Kể chuyện làng: Cúng Chạp mả ở quê tôi

Tiên Sa Thứ tư, ngày 21/12/2022 07:32 AM (GMT+7)
Hằng năm, từ đầu tháng Chạp, các Chi, Phái tộc ở vùng quê tôi (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) tiến hành giẫy mả, chạp mả. Đó là dịp con cháu ở xa tìm về làng, tìm về quê hương, nguồn cội... Và mỗi tộc họ đều chọn cho mình một ngày "Chạp" cố định và giữ mãi cho đến ngày nay.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Cúng Chạp mả ở quê tôi - Ảnh 1.

Hầu hết mộ phần đã được xây cất khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Tiên Sa

Trước khi chính thức cúng chạp mả độ vài ngày, những người cao tuổi ở các Chi, họ trong làng đều hướng dẫn con cháu đi giẫy mả. Trước khi giẫy, người già đưa mọi người đến ngôi mộ có vai vế cao nhất trong khu vực đó thắp hương và khấn vái với thần hoàng bổn xứ và người đã khuất. Theo tập tục tổ tiên ông bà, hằng năm con cháu giẫy mả để mộ phần ông bà, người thân được đẹp đẽ hơn, sau đó khấn mời chư vị về nhà thờ Tộc để sum họp và hưởng phẩm vật trong ngày cúng chạp mả...

Tuykhông bắt buộc nhưng mỗi gia đình, bà con…, dẫu có bận đến mấy cũng sắp xếp cử người đi giẫy mả cùng anh em trong họ tộc. Người thì mang theo cuốc bàn giẫy cỏ, người thì đắp lại những phần mộ bị sụt, khuyết đất, lở đất, người thì dùng liềm phát quang chung quanh mả mồ. Ngày nay, các mộ phần của người quá cố hầu hết đã xây cất hay bê tông hóa nên việc giẫy mả cũng dễ dàng, nhanh chóng bằng những khâu lau, chùi, quét dọn, trang trí lại mộ phần những người đã khuất.

Kể chuyện làng: Cúng Chạp mả ở quê tôi - Ảnh 2.

Các cụ thắp hương cho mộ các Liệt sĩ nhân ngày chạp mả. Ảnh: Tiên Sa

Qua buổi giẫy mả, các người già nói con cháu biết vai vế, công trạng, đức tính, sở thích... từng người nằm dưới mồ. Ngày xưa, cúng quãy, giỗ chạp thường có đất ruộng hương hỏa và thừa tự. Phần nhiều trai trưởng, Tộc trưởng đứng ra lo. Ngày nay, cuộc sống văn hóa, tiến bộ, đa  phần nhà thờ, nhà tộc được bê tông hóa, vững chắc, đẹp; kinh phí tổ chức đám chạp là do hiếu hỉ tự nguyện đóng góp của các thành viên trong Tộc họ.

Song song với giẫy mả, ông Tộc trưởng cử người đi mua bò, heo trước đó ít ngày. Gặp năm trời nắng tốt, con cháu đông đủ thì làm bò; gặp năm mưa gió thì làm heo, gà... Khoảng 3 giờ sáng, họ đã thức dậy nhóm lửa bắc nước làm bò, heo. Mờ sáng, các chị, các mẹ mang theo gióng, mủng xuống chợ quê mua hương đèn, hoa trái, các loại rau trái như sắn mồi, đậu cô ve, khoai tây, cà rốt, mì khô, khoai môn... gánh về nhà xúm nhau nấu nướng. Đây là dịp bà con ngồi lại với nhau để trao đổi, chuyện trò về mùa màng, mưa nắng, lụt lội, đau ốm, sinh tử; công tác khuyến học trong tộc họ thời gian qua.

Kể chuyện làng: Cúng Chạp mả ở quê tôi - Ảnh 3.

Cúng chạp mả ở tộc Nguyễn Viết (thôn Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Ảnh: Tiên Sa

Đúng 11 giờ, sau khi kiểm tra "phẩm vật" trên các bàn cúng, ông Tộc trưởng cho tiến hành cúng, các bàn thờ được thắp hương đèn sáng loá, trầm hương nghi ngút. Tuy nhiên, bàn cúng đặt trước sân là cúng thần hoàng được cúng trước. Sau đó là nghi lễ cúng ông bà tổ tiên trong nhà. Con cháu vòng tay đứng hai bên, có người chiết tửu (rót rượu), có người quỳ gối đọc lá sớ viết trên giấy vàng.

Ông Tộc trưởng lạy, khấn trước, sau đó tùy theo vai vế mà lần lượt lạy ông bà tổ tiên. Trong không khí thiêng liêng, ấm áp với hương trầm nghi ngút, hình như tổ tiên, ông bà đã về sum họp cùng cháu con. Lúc bấy giờ, "bà con cô bác", các cháu  thiếu nhi cũng vào dâng hương tưởng niệm tổ tiên, ông bà cầu mong phù hộ để được bình an, mạnh khỏe, học hành tiến bộ. Khi hương đã sắp tàn, kết thúc bằng màn vái, lạy của ông tộc trưởng, nước trà được rót vào chén để ông bà dùng và nhận phần diêm mễ, vàng mã, áo giấy được mang ra sân đốt.

Kể chuyện làng: Cúng Chạp mả ở quê tôi - Ảnh 4.

Con, cháu trong tộc dâng hương để tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên. Ảnh: Tiên Sa

Ở quê tôi, sau khi cúng xong, trước khi vào tiệc, ông Tộc trưởng cho người mang trên bàn thờ xuống một bàn lễ gồm có: 1 chai rượu gạo, một đĩa trầu cau và các đĩa đựng đầu heo, nọng, 2 miếng thịt tợ (thịt luộc) và mời đại diện các chi nhánh, nội ngoại nhận lễ. Theo đó, đầu heo kính họ nội, cái nọng kính họ ngoại, hai miếng thịt tợ kính các chi nhánh.

Theo tập tục xưa bày nay bắt chước, kính đầu heo, nọng là tỏ lòng biết ơn họ nội, ngoại, các chi đã giúp sức rất lớn để tổ chức chạp mả được thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, hầu hết, người được nhận xin cảm ơn ông tộc trưởng và chỉ nhận hình thức, các phẩm vật được kính nói trên, đều được xin để lại nhằm dọn cho con cháu ăn. Ở địa phương chúng tôi, con cháu ngoại được ưu tiên ăn một lần với những người cao tuổi, nhưng ngồi khác bàn.

 Thời thơ ấu, tôi được bà ngoại dẫn đi ăn giỗ chạp trong làng, bởi vì mỗi năm mới giỗ chạp một lần, đúng vào dịp thu hoạch "khoai môn" nên món canh môn, luôn xuất hiện trên bàn cúng vào dịp cuối năm, khi Tết đến xuân về. Những món ăn nấu từ củ khoai môn là tôi thích nhất vì nó ngon, mềm với hương vị rất riêng. Đó là món canh khoai môn nấu với xương heo hay cá tràu (lóc) có rắc rau ngò ta lên trên rất thơm mà giờ đây, cứ mỗi lần nhắc đến món canh này tôi lại nghe râm ran trong vòm miệng.

Kể chuyện làng: Cúng Chạp mả ở quê tôi - Ảnh 5.

Sau khi cúng xong, ông Tộc trưởng mang đầu heo, thịt nọng ra biếu và cảm ơn các chi, phái tộc đã tham gia tích cực trong giẫy mã, chạp mả vừa qua. Ảnh: Tiên Sa

Để nói lên "cấp độ" ngon của các món nấu từ khoai môn, quê tôi vẫn còn câu ca: "Khoai môn nấu với cá tràu/ Húp chưa khỏi cổ, gật đầu khen ngon" hay là: "Trong đời trăm vật trăm ngon/ Cơm no tức bụng, thấy "môn" cũng thèm". Ngoài ra, các cụ ngày xưa còn sáng tác những câu ca dí dỏm rất vui để "ngâm" trong lúc nhậu ngày Tết như sau: "…như trả canh môn/ Bôn chôn cũng vì…". Lý giải câu ca này, các cụ ngày xưa cho rằng, bất cứ món ăn gì trên đời mà "lạ" thì ăn rất là ngon.

Ngày xưa làm gì có canh khoai môn nấu xương heo ăn quanh năm. Chỉ có gần Tết người ta mới thu hoạch khoai môn đem bán cũng như mổ heo để  ăn Tết mới có thịt heo, xương heo mới ăn cho đã cái miệng. Ở chợ quê cũng có bán nhưng  người nghèo dễ gì có tiền mua xương heo hay cá để nấu canh khoai môn? Ngoài ra, giáp Tết vào mùa xuân, mùa của các loại rau sống tươi non như xà lách, tần ô, cải con… cùng với các loại rau thơm, rau gia vị ăn cùng với canh khoai môn thì càng tăng cấp độ ngon của bát canh khoai môn.

Kể chuyện làng: Cúng Chạp mả ở quê tôi - Ảnh 6.

Mâm cơm cúng chạp mả luôn có bát canh môn. Ảnh: Tiên Sa

Ở quê có câu "Chín đời vẫn chưa phải người dưng ". Dịp chạp mả là cơ hội để con cháu trong tộc biết nhau về quan hệ dòng tộc, tổ tiên, nguồn cội... Ông Tộc trưởng thường nói : "Anh em trong họ phải biết mặt nhau! Ra đường không lẽ "đánh nhau bể đầu mới biết bà con" hay sao"? Đây cũng là dịp nhiều trai, gái ở quê đi làm xa. Quen biết, yêu đương nếu không hỏi kỹ thì dễ nhầm bà con.  Nhớ đến tổ tiên, cội nguồn là hiếu nghĩa của con người. Cây hương, bát nước cũng thể hiện đời sống tâm linh giữa nhiều thể hệ cùng huyết thống. Mùa Chạp mả sẽ ý nghĩa "Khi con người gần nhau để cảm thông và sẻ chia"

Nhân dịp này, ông Tộc trưởng điểm qua những thông tin mới trong tộc họ như: khuyến học, từ thiện… Và kêu gọi mọi người hãy đoàn kết, gắn bó để xây dựng tộc họ ngày càng lớn mạnh; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt phong trào gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, tộc họ không có người phạm tội, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự để làng quê được bình yên, ấm no, hạnh phúc…

Kể chuyện làng: Cúng Chạp mả ở quê tôi - Ảnh 7.

Bát canh môn nấu xương heo với hương vị đặc trưng. Ảnh: Tiên Sa

Ngoài ra, nhiều làng ở huyện Hòa Vang hằng năm còn có một buổi đi giẫy mả "Âm linh", nghĩa là giẫy những nấm mồ vô chủ. Khoảng nửa buổi, làng cũng có cúng Đình, tế Âm linh với chiêng trống đánh "bru...bru... bằm...bằm...". Gần trưa, các cánh trai tráng, nông dân đi giẫy mả Âm linh về trước sân đình để rửa tay chân, sau đó vào đình ăn đám cúng Âm linh, chủ yếu là rượu gạo, xôi, thịt heo, bánh tráng nướng...

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

                                                                                                  



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem