Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mỗi sáng khi mặt trời còn chưa mọc, ngoại đã ra vườn hái quả và những ngọn rau còn ướt đẫm sương đêm, tất tả đem ra chợ bán. Tôi thích lắm, thường xuyên theo ngoại đi chợ dẫu đường rất xa. Nhìn hai đầu gánh thúng nặng trĩu, tôi vừa hỏi ngoại có nặng không vừa bám vào áo ngoại. Con đường đất thênh thang, mùa khô đã đỡ, mùa mưa vừa bấm bùn vừa mong sao cho khỏi trượt.
Đi hết con đường phải qua sông. Chiếc cầu khỉ mỏng manh cứ lắc lư như muốn gãy. Tôi đi một mình ngả nghiêng suýt té, nhưng ngoại vẫn thoăn thoắt đi qua bình thản nhẹ nhàng. Qua cầu còn phải đi tiếp một đoạn đường đá đỏ thật xa mới tới được chợ. Chợ ở quê, cái gì cũng có. Gà, vịt, thịt lợn, cá sông, cá rô, cá lóc, các loại rau, hoa quả, trầu cau… Người qua lại dập dìu.
Tôi ngồi nhìn mãi vào cái sàng tre chất đầy bánh xanh đỏ bắt mắt. Ngoại bảo, để bán hết đồ trong thúng, ngoại cho. Có hôm đắt khách, tôi được ngoại mua cho cái bánh tiêu lớn bằng bàn tay xòe, trên rắc đầy mè thơm phức. Có khi lại là cái bánh cam tròn trĩnh ngọt lừ. Nhưng cũng có hôm, ngoại không bán được gì. Những người mặc áo lụa trắng tinh thật đẹp nhưng trả giá rẻ như cho. Hai bà cháu liêu xiêu đi về, quang gánh trên vai ngoại như nặng gấp ba lần ban sáng. Ngoại bảo hôm nay không có tiền mua bánh. Hôm sau nữa ngoại bù. Tôi nhìn nắng trưa bên sông vướng đầy rơm rạ, buồn man mác.
Lớn lên một chút, tôi chạy theo ngoại đi chợ bằng chiếc xe đạp mini Trung Quốc tróc sơn, cọc cà cọc cạch. Ngoại vẫn quang gánh chân đất vội vã đường xa. Tôi đạp xe thật chậm kế bên. Buổi trưa vãn chợ, tôi lại cọc cạch chở ngoại về. Mỗi lần ghé vô gian hàng nào đó, đợi ngoại mua đồ xong tôi đều lí nhí xin ngoại một nghìn đồng.
Chỉ một nghìn đồng thôi, gói đường phèn bé tí được bọc bằng mảnh giấy báo nhỏ. Về hai bà cháu ngồi võng nhâm nhi cái vị ngọt thanh nhè nhẹ, ăn một tí là hết. Có khi một nghìn mua được năm quả vải, do người bán vải thương tôi với ngoại nên cho thêm, chứ một nghìn chỉ mua được ba quả thôi. Tôi mừng lắm, cố ý ăn thật chậm. Tôi ăn hai quả rồi, chia ngoại hai quả, quả cuối cùng tôi muốn nhường cho ngoại. Nhưng ngoại biết, nói cỡ nào ngoại cũng không ăn.
Những phiên chợ quê trong tôi là những tiếng rao bẽn lẽn ngượng ngùng tuổi nhỏ. Hồi đó thấy tôi còn bé đã biết theo ngoại đi chợ, nhiều người thương ghé mua giúp ngoại lá rau, nải chuối. Tôi dạn dĩ dần, bắt đầu bắt chước những tiếng rao. "Ai chuối không? Ai bưởi không? Không ngọt bà chẳng lấy tiền". Tiếng rao mời của tôi lọt thỏm nơi góc chợ quê xôn xao đông đúc.
Ai đi ngang cũng đều nghe. Có người mua, có người chỉ cười xòa. Ngoại tôi cũng cười. Không biết nhờ tiếng rao hay người ta thương hai bà cháu, ngoại tôi bán sạch nhẵn hai thúng trái cây. Tôi không ăn bánh nữa. Ngoại vuốt phẳng phiu tờ một nghìn đồng, nhét vào cái túi quần cỏn con của tôi.
Những tờ một nghìn của ngoại, tôi để dành. Mỗi cuối chiều đi học về, tôi lại mua một gói đường phèn. Một nghìn đồng năm ấy, có thể mua được một cái bánh bông lan, một bịch mía ghim hay mười viên kẹo ngọt. Tôi thích lắm nhưng tôi vẫn chỉ mua đường phèn, ngoại cũng thích ăn. Vai ngoại gánh cả đời sần sượng, chai lì. Tôi thương ngoại. Nhúm đường phèn gói trong giấy báo cũ, ngòn ngọt, thanh thanh. Hai bà cháu vừa ăn vừa cười rất vui vẻ.
Hơn hai mươi năm rồi, chợ quê không còn nữa. Cũng không còn ai nhớ tới hình ảnh hai bà cháu tờ mờ sáng dắt díu nhau đi những buổi chợ xa. Đối với tôi, đó là kỷ niệm tuyệt vời nhất thời thơ ấu. Những viên đường phèn đến tận bây giờ tôi vẫn thích ăn. Ngoại tôi đã già lắm, nhưng đôi lúc bà vẫn chợt nhớ lại rồi vừa kể cho cả nhà vừa cười ngặt nghẽo. Tay bà mân mê ít tiền lẻ gói tròn trong sợi dây thun, và thỉnh thoảng lại cho tôi một nghìn đồng như thuở ấy.
Nắng mùa vàng trên những đọi rơm. Thời ấu thơ đã qua đi từ rất lâu và không bao giờ trở lại. Có những chuyện chỉ còn là ký ức. Tôi mãi nhớ hoài những buổi chợ xưa…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.