Kể chuyện làng: Chòng chềnh bến đò Eo

Lê Thị Hải Yến Thứ bảy, ngày 18/06/2022 06:30 AM (GMT+7)
Đã rất nhiều lần tôi lang thang bên bến đò Eo. Tôi không có ý định sang sông, nhưng cảm giác muốn ngồi lên đò, nghe ông lái đò ngâm một điệu hò xứ Huế.
Bình luận 0

Điệu hò sông nước buồn mênh mang. Những con sóng lăn tăn dưới mạn đò, tôi lắng nghe tiếng mái chèo đẩy nước, lòng dịu dàng hơn hẳn. Dòng Ô Lâu xanh thẳm xuôi về phá Tam Giang.

Bến đò Eo trên sông Ô Lâu nối giữa thôn Câu Hạ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng  tỉnh Quảng Trị và xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bến đò có từ lâu lắm rồi, chẳng ai còn nhớ mốc thời gian cụ thể, người dân nơi đây chỉ quen với hình ảnh cặp vợ chồng già cần mẫn chở khách qua sông.

Kể chuyện làng: Chòng chềnh bến đò Eo - Ảnh 1.

Bà Võ Thị Lợi trên bến đò Eo. Ảnh: Lê Thị Hải Yến

Có những buổi chiều tan trường sớm, tôi xuống bến, đứng bên ni nhìn sang bên nớ. Người lái đò nhận ra khách quen, vui vẻ đưa tôi qua sông rồi lại đưa về bến. Tiền công có khi là vài chục ngàn, có khi là gói bánh…vợ chồng ông lái đò thường gọi tôi là vị khách "cô cô". Tôi chăm chú nghe kể về sự tích bến sông: "Ngày xưa, có một anh học trò nghèo xứ Nghệ vào Kinh đô ứng thí. Khi qua bến sông Ô Lâu thì phải lúc ốm đau, trong tay không còn một đồng lộ phí. Thương cảm cảnh ngộ của chàng trai, cô gái chèo đò trên sông chăm sóc bữa cơm dưa cà đến những đồng lộ phí để tiếp tục vào Kinh. Ngày lên đường, chàng trai thề non hẹn biển, hẹn ngày công thành danh toại sẽ trở lại nơi đây. Thời gian thắm thoắt trôi qua, cô gái đợi chờ chàng trai trong vô vọng. Rồi một ngày, gió to sóng cả, cô đã xuôi tay về chốn cửu tuyền. Khi công danh đã thành, chàng trai trở lại, hay tin cô gái đã bỏ mặc  dòng sông mà đi. Đau buồn vô hạn, chàng khắc lên mồ cô gái những vần thơ:          

        Trăm năm đành lỗi hẹn hò

        Cây đa bến cũ con đò khác đưa

        Con đò đã thác năm xưa

        Cây đa, bến cũ còn lưa bóng người"

Tôi đã từng đọc đâu đó về tích xưa trên bến sông này, nhưng xúc động hơn là được bồng bềnh trên sông nước, nghe người lái đò vừa quyệt mồ hôi vừa kể. Bối cảnh đó khiến một huyền tích lại ngỡ như chuyện đời thường, với cái kết thật xót xa, ám ảnh. Có lẽ vì thế mà tôi thêm yêu con sông này.

Bến đò Eo chở khách từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, trừ những ngày mưa lũ tràn về. Gia đình ông bà lái đò cách bến chừng 700 mét, căn nhà cũ kĩ nằm trong làng. Để đảm bảo cho khách sang sông không bị trễ chuyến, ông bà đã che lán dưới gốc cây sung mà  đợi. Bữa cơm trưa đạm bạc trong căn chòi nhỏ trên tấm phản tre thật bình yên. Đã có lúc, tôi gọi đò đúng vào bữa trưa, ông bà cứ tíu tít mời dùng cơm. Một cảm giác mộc mạc, thân thương mà tôi ngỡ rất khó tìm được giữa cuộc sống xô bồ này.

Khi được hỏi về tiền công đưa đò, cụ bà vui vẻ kể: "Thôn trả cho ông mệ mỗi ngày gần 50 ngàn, tất cả được quy ra lúa". Bến đò không có khách lạ, chỉ chở  học sinh đi học hoặc người bên ni qua bên nớ, họ đi thăm đồng, thăm mộ… vì thế tiền công trả khoán theo năm.

Kể chuyện làng: Chòng chềnh bến đò Eo - Ảnh 2.

Ông Phan Huấn đi đóng gạch. Ảnh: Lê Thị Hải Yến

Ông bà chia sẻ: "Chúng tôi nhận đò gần 15 năm rồi, biết là thu nhập không bao nhiêu, nhưng khó dứt ra. Nhiều lúc định bỏ bến đi làm việc khác mà không nỡ. Lên bờ rồi còn nhớ tiếng gọi đò"

Dòng sông  Ô Lâu xanh thẳm, uốn những vòng cung thật đẹp, bồng bềnh trôi giữa làng mạc xanh mướt sắn ngô. Sông mềm như tấm lụa của người mẹ xứ Huế chuẩn bị may áo dài cho cô con gái đón ngày khai trường. Con đò nhỏ nằm chỏng chơ bên bến. Trưa tháng 5, trời nóng như rang, khách qua sông cũng vắng. Ngồi trong lán, dưới tán cây xum xuê, gió lộng từ sông, mát như quạt hầu, tôi buồn ngủ đến mơ màng nhưng cố gượng lại. Vì không lẽ, đàn bà con gái lại nằm ngủ tênh hênh bên bến sông. Tôi hỏi bà cụ: "Hôm nay ông không ra bến hả mệ". Cụ bà đáp: "Ông đi làm thuê cho họ để kiếm thêm đồng mua mắm muối cô à".

Mưu sinh trên con đò nhỏ càng ngày trở nên khó khăn. Giữa cơn bão giá như hiện nay, số tiền công gần 50 ngàn cho một ngày là quá ít ỏi. Vì thế, mặc dù tuổi cao, sức vóc chẳng còn là bao, ông cụ vẫn tranh thủ đi đổ bờ lô cho họ.Tiền công kiếm được gấp 4 đến 5 lần cho một ngày lái đò. Biết là vậy mà ông bà vẫn không bỏ bến một ngày. Hai cụ thay phiên nhau, miệt mài chở khách, như chở nghĩa tình làng xóm cập bến bờ bình yên.

Xã hội ngày càng phát triển, phương tiện giao thông  thuận tiện. Biết đâu sau này bến đò Eo sẽ được thay thế bằng cây cầu hiện đại. Tuy nhiên, ở những làng quê yên tĩnh, có khi một chuyến đò sang sông mà nên tình nên nghĩa, mà nhớ lắm không dứt.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

 


 

       

  

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem