Chỉ cần sang bên kia sông, qua mấy làng Lương, Rồng, Vải... là sẽ đến làng của mẹ. Ngày trước, tôi chỉ biết đến cái tên dân dã làng Mậu. Nhưng dần dà đã biết đầy đủ tên hành chính của làng là thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Với tôi, ngôi làng ấy gắn bó máu thịt suốt thời ấu thơ. Những vườn cây, ao cá, ruộng đồng đều in dấu chân bé nhỏ và tôi cũng yêu thương nơi đó như yêu mảnh đất mình được sinh ra.
Thuộc Hà Nội nhưng Sóc Sơn là huyện ngoại thành. Đất rộng và thuần nông. Làng Mậu có lẽ là điển hình. Làng khá rộng với nhiều xóm như: Trong, Ngoài, Giữa... mà xóm nào xóm đấy rất rộng. Nhà nào nhà đấy sở hữu đến mấy sào đất. Nhà ông ngoại tôi cũng thế. Bên trên là ngôi nhà ngói rộng rãi với hai gian buồng bên cạnh, những bậc thềm trải dài tăm tắp. Sân giếng rộng, rợp bóng mát của cây bưởi, cây khế; giếng sâu, trong vắt phải dùng ròng rọc kéo gầu.
Trước sân là mấy cây cau cao vổng. Vuông góc với nhà trên, nối tiếp bếp là dãy nhà ngang rộng rãi, thoáng đãng. Nơi trước kia có cả cối xay thóc và đủ thứ đồ nghề nhà nông. Phía trước, một cái sân rộng mênh mông như sân kho hợp tác xã làng tôi. Sân ấy, mỗi vụ mùa có khi phơi cả tấn thóc. Là mẹ tôi bảo thế. Ấy thế mà cả cái cơ ngơi ấy chỉ chiếm một phần nhỏ của toàn bộ diện tích đất. Vì bên dưới còn mấy khu vườn mướt mắt nối nhau đến tận cánh đồng.
Ông ngoại phân ra vườn trên, vườn dưới. Ngăn giữa hai khu vườn là một cái ao to thả cá. Hằng ngày, muốn ăn, chỉ việc kéo lưới một chặp là đã có những chú cá trắm hay trôi mấy cân giãy đành đạch sa vào. Hay chiều chiều, mợ tôi cắp cái rổ ra rìa ao, nhấc những cái vó tôm đã đặt sẵn ở xung quanh. Hết một vòng là đã có bữa tôm tươi rói.
Có những buổi, tôi lang thang ngoài vườn, đi mỏi hết chân mà không khắp lượt. Ngó ra bên ngoài hàng rào, thấy ruộng lúa xanh rì đang kỳ vào đòng, xây hạt. Nhòm sang góc bên kia, chỗ gốc sung già lại thấy một cái ao trong xanh, nối tiếp. Mợ bảo, đó là ao nhà cụ Cử. Ao ấy nối với vườn nhà cụ. Còn nhà cụ mãi phía trên, tận ngõ bên kia.
Đấy, nhà nào trong làng cũng ao, vườn thênh thang, rậm rạp như thế. Tôi đi từ xóm Trong ra xóm Ngoài, từ xóm Giữa đến xóm Mới, cách đoạn lại gặp ao, những cái ao trong xanh tỏa ra hơi nước mát rượi. Ao xóm Trong thường thả cá, ao xóm Ngoài thường thả sen. Còn vườn mọi nhà thì đủ các loại rau và cây ăn quả. Thích nhất là mùa hè.
Vườn ông tôi nào sấu, nhãn, bưởi, khế, ổi rồi mít... Mùa hè, các loại quả nối tiếp nhau mà chín. Lũ trẻ con chúng tôi hết trèo cây vặt sấu cho mợ lại đi lùng sục những chùm nhãn đầu mùa thơm ngọt nhất, những trái ổi vàng ươm treo tít trên cao mà bầy chim tinh khôn đã lùng ăn tự khi nào. Có những buổi tối, từ nhà ông ra nhà dì ở xóm Ngoài, chúng tôi cứ vừa đi vừa vặt nhãn ở mấy vườn ven đường mà ăn no căng cả bụng.
Đến nơi vẫn còn thả mấy chùm quả mọng để vào chiếc nón lá. Dì quở, vườn nhà thiếu gì mà đi vặt trộm. Nhưng chúng tôi biết, với những cái cây xum xuê quả như thế thì các bà, các cô cũng chỉ cười xòa khi thấy lũ trẻ giơ tay bứt trái ngang tường. Chỉ phiền lũ chó thấy động sủa vang. Tiếng sủa râm ran dọc cả con đường làng. Vì hình như nhà nào trong làng cũng nuôi chó. Chó vừa là kẻ giữ nhà, vừa là bạn.
Vườn rộng, rau, hoa quả nhiều nên người làng thường mang lên chợ huyện bán bớt. Nhiều nhất là sấu và mít. Mợ bảo, bán nhanh lắm vì thứ gì cũng vừa ngon, vừa tươi. Tiền bán rau, hoa quả cũng giúp tăng thêm thu nhập cho người trong làng vì ngoài làm ruộng làng chẳng có nghề phụ nào. Đất đồng làng rộng, mỗi nhà có tới mấy mẫu nhưng đất trũng hay ngập nước nên cấy cày vất vả mà chẳng được bao nhiêu.
Và có một điều lạ lùng ở làng mà tôi không lý giải nổi, là việc cày bừa đều do phụ nữ đảm nhiệm. Bác dâu tôi, mợ tôi luôn là người dắt trâu đi cày như bao người phụ nữ ở đây. Cày bừa xong lại gánh phân, nhổ mạ, cấy hái. Không một lời than thở, bì tị. Vì thế những người phụ nữ trong làng luôn toát lên sự dẻo dai, đảm đang và tháo vát. Mẹ tôi lấy chồng xa nên không biết cày chứ nếu lấy chồng ở làng thì có lẽ cũng cày chẳng kém ai.
Ngày xưa, kinh tế chưa phát triển nhưng người trong làng vẫn phóng khoáng, nhiệt thành.
Tôi nhớ những ngày Tết rộn ràng, những đám cỗ tưng bừng, những hội chùa nhộn nhịp suốt tháng Giêng.
Khắc sâu trong ký ức tôi là cảnh những ngày đầu năm mới, dọc đường làng từng tốp, từng tốp người ngồi ngay bên đường đánh bài đông như hội. Đánh vui thôi mà suốt từ sáng sớm đến tối muộn mặc mưa bụi, gió se lạnh. Gặp người quen lại cất tiếng chúc mừng tíu tít.
Làng Mậu còn có nhiều món ăn độc đáo nhưng ấn tượng nhất là món kẹo chè lam. Thứ kẹo không dẻo, dai mà cưng cứng, thơm bùi rất đặc biệt. Tết đến, nhà nào cũng tự làm để đãi khách. Mẹ tôi cũng mang theo nếp cũ này về quê chồng. Năm nào bận không làm được, họ hàng, cô bác cứ nhắc mãi.
Ngày trước, tôi rất hay về quê ngoại, về làng Mậu nhưng rồi cứ thưa dần. Lần gần đây nhất là đận ông ngoại mất. Thấy làng thay đổi nhiều quá, những cái ao biến mất dần, những con đường mở rộng, khang trang hơn. Người dân giờ không chỉ bám vào ruộng đồng mà đã đi làm ở các khu công nghiệp, sân bay Nội Bài. Nhà cao tầng, biệt thự lố nhố thay những ngôi nhà ngói. Ngỡ ngàng, mừng vui mà vẫn thấy chút bâng khuâng. An ủi một điều, những vườn cây tuy đã thu hẹp nhưng bóng mát vẫn bao trùm ngôi làng. Tôi đi từ xóm Trong ra xóm Ngoài, vẫn thấp thoáng những vòm xanh. Tiếng chim lấp ló sau những chùm quả chín vẫn ríu ran mời gọi.
Và tôi vẫn yêu nơi này - làng của mẹ, quê ngoại của tôi...
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.