đặc biệt là những lúc buồn. Đến một ngày, tôi nhận ra rằng, thẳm sâu trong tôi, tồn tại thứ bản năng đặc biệt của một đứa con gái người dân tộc Tày, vừa bướng bỉnh, vừa cố chấp, vừa luôn khao khát sự thiện lương, chân thật. Cũng như cách tôi tha thiết nhớ quê hương. Cũng như việc tôi kiên quyết giữ cho mình cái họ Ma – dù một vài người cùng họ đã thay đổi sang một tên gọi khác bởi họ ngại ngùng, giấu giếm.
Ừ, tôi họ Ma, tôi người Tày, và tôi tự hào khi sinh ra như thế...
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.