Kể chuyện làng: Chú bộ đội ấy giờ ở đâu

Vũ Hoàng Nam (Bắc Giang) Thứ tư, ngày 13/05/2020 08:00 AM (GMT+7)
Làng tôi, làng Lan, xã Lan Giới, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tôi tự hào tên làng gắn với câu phương ngôn xứ bắc: "Tiền tổng Mọc, thóc tổng Lan". Tổng Lan xưa gồm các xã Lan Giới, Đại Hóa, Phúc Sơn (Huyện Tân Yên ) và xã Tiến Thắng (huyện Yên Thế).
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Chú bộ đội ấy giờ ở đâu - Ảnh 1.

Chùa làng Lan khánh thành trên nền chùa Cũ cụ Hoàng Hoa Thám xây cho làng

Tôi  tự hào vì làng tôi có di tích đình, chùa của làng do cụ Hoàng Hoa Thám xây dựng cho dân  được tham gia sinh hoạt tín ngưỡng. Trong cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, làng tôi có cụ Vũ Văn Thân và Vũ Đình Ngư là em vợ của nghĩa quân Cả Rinh và là trợ thủ đắc lực của cụ trong cuộc khởi nghĩa.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng tôi đã đóng góp cho tổ quốc hàng trăm liệt sĩ. Có những người  hy sinh khi tôi chưa ra đời, có người ngã xuống chiến trường khi tôi còn nhỏ, có liệt sĩ là bạn bè tôi. Các bác, chú, anh đã để lại trong lòng tôi hình ảnh đẹp về anh bộ đội cụ Hồ. 

Đó là những năm 1964-1965, của thế kỷ trước, khi ấy tôi mới năm, sáu tuổi. Làng tôi rất đông các chú bộ đội đến đóng quân. Nhà tôi ở 3 gian 2 chái, tôi còn nhớ một chái thì để cối xay, cối giã gạo, thúng mủng dần sàng ..., một chái làm bếp. Ba gian nhà còn lại thì trong đó có một gian buồng vừa để đồ đạc vừa để cả nhà tôi gồm bố mẹ, tôi và một em gái sinh năm 1962 ở, gian giữa kê bộ tràng kỷ, chiếc bàn gỗ mộc tiếp khách, còn một gian thì dành cho các chú bộ đội ở. Đợt ấy, làng tôi có một đơn vị bộ đội trinh sát đến ở.

Kể chuyện làng: Chú bộ đội ấy giờ ở đâu - Ảnh 2.

Đường đi vào làng Lan

Các chú ban ngày thì tới đồi sau làng gọi là đồi Chùa Cũ để tập (vì có ngôi chùa do cụ Hoàng Hoa Thám xây lúc đó đã đổ chỉ còn nền và tường), còn ban đêm lại mượn rơm của gia đình trong làng trải ra để tập võ thuật. Tối tối, tôi lại nhìn qua khe cửa sổ ra vườn, dưới ánh trăng thấy các chú đấm đá nhau huỳnh huỵnh. Tôi sợ nép vào bố hỏi:

       - Bố ơi sao các chú lại đánh nhau?

       - À, các chú tập võ để nay mai vào miền Nam đánh Mỹ đấy con.

Tôi để ý nhiều lần để hóa trang, các chú đã lấy bùn trát kín người, đeo lá ngụy trang nằm trong vườn, ngay cạnh đường đi, tụi chúng tôi chơi trận giả ngồi núp ngay sát các chú mà không nhận ra. Các chú tài lắm! Để thử thách, một lần đội sản xuất nông nghiệp làng tôi đố các chú trong đêm lấy được một vật trong kho của đội. Đêm ấy, đội cắt cử người canh vòng trong vòng ngoài lại còn xích một con chó rất to ở cửa, tất nhiên là kho được khóa bằng 2 khóa, thế mà không biết bằng cách nào, sáng hôm sau khi mở cửa thì kho thiếu một cái cân.

Những gia đình trong làng dù được thông báo trước nhưng qua đêm, sáng hôm sau vẫn được nhận lại đồ đạc dù có cất giữ cẩn thận thế nào. Nhà tôi có một chú bộ đội (tôi không nhớ tên) nhiều tuổi nhất trong tiểu đội, chú rất quý tôi vì chú bảo cũng có một cậu con trai sàn sàn tuổi tôi. Những ngày được nghỉ, chú thường mượn xe đạp của gia đình tôi (bố tôi dạy học nên có chiếc xe đạp thống nhất nữ), chú đèo tôi ra thị trấn Nhã Nam cách 3-4 cây số đãi tôi món phở mậu dịch. Thỉnh thoảng những lúc rỗi rãi, chú lại công kênh tôi đi chơi quanh mấy nhà hàng xóm.

Ngày ấy, tụi trẻ chúng tôi rất thích được xem phim, phim được chiếu màn ảnh rộng. Hôm nào, có chiếu phim thì cả làng háo hức, nhất là tụi trẻ con chúng tôi, có hôm không kịp ăn cơm chạy nhanh đến bãi chiếu bóng vì sợ muộn mất chỗ không xem được. Chiếu bóng quân đội thì càng thích vì có 2 máy chiếu không mất thời gian đợi lắp phim vào máy như của dân sự chỉ có một máy chiếu và quan trọng hơn là không mất… 5 xu mua vé.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi mà một câu chuyện vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ tôi. Đó là một tối mùa hè, làng Non Sáu, xã An Thượng cách làng tôi chừng 3km đón đội chiếu phim quân đội đến phục vụ (vì làng cũng có một đơn vị bộ đội đóng quân). Tôi chăn trâu về muộn, không đợi kịp ăn cơm tối vội vàng cùng bọn bạn vừa đi vừa chạy tới bãi chiếu phim. Phim hay thật, hình như là bộ phim "Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt". Chiếu sắp hết thì trời nổi giông gió, mây đen kéo đến rồi mưa nặng hạt. Chúng tôi ù té chạy. Vì nhỏ nhất nên tôi chạy tụt lại sau cùng. Trời tối đen, sấm, sét, chớp rạch ngang trời và nguy hiểm hơn là tôi mới đến nơi đây lần đầu lại là buổi tối và đã bị lạc.

Kể chuyện làng: Chú bộ đội ấy giờ ở đâu - Ảnh 3.

Làng Lan khánh thành nhà văn hóa, đón nhận danh hiệu làng văn hóa mới

Tôi nép mình vào một thân cây to. Đói. Rét. Qua những tia chớp, tôi nhìn thấy cách mình không xa là vài đống mả. Sợ quá, tôi khóc rống lên nhưng đáp lại chỉ có màn đêm và mưa, gió quất vào người. Tôi nhỏ quá không biết kêu gọi người đến cứu chỉ biết khóc.  Dẫu đứng dưới gốc cây được tán lá che nhưng tôi đã ướt hết. Đến lúc tưởng chừng tuyệt vọng thì bỗng có ánh đèn pin lóe lên và tiếng hỏi: "Ai đấy?". Sợ quá tôi líu lưỡi lại không nói được một lời. Đèn pin chiếu đến, tôi ngồi thụp xuống khóc. Thì ra đó là một chú bộ đội. Chú đến hỏi tôi vài câu về gia đình, nơi ở, thế rồi chú cõng tôi vừa đi vừa chạy chỉ một lát là đến nhà.

Chân vừa chạm thềm nhà mình, tôi vội chạy vào buồng thay bộ quần áo vào lao xuống bếp lục cơm nguội. Chén no, tôi lên nhà không thấy chú, hỏi bố mẹ chú đâu và kể hết câu chuyện cho bố mẹ nghe. Nghe xong, Bố mẹ tôi sửng sốt cứ tưởng chú là cán bộ trong đơn vị đến kiểm tra các chú bộ đội đóng quân trong nhà của mình nên không để ý. Chú cũng chỉ ngồi nói vài câu chuyện chừng 5-7 phút rồi xin phép về. Bố mẹ mắng tôi không nói từ trước để còn hỏi tên để cảm ơn chú. Hôm sau, bố mẹ tôi định lên đơn vị chú đóng quân để hỏi tìm và cảm ơn chú nhưng tên chưa biết thì biết tìm sao được. Mấy chú bộ đội đóng quân ở nhà tôi bảo với bố mẹ tôi: "Đây là câu chuyện bình thường thôi, anh chị không phải áy náy, bộ đội chúng em ai gặp trường hợp này chả làm như thế".

Vâng, với các chú là một câu chuyện bình thường bởi các chú là người lính, người lính làm việc tốt là một lẽ thường. Với tôi, câu chuyện đã hơn 50 năm rồi mà vẫn còn bỏ ngỏ một câu hỏi, một câu hỏi chắc không bao giờ có câu trả lời: "Chú bộ đội ấy là ai và bây giờ ở đâu?".

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem