Nguyễn Thị Hương Giang
Thứ tư, ngày 10/08/2022 07:40 AM (GMT+7)
Mùa nước nổi, nhung nhớ làng xưa, tôi lại thấy thèm món cá rô đồng nấu với đọt choại. Những ngày mưa, cá đồng thường mập mạp, nấu kèm với rau choại tươi non sẽ cho ra một món canh đầy đủ, hương vị ngọt thanh, thỏa thuê nỗi lòng.
Quả đúng như vậy, vào những mùa nước nổi, thiên nhiên vạn vật bỗng trở nên hiền hòa và ưu đãi cho người dân quê tôi những đặc sản vô cùng phong phú. Một trong những loại rau dân dã, rất đặc trưng cho vùng Đồng Tháp Mười chính là rau choại. Nhiều năm xa làng, quay trở về quê, nhìn đám rau choại mọc ken dày trong đám lá dừa, gốc tràm dọc theo những dòng sông dài, thấy lòng mình rưng rưng nỗi nhớ cố hương.
Rau choại, hay còn gọi là đọt chạy, mọc quanh năm ở những cánh đồng, ven bờ ruộng, không theo bất kỳ mùa vụ nào. Choại có hình dáng rất lạ, thân mảnh, đọt non xoăn tít và uốn cong, thoạt trông như con cuốn chiếu cuộn mình, thân mọc dài tới đâu thì bám rễ tới đó. Phần ngon nhất của rau choại chính là phần đọt non. Hương vị của loại rau này nghiêng về đắng, nhưng nhai kỹ sẽ thấy hậu vị ngọt, khi chế biến thành món ăn sẽ mang đến hương vị không lẫn đi đâu được.
Rau choại cũng có nhiều loại khác nhau, nếu là rau choại mọc hoang trong rừng thì toản thân sẽ có màu xanh pha chút hồng tươi, hoặc hồng đậm. Còn loại rau choại vườn thì mọc tự nhiên ở những nơi gần bờ mương, lũy tre, thường có thân to và tròn trịa hơn loại mọc trong rừng. Nhờ bộ rễ có sức hút nước mạnh, rau choại đặc biệt rất thích nghi, dễ dàng sinh trưởng ở những vùng đất nhiễm phèn tại vùng Đồng Tháp Mười quê tôi. Sau này lớn lên, có dịp chu du qua nhiều vùng đất, tôi mới biết không chỉ có người Việt mình mà rất nhiều cộng đồng dân cư ở Đông Nam Á, cũng chọn ăn loại rau hoang dã này. Tại Indonesia, người dân gọi đọt choại là "kalakai", với niềm tin rằng loại rau thuộc giống dương xỉ này cực kỳ tốt cho sức khỏe, chứa nhiều chất sắt, nên có khả năng điều trị được nhiều bệnh về da, sốt rét, góp phần duy trì tuổi thanh xuân cho con người.
Còn tại làng tôi ngày xưa, người ta thường chọn ngắt đọt choại và những buổi ban mai, vì qua một đêm mưa ẩm, đọt non hấp thu tinh khí đất trời, căng non, óng ả và mát rười rượi. Theo mẹ tôi thì đây cũng là thời điểm đọt choại ngon nhất chứ không héo rũ như lúc chiều tà. Thời còn nhỏ, khi chỉ mới hơn 10 tuổi, tôi đã tự cầm rỗ tre đi sâu vào cánh rừng tràm bên kia con sông nhà để hái rau choại. Ngày ấy, ở làng tôi, chỉ cần chịu khó tìm kiếm sẽ thấy loại rau này mọc nhiều vô kể, thân cây to tròn lớn phổng phao, lút nhút khắp nơi. Mùa mưa, rau choại sẽ đặc biệt non hơn, chột hay ngó đều ngon, không có vị chát như những lúc trời nắng nóng.
Tuy nhiên, vì sinh trưởng ở vùng ẩm thấp nên rắn rết cũng nhiều, bọn trẻ con chúng tôi luôn được người lớn nhắc nhở về việc phải thủ thế khi hái đọt choại, để tránh những chú rắn ẩn mình bị đánh động có thể lao ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, mấy đứa trẻ con như chúng tôi khi ấy vẫn rất mê việc đi hái đọt choại vì yêu thích hình dạng cong cong như dấu chấm hỏi của loài thực vật này. Thậm chí, có đứa còn tận dụng nó để chơi trò chọi gà mỗi khi có dịp tụm năm tụm bảy dưới gốc tre làng.
Điểm đặc biệt của dây rau choại là ngoài đọt choại ăn được thì dây của cây choại cũng mang đến nhiều công dụng hữu ích cho con người. Thân cây choại vốn dài (10-20 mét) có độ bền và rất dai, chịu được lâu trong nước nên thường dùng làm dây bện đăng, nò, lộp đánh cá và dây thừng chịu mặn.
Cha tôi hay men theo những khu rừng tràm, tìm những dây choại già, cắt thành đoạn tùy ý, đem về phơi khô, bó lại thành từng bó để dành. Cũng bởi công việc chủ yếu của cha tôi là bắt cá nên dây choại trở thành một vật liệu cực kỳ hữu dụng để bện nom, đăng… Ngoài ra, dây choại cũng những người dân ở vùng sông nước tận dụng để làm nuột lạt lợp nhà, hoặc để dành buộc lại cái kèo, đòn tay tránh giông bão rất bền chắc, do dây choại khi ngắm nước vẫn rất dẻo dai. Về sau, khi ngành du lịch dần phát triển, nhiều người ở làng tôi còn tận dụng dây choại già để làm thủ công mỹ nghệ, bán cho du khách như một cách để quảng bá đặc sản quê hương.
Ngoài canh chua, mẹ tôi cũng hay tận dụng đọt choại để nấu canh rau tập tàng. Có cần chi nhiều nhặn, chỉ cần thêm mớ rau má ven ruộng, nhúm càng cua bên vườn nhà, thêm chút tôm đất tươi roi rói, thế là đủ vị cho nồi canh rau xanh um, nước trong veo, thanh mát.
Cũng có những khi cha không bắt được nhiều cá, mẹ liền hái đọt choại chấm với nước tương hoặc mắm nêm thêm chút ớt tươi. Chỉ cần bắc thêm nồi cơm, tận dụng thêm nước luộc rau choại, cho chút muối, bột ngọt để dành làm canh húp, cả gia đình đã có một bữa ăn dung dị mà đong đầy hạnh phúc. Vừa ăn vừa nhìn ra khúc sông ngập nắng sau nhà, loáng thoáng nghe tiếng hò của các cô bán hàng vọng lại trên sông, thấy lòng rưng rưng nhớ thương.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.