Kể chuyện làng: Cây phượng làng tôi

Nhật Hà Thứ bảy, ngày 04/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Cây phượng được trồng từ bao giờ, do ai trồng thì tới bây giờ vẫn chưa ai trả lời được. Nghe mẹ tôi kể: "Từ ngày mẹ về làng làm dâu, cây phượng đã cao lớn và nở hoa rồi".
Bình luận 0

Cây phượng làng tôi được trồng ở đồng Hương (thôn Đề Thám, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cạnh một chiếc cầu giản đơn bắc qua một dòng sông. Tên sông là gì tôi cũng chưa được kể, chỉ biết rằng sông này dùng để dẫn nước từ cống Hậu, sông Trà Lý chứa nhiều phù sa vào ruộng đồng của bà con nông dân xã tôi và các làng xã lân cận.

Qua từng đấy năm, trải qua bao trận bão lớn, nhiều vườn cây ăn quả của người quê tôi đã lần lượt bị quật ngã. Nhưng cây phượng già vẫn đứng đó, kiên cường, nghiêng nghiêng rủ bóng cổ thụ xuống lòng sông quê êm đềm.

Kể chuyện làng: Cây phượng làng tôi - Ảnh 1.

Cây phượng làng tôi. Ảnh: TL

Thời gian trôi, thân cây thêm xù xì, mang một màu nâu đậm. Đường kính của gốc cây có khi một vòng tay ôm không hết. Cành cây rụng hết lá, khẳng khiu khi mùa đông rét buốt. Nhưng khi mùa xuân và những cơn mưa xuân mơn man gõ cửa, những chiếc lá xanh ẩn sâu bên trong những chiếc cành khẳng khiu đó như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, đâm chồi nẩy lộc. Mùa hè là lúc cây bung nở những chùm hoa đỏ rực cả một góc sông quê.

Có những ngày hè nắng gắt, nước ruộng đồng nóng như nước đun sôi. Đến cua (quê tôi gọi cua là rốc) còn phải nhanh chóng tìm kiếm những bụi cỏ cạnh bờ ruộng để bám vào, hoặc bò lên ngọn lúa mong thoát nóng. Thậm chí, cá rô, cá cờ, cua non chết nổi đầy trên mặt ruộng. Người dân làng tôi lao động vất vả trên đồng, mồ hôi rơi thánh thót trên trán, chảy xuống mắt cay sè. Mồ hôi khiến lưng áo họ ướt sũng. Họ tìm đến gốc phượng để nghỉ ngơi, lấy lại sức, tránh bị say nắng.

Dưới bóng cây phượng, cùng gió mát của đồng, của ruộng, họ cảm thấy như được hồi sức. Nhiều lúc họ còn mua chung kem ăn giải khát, loại kem có giá 500 đồng/3 que. Kem thường chứa trong một thùng gỗ và đi tới đâu người bán kem cũng bóp chiếc kèn tự chế kêu toe toe kèm tiếng rao: "Ai kem mút đi, ai kem mút đi".

Những mùa hè của lũ trẻ con nông thôn chúng tôi cũng gắn liền với cây phượng. Nghỉ hè là nghỉ hoàn toàn chứ không có học kì 3 như học sinh bây giờ. Hè đến, chúng tôi chăn trâu, mò ốc, mò hến, bắt cua ở sông để gia tăng chất lượng bữa ăn.  Khi bị cái nắng nóng bủa vây, chúng tôi cũng nhanh chóng chạy lại gốc phượng ngồi. Có nhiều hôm đi bắt cua buổi trưa, thậm chí tôi còn ngủ gật ở gốc phượng vì mát quá. Kể lại, tôi vẫn thấy thật buồn cười. Và đó là những kỷ niệm thật đẹp mà tôi chẳng thể nào quên.

Chiều đến, tụi con trai rủ nhau ra gốc phượng nhảy từ trên cầu xuống sông, cười rúc ra rúc rích một cách khoái chí khi nước sông bắn tung toé. Lạ thật, ngày ấy đứa nào cũng biết bơi, dù chẳng được ai dạy cho bài bản. Có nhiều hôm, bọn con trai còn trổ tài trèo lên cây hái hoa phượng cho bọn con gái chúng tôi mang về ép bướm phượng xinh xinh vào vở để làm lưu bút.  

Buồn cười nhất là lúc thằng Hiển Miên, Lực Đạt trèo cây. Khi hai thằng vừa vươn tay ra bẻ hoa thì ở dưới Vụ Thế hét to câu hát: "Có chú chim non nho nhỏ, cất tiếng líu lo như muốn ngỏ". Vụ Thế hát xong cũng là lúc cả lũ chúng tôi đứng dưới ngước lên cười ngặt nghẽo, cười rũ rượi vì nhìn thấy gì đó lấp ló trong quần đùi ống rộng của tụi con trai đang trên cây.

Kể chuyện làng: Cây phượng làng tôi - Ảnh 2.

Cây phượng làng tôi: Ảnh: TL

Khi chúng tôi học cấp 1, cấp 2, hoa phượng chẳng mấy khi được ở lâu trên cành. Bởi hoa cứ ra tới đâu là chúng tôi lại trèo lên vặt xuống lấy nhuỵ hoa ăn vì nhuỵ phượng có vị chua chua ngọt ngọt, hoặc hái phượng ép sổ, hay đơn giản là thấy hoa đẹp thì hái xuống chơi. Bởi thời điểm ấy, ngoài hoa râm bụt vẫn nhìn thấy hằng ngày ở hàng rào mỗi nhà thì lũ trẻ chúng tôi chẳng còn hoa gì để chơi.

Bẵng đi một thời gian dài, khi những đứa trẻ hồn nhiên tinh nghịch ngày nào đều trở thành những cô cậu học sinh cấp 3 rồi lên đại học. Sau khi ra trường ai cũng bận bịu với cuộc sống riêng nên cây phượng làng lùi dần vào kỷ niệm và không ai nhắc tới nữa.

Năm ngoái, trong một lần về thăm bố ốm, khi ô tô chở tôi băng qua con đường chằng chịt ổ voi dẫn về làng, tôi lảo đảo như sắp say vì quãng đường về nhà sao gian nan thế. Bất chợt, tôi đưa mắt qua cửa kính ô tô nhìn xa xăm. Mắt tôi dừng lại ở một vùng trời đỏ thẫm. Ôi, đây có phải là mơ không, đây có phải là cây phượng của tuổi thơ tôi không? Cây phượng ngày ấy của chúng tôi chưa được nhiều hoa và màu chưa được đỏ rực như bây giờ. Tôi vẫn chưa thể tin vào mắt mình. Ô tô đi càng tới gần, thì tôi chắc chắn rằng, đây chính là cây phượng đã gắn với bao kỷ niệm thơ ấu của tôi rồi.

Khoảnh khắc ấy, tôi bỗng lặng đi và cảm thấy thời gian như ngừng lại, những làn gió thôi đuổi bắt trên những sóng lúa vàng óng đang dồn dập đuổi nhau phía xa xa, những tia nắng mùa hè cũng thôi nhảy múa trên dòng sông quê lặng lẽ.

Bỗng tôi thấy nhớ lũ bạn nghịch ngợm vui đùa dưới gốc phượng, nhớ những buổi trưa trốn bố mẹ đi bắt cua, bắt ốc, mò hến với Nhài Khanh, Luyến Tiến. Tôi nhớ những người nông dân chân chất, thật thà trú nắng dưới gốc phượng, vừa trò chuyện râm ran kể chuyện thời vụ, hạt giống, rồi lại rủ nhau mua kem ăn giải khát. Những que kem rẻ tiền nhưng chan chứa tình làng nghĩa xóm.

Sau nhiều năm xa quê, đây là lần đầu tiên tôi lại chú ý đến cây phượng làng tôi và hồi tưởng lại những kỷ niệm tuổi thơ. Mà những lúc trên đường đời vội vã, tôi đã vô tình lãng quên.  

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem