Kể chuyện làng: Chuyện về trống đồng Ngọc Lũ ngoại kể
Tuệ Trần
Thứ bảy, ngày 23/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam. Ở quê tôi, tất cả các thế hệ già, trẻ, lớn, bé đều tự hào khi quê hương mình cũng lưu trữ trống đồng Ngọc Lũ – một bảo vật không chỉ của quê hương tôi nói riêng mà còn là biểu tượng của nền văn hóa Lạc Việt nói chung.
Từ tấm bé, tôi đã được nghe những câu chuyện kể của ông ngoại về chiếc trống quê mình. Theo lời ông tôi kể lại, vào năm 1893 các ông Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Túc và một số người khác đắp đê trấn thủy ở xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là Lý Nhân, Hà Nam) thấy dưới độ sâu 2 mét của bãi bồi có một chiếc trống đồng, các ông ngay trong đêm ấy khiêng về đình làng Ngọc Lũ để khi có đình đám cúng tế thì đem ra đánh.
Khoảng 7, 8 năm sau có một họa sĩ người Pháp đến vẽ ký họa cây đa đình làng. Ông nhìn thấy trống đồng đẹp, liền báo cho công sứ biết. Nhân có cuộc đấu xảo ở Hà Nội vào ngày 15 tháng 11 năm 1902, công sứ Hà Nam đã cho Lý dịch làng Ngọc Lũ (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam ngày nay) mang trống và nắp thạp lên góp vào đấu xảo. Sau đó, nhà bác cổ Viễn đông, Hà Nội đã mua lại với giá 550 đồng tiền Đông Dương.
Khi nghe câu chuyện của ngoại, một đứa trẻ tinh nghịch và hiếu động như tôi vô cùng thích thú và mong muốn đánh "gõ thử" chiếc trống đặc biệt ấy. Như biết được suy nghĩ của tôi, ngoại nghiêm giọng nhắc nhở: "Trống đồng là báu vật linh thiêng, chỉ dùng trong những dịp thờ tự hay ngày lễ quan trọng của làng. Cháu không được vì hiếu động mà phải tội".
Trước lời cảnh báo của ông ngoại, tôi vô cùng rụt rè. Tuy nhiên, sự rụt rè ấy đã mất đi trong một lần tôi được mẹ cho lên đỉnh xem hội vào dịp đầu xuân. Trong ký ức thơ bé của mình, tôi không thể nào quên hành động "liều lĩnh" đánh vào mặt trống và nghe những âm thanh: bùm bụp, bùm bụp từ mặt trống phát ra. May thay, hành động của đứa trẻ hiếu động khi đó đã được mẹ nhanh chóng ngăn lại. Có lẽ, vì chiều con, mẹ cũng không nói lại với ông để tránh cho tôi một trận đòn đau.
Sau này khi đã lớn, qua những bài học về lịch sử, tôi mới biết chiếc trống mà tôi từng gõ khi xưa chính là một trong số ít những chiếc trống đẹp được phát hiện được trên thế giới. Trống đồng Ngọc Lũ quê tôi cao 63cm, đường kính mặt trống 79,3cm, đường kính chân 81 cm. Trọng lượng 86 kg. Sau này, mỗi lần đình làng mở hội, tôi thường hướng mắt mình vào chiếc trống đặc biệt của tuổi thơ. Theo quan sát của tôi, trống có hình dáng cân đối, mặt trống hơi tràn ra ngoài tang trống. Thân trống có 3 phần: Phần trên phình ra gọi là tang, nối liền với mặt trống; phần giữa thân trống hình trụ tròn thẳng đứng và phần chân hơi loe thành hình nón cụt.
Trống có bốn chiếc quai chia làm hai cặp gắn vào tang và phần giữa trống, được trang trí hình bện thừng. Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 14 cánh. Xen giữa các cánh sao là những họa tiết hình tam giác. Từ trong ra ngoài có tất cả 16 vành hoa văn đồng tâm bao bọc lấy nhau.
Các vành 1, 5, 11 và 16 là những hàng chấm nhỏ. Các vành 2, 4, 7, 9, 13 và 14 là những vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Vành 3 là những chữ gãy khúc nối tiếp. Vành 12 và 16 là hoa văn răng cưa. Vành 6, 8 và 10 là vành có hình người, động vật được xếp xung quanh ngôi sao và ngược chiều kim đồng hồ.
Ngoài những hoa văn trên, ở rìa mặt trống có một số vết lõm, đó là dấu vết của những con kê còn để lại khi đúc trống. Phần trên cùng của tang trống là đoạn tiếp giáp với mặt trống có 6 vành hoa văn hình học, các vành 1 và 6 là những đường chấm nhỏ thẳng hàng, vành 2 và 5 là hoa văn răng cưa, đỉnh quay về hai phía có những chấm nhỏ xen kẽ, vành 3 và 4 là hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa nối với nhau bằng những tiếp tuyến song song.
Ngày 1/2/2013, một ngày đặc biệt với mọi người con quê tôi. Hôm đó, đình làng Ngọc Lũ vinh dự đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận trống đồng Ngọc Lũ là bảo vật quốc gia. Được biết tới là nơi lưu giữ phiên bản trống đồng Ngọc Lũ, quần thể di tích đình chùa Ngọc Lũ quy tôi cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Từ đó, trong tâm thức của mỗi người con quê tôi, âm vang của tiếng trống đồng trong những ngày đình mở hội chính là tiếng gọi để những người con xa quê nhanh chóng trở về.
Khi đã trưởng thành, tôi có dịp được nghe những chia sẻ của cụ trưởng từ đình Ngọc Lũ. Theo cụ cho biết: "Đình làng Ngọc Lũ là nơi có truyền thống lưu giữ bảo vật quốc gia từ nhiều năm qua. Hàng năm hội làng Ngọc Lũ được tổ chức vào ngày mùng 5, 6 Tết Âm lịch. Với phần lễ tổ chức theo nghi thức cổ tại đình làng và phần hội là các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc. Theo quan niệm dân gian, linh khí hội làng được gửi vào những tiếng trống đầu Xuân mở đầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng. Xuất phát từ ý nghĩa đó, cứ mỗi khi làng mở hội đều thu hút hàng ngàn du khách thập phương hành hương về dự hội".
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cuộc sống của đứa trẻ tinh nghịch ngày nào đã có nhiều thay đổi. Thế nhưng những hoài niệm tuổi thơ về một thời sinh trưởng và gắn bó cùng những câu chuyện của ngoại sẽ luôn là hành trang theo bước người con sinh ra trên mảnh đất quê hương của chiếc trống đồng Ngọc Lũ năm nào.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.