Kể chuyện làng: Thương cây dừa nước bến quê

Hồ Thị Linh Xuân Thứ bảy, ngày 16/04/2022 08:32 AM (GMT+7)
Bà nội tôi chầm lá đẹp lắm! Đến tận bây giờ trong ký ức tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh mái nhà lá chầm mát rượi của thuở thiếu thời.
Bình luận 0

Nhà tôi nằm cạnh bến sông (ấp 14, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng). Con kênh thuỷ lợi hiền hòa từng tắm mát tuổi thơ mấy chị em tôi và tụi con nít xóm quê trong những buổi trưa hè oi ả. Hai bên dòng kênh, dừa nước mọc thành từng rặng, xanh rì.

img
img

Rặng dừa nước dưới bến sông quê tôi. Ảnh: Bùi Thị Linh Xuân

Không biết màu xanh kia có tự hồi nào. Từ khi tôi lớn lên đã thấy bạt ngàn những tàu lá nước dọc theo triền sông nghiêng mình soi bóng. Tía kể từ hồi Nam tiến theo chân dòng người khai hoang bờ cõi, tổ tiên tôi (vốn là người Minh Hương) đã biết tận dụng cây dừa nước và tràm đồng có sẵn để dựng nên nhà.

Tràm hạ xuống đem ngâm nước làm cột kèo đòn tay, chắc vô cùng. Tàu dừa nước xé đôi phơi khô ráo để dừng vách, nóc nhà lợp bằng lá chầm đốp. Nếu như công việc đốn lá và xé lá vốn là chuyện nặng nhọc chỉ cậy sức đàn ông trai tráng thì chầm lá sắp nóc lại cần đôi bàn tay tỉ mỉ và khéo léo của người phụ nữ trong gia đình.

Kể chuyện làng: Thương cây dừa nước bến quê - Ảnh 2.

Một ngôi nhà lá phổ biến ở quê tôi ngày trước. Ảnh: Bùi Thị Linh Xuân

Để rồi mỗi lần vô tình bắt gặp lại tấm lá chầm trong một quán ăn miệt vườn hoặc một ngôi nhà được phục dựng theo lối làng quê trong những khu du lịch chỉ dành để tham quan là lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến nhớ dáng bà lom khom xỏ từng đường kim mũi lạt.

Lạt chầm lá được xước ra từ thân tàu dừa nước. Dây cột vách cũng là sản phẩm của những bập dừa. Ngày nhỏ, mỗi khi sắp đến ngày mùa cần dây bó lúa hoặc tới đợt sửa nhà là tôi lại thấy tấm lưng mồ hôi nhễ nhại của tía khi kẹp bập dừa vào giữa hai gối rồi dùng dao mác tách từng hanh. Sau khi lớp vỏ xù xì được tách đi cho má tôi chẻ dây phơi, lớp bập trắng sẽ là quà của lũ con nít đang háo hức chờ sẵn. Tụi con gái sẽ kết bè cạn và chơi trò kéo bè vòng quanh sân trước. Đám con trai thường sẽ rọc đẽo bập dừa thành hình những con dao cái kiếm rồi hô hào đánh trận tưng bừng. Kiếm làm bằng bập dừa nước chém không đau, chỉ có niềm vui trẻ thơ cơ hồ bất tận.

Kể chuyện làng: Thương cây dừa nước bến quê - Ảnh 3.

Phơi lá để lợp nhà. Ảnh: Bùi Thị Linh Xuân

Những bập dừa trắng cũng là chiếc phao theo đám con nít chúng tôi đi tập lội. Xứ sông sâu sóng cả kênh rạch chằng chịt như miền Tây quê tôi, lũ trẻ con vẫn còn giữ được mình một phần là nhờ những bập dừa. Không nhớ bao nhiêu lần tôi bám mình trên những bập dừa để học bơi. Những trưa mùa hè đỏ rát chẳng gì sung sướng cho bằng được trầm mình xuống dòng sông mát trong, nằm trên chiếc phao là người bạn trung thành mang tên bập dừa nước.

Sau trận bão năm 1997 đến trận lụt năm 2000, phần lớn nhà cửa của xóm nghèo quê tôi tiêu điều xơ xác. Nhưng kỳ lạ là sức mạnh của bão vẫn không quật nổi đám dừa nước, mà nhờ vậy những tàu lá xanh lại tiếp tục che nắng che mưa cho những người nông dân lam lũ vừa có được cái ăn đã bị thiên tai tàn phá, phải chắt chiu làm lại từ đầu. Nội bảo, dừa nước sống theo rặng, ít khi nào chịu mọc lẻ loi. Trái già rụng xuống bùn ven sông mương kênh rạch nên cây. Cây con gặp nước rất dễ nổi phao, nhưng một khi đã bén rễ vào đất nào thì giữ từng tấc đất lẫn hạt phù sa nơi đó.

Kể chuyện làng: Thương cây dừa nước bến quê - Ảnh 4.

Buồng dừa nước. Ảnh: Bùi Thị Linh Xuân

Con kênh tẻ chảy qua quê tôi là một nhánh rẽ cuối nguồn sông Hậu. Dù được ưu ái một lượng phù sa hàng năm vẫn chừng không đủ cứu rỗi vùng đất bị nhiễm phèn nặng, nơi giáp ranh xứ nước mặn Bạc Liêu, phần lớn là đất xấu, đồng gò. Ấy nên từ khi khai phá rồi nhận mặt quê hương, chấp nhận sống nơi heo hút xa thị trấn và chợ búa ngoài kia, người dân quê tôi đã biết tận dụng những gì tự nhiên có sẵn.

Tía tôi ngày ấy vẫn đăng đặt lọp cá tôm theo rặng dừa nước. Tôi vẫn thèm quá con cá lóc nước đục trắng phau má đem kho tộ với tóp mỡ ăn với nước cơm chắt mà mùi vị khó quên theo mãi tận bây giờ. Mà nhớ nhất có lẽ là những món bánh quê mà má đã khéo tay làm cho các con ăn trong những tháng ngày thơ ấu.

Kể chuyện làng: Thương cây dừa nước bến quê - Ảnh 5.

Một gian bếp quê dựng bằng lá dừa nước. Ảnh: Bùi Thị Linh Xuân

Từ những lá non tách từ cây cờ bắp, má làm nên những món bánh thật ngon. Bánh lá dừa gói nếp với chuối hoặc thịt mỡ đậu xanh. Hoặc nữa là bánh bột nhào với nước lá rau mơ nắn mỏng trên lá đem hấp ăn cùng với nước cốt dừa thơm phức. Ở cái thời quà vặt thiếu thốn, cơm trái dừa nước cũng là món quà tuyệt hảo mà nồi chè của má là tất cả chắt chiu vun vén, dẻo ngon thơm ngọt tình dừa.

Đâu chỉ là phương tiện góp phần làm nên những món ăn dân dã mà đặc sắc chan chứa ân tình của đất Cửu Long, cây dừa nước quê tôi còn được sử dụng để làm đồ thủ công mỹ nghệ, dù chỉ mộc mạc đơn sơ nhưng đậm đà bản sắc miệt sông nước.

Kể chuyện làng: Thương cây dừa nước bến quê - Ảnh 6.

Cào cào được tết bằng lá dừa nước. Ảnh: Bùi Thị Linh Xuân

Tôi thích nhất là những cổng rạp cưới được kết bằng lá non cờ bắp. Hồi nhỏ, mỗi lần ở quê có đám cưới là trai gái trong xóm cùng xúm lại kẻ dựng rạp, người kết cổng hoa bằng lá dừa nước đẹp vô cùng. Ai khéo tay còn tết cả phượng múa rồng bay khiến chiếc cổng rạp nhà quê bỗng chốc trở thành một kiệt tác nghệ thuật. Mấy đứa con nít chúng tôi thì đến mê những con cào cào châu chấu được tết bằng số lá dừa dư lại. Nhiều đứa còn tết con rết, làm chong chóng, nhẫn hoặc đồng hồ đeo tay. Chơi chán thì cất vào một góc đến khi lá khô quắt đi như là những vật quý của riêng mình.

Cứ âm thầm như vậy, dù vật đổi sao dời hay con nước có khi đầy khi cạn thì cả một đời dừa vẫn gắn bó và tận hiến cho làng xóm, quê hương tôi. Từ cội rễ bám sâu giữ cho đất khỏi xói mòn, từ những tàu lá vươn mình che nắng che mưa cho biết bao thế hệ người miền tây, từ những sợi lạt, cái phao, những thú vui trang trí giản dị cho đến những món ăn đậm tình xứ sở. Cây dừa nước sống lặng lẽ neo đời vô danh dọc đôi bờ sông ngòi, kênh tẻ lại có mặt trọn vẹn trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của những con người hồn hậu nhà quê. Để rồi tất cả những hình ảnh quen thuộc, thân thương ấy đã đi vào tâm thức mỗi người con đất phương Nam luôn hướng về cội nguồn của văn hóa sống.

Kể chuyện làng: Thương cây dừa nước bến quê - Ảnh 7.

Cổng rạp cưới được tết bằng lá dừa nước. Ảnh: Bùi Thị Linh Xuân

Tôi lớn lên, xa xóm quê nghèo ra thành thị để theo bề công danh chữ nghĩa, nhưng trong lòng vẫn hoài nhớ một bến sông. Nó như trở thành ký ức của cả cuộc đời tôi, trở thành nỗi nhớ niềm thương, là nguồn dinh dưỡng mát lành vun đắp lòng biết ơn khiến cho tâm hồn tôi trở nên lạc quan, bình lặng.

Cuộc sống tiến lên, người nhà quê cũng bước vào dòng chảy hội nhập. Những ngôi nhà lá mát mẻ nhưng không trụ được bền với thiên nhiên khắc nghiệt dần được thay thế bằng nhà tường bê tông, mái tôn hoặc mái ngói kiên cố. Nhưng nếu khéo để ý, vẫn thấy hình ảnh cây dừa nước chưa bao giờ mất đi. Đâu đó ở xóm nhỏ quê tôi vẫn còn những trại xuồng, những chuồng chăn nuôi, nhà để củi được lợp bằng lá nước có sẵn dưới bến quê; cũng như tía má tôi vẫn giữ lại cái chái bếp sau hè dừng bằng lá dừa như là sự thủy chung đối với thứ tài nguyên mà thiên nhiên đã ban tặng cho bà con xứ bưng biền bao đời khó nhọc.

Kể chuyện làng: Thương cây dừa nước bến quê - Ảnh 8.

Dừa nước được trồng trong chậu ở phố thị để tạo cảnh quan. Ảnh: Bùi Thị Linh Xuân

Và tôi hiểu rằng giá trị của những góc nhỏ ấy đâu phải dùng để che mưa che nắng. Mà đó là tình cảm, là lòng biết ơn đối với người bạn thuở hàn vi đã luôn đồng hành cùng người nông dân từ thuở sơ khai quá đỗi nhọc nhằn.

Không ít lần giữa phố thị tôi bắt gặp hình ảnh cây dừa nước được trồng trong chậu để tạo cảnh quan. Nó gợi cho tôi nhớ về cái xóm nhỏ thân thương và cũng để cho tôi nhận ra có rất nhiều người đi ra từ làng quê vẫn luôn cất giữ một góc quê hương trong trái tim mình.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem