Kể chuyện làng: Ở làng nhưng vẫn nhớ làng

Thiên Phúc Thứ bảy, ngày 09/05/2020 08:00 AM (GMT+7)
Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo ở rạch Cầu Ván, nay là phường An Thới, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ. Trải qua bao biến cố thăng trầm, chiến tranh và loạn lạc, tôi phải tản cư lánh nạn một thời gian, sau đó rời xa nhà đi dạy học ở một trường cách xa nhà trên 50 cây số.
Bình luận 0
         Kể chuyện làng: Ở làng nhưng vẫn nhớ làng - Ảnh 1.

Đường làng quê tôi trong thời kỳ đổi mới, nay là phường An Thới, quận Bình Thủy.

Từ lúc rời bỏ rạch Cầu Ván, thỉnh thoảng tôi mới trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn. Ở quê nhà, vườn tược, đất đai, ruộng rẫy đều do ba mẹ tôi chăm sóc. Mãi cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975) tôi mới được chuyển về dạy gần nhà. Nhờ vậy tôi mới có dịp gần gũi với mảnh vườn xưa, nơi cả một thời thơ ấu của tôi đã gắn bó máu thịt với dòng sông, bến nước, gốc cây, bụi chuối sau hè.

Sau nhiều năm xa vắng, lúc trở về cảnh vật đều thay đổi. Điều làm tôi xúc động nhất là mấy nọc trầu, cái chái bếp và cái lu nước mưa của mẹ tôi vẫn y nguyên chỗ cũ. Đặc biệt trước sân nhà, nơi bàn thông thiên còn đó gốc mai vàng do chính tay tôi trồng cách nay bảy tám năm vẫn tươi tốt và đang nở một chùm hoa rực rỡ khiến tôi sung sướng đến nghẹn ngào.

         Kể chuyện làng: Ở làng nhưng vẫn nhớ làng - Ảnh 2.

Chợ Cầu Ván quê tôi, nay là chợ An Thới.

Nhà tôi ở cuối làng, nơi có con rạch chảy qua gọi là rạch Cầu Ván, cả xóm  ước độ 70 ngôi nhà, hầu hết là nhà lá, nền đất, đa số người dân sống bằng nghề ruộng rẫy, một ít làm thuê cấy mướn, thậm chí có những gia đình quá nghèo, "không một cục đất chọi chim" phải đi ở đợ cho chủ điền sống lây lất qua ngày. Cũng như những ngôi làng khác ở Nam Bộ, làng tôi có một ông thầy thuốc Bắc giỏi chữ Tàu, một ông thầy thuốc rắn gia truyền và một bà mụ vườn nổi tiếng. Nhờ vậy mà dân làng mỗi khi có bệnh hoạn, sinh đẻ đều có thầy thuốc chăm lo. Người dân trong làng rất yêu quý và thành kính với ngôi đình thiêng liêng ở đầu làng và ngôi chùa Phật cổ kính, nơi mẹ tôi thường đến cầu nguyện cho tôi mỗi lần tôi chuẩn bị thi trung học và tú tài.

Ba tôi nhờ có 5 công đất vườn trồng cây ăn trái nên cuộc sống cũng tạm qua ngày. Lúc tôi lên 7 tuổi, mẹ tôi dẫn đến một ngôi trường làng học vỡ lòng cho đến khi biết đọc biết viết mới chuyển sang trường công. Thời ấy, đường từ nhà tới trường tôi phải đi bộ qua một cánh đồng lúa chừng 1.000 mét mới tới lộ đá, đi bộ thêm nửa giờ mới tới trường Nam tỉnh lỵ Cần Thơ.

         Kể chuyện làng: Ở làng nhưng vẫn nhớ làng - Ảnh 3.

Đường làng quê tôi thời trước năm 1975.

Trước năm 1975, cả xóm Cầu Ván chỉ có vài đứa cùng lứa tuổi với tôi được đến trường, còn lại đều thất học hoặc chỉ biết đọc biết viết. Đa số thanh niên trong làng lớn lên đều bị bắt quân dịch, hầu như tháng nào trong xóm cũng có một hai người tử trận khiến cho không khí làng quê trở nên ảm đạm u buồn.

Sau ngày hòa bình, từ năm 1985 trở đi, rạch Cầu Ván, nay là phường An Thới, một phần là phường Long Hòa đã khoác lên mình một chiếc áo mới. Hồi tôi còn nhỏ, đầu trên xóm dưới đều là lộ đất, cầu cây, cầu khỉ gập ghềnh, nhà cửa lưa thưa, bây giờ chỗ nào cũng cầu bê tông, nhà tường, nhà ngói, đua nhau mọc chen chúc. Những khu vườn tạp, ao mương sình lầy năm nào nay đã biến thành những vườn cây đặc sản, bờ liếp thẳng băng. Bộ mặt làng quê đã hoàn toàn thay đổi, tất cả bừng lên một sức sống mới, giống như một phép mầu.

Không những xóm làng đổi thay mà ngay mảnh đất nhà tôi cũng hoàn toàn thay đổi. Những cây mận, cây ổi mà tôi thường trèo lên bẻ trái hồi nhỏ nay đã biến mất, thay vào đó là những gốc xoài, gốc sầu riêng do ba tôi trồng mới. Con sông trước nhà hồi nào mặt nước trong veo, lũ trẻ thường ra đó tắm, bơi bằng chuối cây, có đứa bắt chuồn chuồn cho cắn rún để mau biết lội. Tất cả những ký ức đó lần lượt xuất hiện trong đầu tôi như một khúc phim quay chậm. Vậy mà nay con sông đó nước đã đổi màu, rác rến trôi lều bều.

Lúc ngang qua một ngôi chợ làng, cửa ngõ vào nhà tôi, xưa kia là chợ chồm hỗm, nay vô cùng  náo nhiệt, chỗ nào cũng hàng quán sung túc. Đó đây đã mọc lên nhiều cửa tiệm tạp hóa, nhiều quán nước, quán ăn, kèm theo tiếng nhạc Karaoke xập xình, làm mất đi vẻ yên ắng của một vùng quê thuở nào.

         Kể chuyện làng: Ở làng nhưng vẫn nhớ làng - Ảnh 4.

Quê tôi nay trồng toàn cây trái đặc sản.

Nhớ lại hồi nhỏ, vào ngày nghỉ học tôi thường ra vườn tát mương bắt cá hoặc rủ nhau năm ba đứa bơi xuồng dọc theo mấy con rạch bẻ bần và hái bông so đũa về cho mẹ nấu canh chua. Mới đó mà nay đã thành giấc chiêm bao. Quê tôi là xứ cá tôm, người dân chỉ cần xách cái chài hoặc ra đồng cắm câu một buổi là cá đầy giỏ. Bây giờ rất hiếm vì cá ngoài đồng, cá trong ao mương bị ảnh hưởng của thuốc trừ sâu, thuốc diệt ốc bươu vàng nên dần dần hiếm hoi.

Xóm Cầu Ván quê tôi tuy người cũ, người lớn tuổi đi làm ăn tứ tán, một số tha phương nay thành đạt trở về, cưới vợ gả chồng, sinh con, đẻ cháu càng lúc càng đông. Đáng mừng là tuy nhiều thế hệ nhưng mỗi người vẫn chung sống chan hòa, nhất là những bậc cao niên cùng nhau gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, bảo tồn những phong tục, tập quán cổ truyền, gặp nhau tay bắt mặt mừng.

Quê hương là nơi lưu giữ ký ức, giúp tôi tìm lại những cảm xúc ngọt ngào thời niên thiếu


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem