Kể chuyện làng: Chuyện xem chiếu bóng lưu động của cha tôi

Trà Giang Thứ bảy, ngày 07/08/2021 06:40 AM (GMT+7)
Tối nay, qua giọng trầm ấm, chậm rãi của cha, tôi như được quay về không gian xưa cũ. Một nơi không có tivi, internet, chỉ có những rạp chiếu bóng đem "ánh sáng điện ảnh" đến với bà con nhân dân.
Bình luận 0

Như thường lệ, sau mỗi bữa cơm gia đình tôi sẽ ngồi nhấm nháp ngụm nước chè chan chát, ngòn ngọt và lắng nghe cha kể chuyện ngày xưa. Chuyện về ông Nguyễn Văn Hoạch – một nông dân cần cù lao động ở làng tôi đã từng dùng đòn gánh đánh một tên giặc Pháp, chuyện ăn cơm độn thời bao cấp, chuyện học hành, thi cử những năm 80...

Kể chuyện làng: Chuyện xem chiếu bóng lưu động của cha tôi - Ảnh 1.

Một buổi chiếu bóng lưu động (Ảnh sưu tầm).

Cha tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất chiêm trũng của làng Đội, xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Thời thơ ấu của cha là chuỗi ngày thiếu thốn về vật chất, đơn điệu về đời sống tinh thần. "Món ăn" tinh thần hay ho nhất lúc bấy giờ là những lần Đội chiếu bóng lưu động số 53 xuất hiện với nhiều thước phim nhựa đặc sắc.

Đội chiếu bóng khi ấy có 6 người, gồm Đội trưởng kiêm thuyết minh viên Trương Hữu Hồng, một người phụ trách máy chiếu, một người phụ trách máy nổ, 3 người đảm nhận việc vận chuyển đồ đạc bằng chiếc xe thồ cũ kỹ. Đồ nghề lỉnh kỉnh những máy móc, cột phông, cọc tre, vải trắng... Màn ảnh là tấm phông vải màu trắng ngà được dựng lên chắc chắn.

Trước đêm trình chiếu phim 2-3 ngày, khu vực Ngã từ cầu Điền dán đầy những tấm áp phích màu vàng khổ lớn, thông báo ngày giờ, địa điểm và bộ phim sẽ lên sóng. Tin tức này được truyền đi rất nhanh. Những xóm lao động nghèo bỗng rộn ràng, nhộn nhịp hẳn lên. Mỗi tháng, Đội chiếu bóng lưu động số 53 chỉ dừng chân tại xã tôi một lần nên dù công việc khi ấy có bận bịu thế nào thì bà con cũng sẽ cố gắng sắp xếp để đi xem. Không khí vui như mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Kể chuyện làng: Chuyện xem chiếu bóng lưu động của cha tôi - Ảnh 2.

Sân chiếu bóng ngày xưa nay là Trường mầm non An Nội. (Ảnh: Trà Giang)

Chưa đến 20h – thời gian công chiếu phim mà khu đất trống của Uỷ ban Nhân dân xã An Nội đã đông người, chủ yếu là đám trẻ con. Chúng đi học về sớm, ăn vội bữa cơm chiều rồi nhanh chóng ra chỗ chiếu để lựa chọn vị trí ngồi "đắc địa", sát màn hình. Người lớn đến muộn hơn, họ rủ nhau đi bộ thành từng đoàn dài, vui vẻ trò chuyện. Cha tôi thường hoà mình vào dòng người nói cười đông vui, tâm trạng đầy hào hứng, phấn khởi hướng về sân chiếu bóng.

Từ cổng Uỷ ban Nhân dân xã đi vào là hàng loạt mẹt hàng bày bán đồ ăn vặt. Cha tôi là con nhà nghèo, chỉ biết đứng nhìn những chiếc kẹo lạc giòn tan, kéo bột ngọt ngào... trong buồn bã...

Giá vé xem phim chiếu bóng lúc bấy giờ là 100 đồng. Do không có tiền nên cha đã nhiều lần trốn vé bằng cách lợi dụng lúc đông người để len vào trong nhưng không phải khi nào cũng may mắn trót lọt. Có lần, cha tôi bị mấy bác bảo vệ phát hiện, bắt đứng ở ngoài cổng. Phải đợi sau khi phim đã chiếu được hơn phân nửa, đội soát vé và bảo vệ "tháo khoán", cha mới vội vàng chạy vào. Sân khi ấy đã chật ních người, phim cũng gần hết nhưng cha không nỡ bỏ về vì biết sẽ lâu lắm mới lại được xem chiếu bóng.

Thời ấy, những bộ phim được cha tôi say mê là Mối tình đầu, Ngọn lửa Krông Jung, Biệt động Sài Gòn... đặc biệt là 8 tập phim Ván bài lật ngửa. Phim kể về quãng đời hoạt động của nhân vật lịch sử có thật – anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo. Diễn xuất của diễn viên chính Nguyễn Chánh Tín để lại nhiều ấn tượng bởi nét hào hoa, thông minh, nhanh nhẹn của một nhà tình báo.

Kể chuyện làng: Chuyện xem chiếu bóng lưu động của cha tôi - Ảnh 3.

Ông Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động số 53 nay đã 75 tuổi. (Ảnh: Trà Giang)

Phim những năm đầu thập niên 80 là phim nhựa, ngoài phim Việt Nam sản xuất còn có phim Ấn Độ, Liên Xô. Khi chiếu phim nước ngoài, ông Hồng Đội trưởng phải ngồi sau màn chiếu để lồng tiếng. Phần dịch thuật được ông ghi chép cẩn thận trong một cuốn sổ dày, ông luôn cố gắng đọc khớp với từng chuyển động, lời thoại của nhân vật. Tuy vậy, trong quá trình "tác nghiệp" vẫn có những lần hình một đằng, lời một nẻo hay có những từ nước ngoài được phát âm lạ lẫm khiến khán giả không khỏi phì cười.

Trong dòng hoài niệm của cha tôi, nhớ nhất và bực nhất là lúc phim đang đến đoạn hồi hộp, gay cấn thì trời đổ mưa. Nếu mưa nhỏ, khán giả sẵn sàng dầm mưa để tiếp tục theo dõi. Nhưng nếu mưa to, kéo dài kèm theo tiếng sấm rền vang liên hồi thì người xem sẽ phải nhận bản tin buồn "Tất cả giải tán. Tối mai đến xem bù!". Trong đêm tối chỉ có vài ngọn đèn dầu leo lét, người ta nghe rõ tiếng thở dài, tiếc nuối của nhau.

Vào những năm 90, khi nhiều hộ gia đình sở hữu chiếc tivi đen trắng, tần suất hoạt động của Đội chiếu bóng lưu động mỗi ngày một ít. Bởi lẽ, nhiều người thích được ngồi ở nhà nhàn nhã mở những bộ phim, chương trình yêu thích hơn là phải chen lấn xô đẩy giành chỗ ngồi, nghe tiếng ồn ào của trẻ con chờ phim tại sân chiếu bóng. Chiếu bóng đã đi qua thời "hoàng kim".

Giữa sự xô bồ, hối hả của nhịp sống hiện đại, cha tôi thường mơ về ngày xưa, nơi góc sân rộng có hàng trăm người chăm chú dõi theo từng tình tiết của các bộ phim chiếu bóng.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem