Kể chuyện làng: Người giữ lửa nghề truyền thống nặn tò he

Thanh Tùng - Việt Hoàng Thứ bảy, ngày 03/07/2021 09:00 AM (GMT+7)
Về xã Phượng Dực (Phú Xuyên, Hà Nội) không ai là không biết đến Nguyễn Văn Thành - một trong những nghệ nhân trẻ của làng.
Bình luận 0

Người con nặng lòng với nghề truyền thống của quê hương

Nguyễn Văn Thành là một người dễ gần, hoạt bát, có đức tính kiên trì, ham học hỏi. Chàng trai sinh năm 1978 này hiện đang là chủ nhiệm CLB Làng nghề truyền thống tò he Xuân La. Khi nhắc về nguồn cội của làng nghề truyền thống nặn tò he, Thành cho biết: "Nơi đây là làng nghề truyền thống nặn tò he nổi tiếng và duy nhất tại Việt Nam.

Người giữ lửa nghề truyền thống nặn tò he - Ảnh 1.

Gia đình nghệ nhân nặn tò he Nguyễn Văn Thành. (Ảnh: Việt Hoàng)

Là một trong những người có công tìm lại sự sống cho làng nghề, Nguyễn Văn Thành luôn có một trăn trở: Làm sao cho những con giống tò he có sức sống lâu bền và được nhiều người đón nhận hơn, nhất là với những cháu nhỏ. Suốt chặng đường dài gắn bó, Nguyễn  Văn Thành đã có rất nhiều những chuyến lưu diễn, dự hội khác nhau trên khắp mọi miền đất nước để quảng bá về con giống làng nghề mình.

Anh cố gắng tìm tòi, thử nghiệm, sáng tạo, với nhiệt huyết và tình yêu nghề, yêu quê hương. Đi đến đâu, nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thành cũng mong muốn mọi người biết đến nhiều hơn về mảnh đất đầy nắng và gió, nơi sản sinh ra nghề truyền thống nặn tò he nổi tiếng của quê hương mình.

Hành trình lưu giữ và phát triển nghề truyền thống

Tò he đã có từ rất lâu đời (khoảng từ 300 đến 400 năm trở về trước) được cha ông truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển cho tới ngày nay. Đã có một thời gian nghề nặn tò he bị mai một, rất ít nghệ nhân làm. Cùng với mong muốn giữ nghề và phát huy truyền thống làng nghề, Nguyễn Văn Thành chính là người đưa ra ý tưởng và thành lập CLB Làng nghề truyền thống tò he Xuân La. Đã có nhiều năm trong nghề, cùng tình yêu, mong muốn giữ và phát huy truyền thống làng nghề, Nguyễn Văn Thành là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhận được sự đồng thuận và tín nhiệm của người dân trong thôn. Anh Thành cùng những cộng sự của mình đã dẫn dắt và phát triển CLB từ năm 2009 nhằm mục đích bảo tồn, duy trì và phát triển giá trị di sản văn hóa truyền thống độc đáo của quê hương.

Năm 2010 trong Đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội, Nguyễn Văn Thành cùng các nghệ nhân khác trong làng nghề đã nặn 3 sản phẩm kỷ lục là con rồng thời Lý nặng 300kg, con rùa nặng 150kg, mâm ngũ quả nặng 25kg. 3 sản phẩm kỷ lục này đã được rước tại công viên Bách Thảo để tham dự Lễ kỷ niệm làng nghề phố nghề Thăng Long Hà Nội. Các sản phẩm cũng đã được trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao tặng cúp Kỷ lục về làng nghề truyền thống nặn tò he duy nhất tại Việt Nam.

Người giữ lửa nghề truyền thống nặn tò he - Ảnh 2.

3 sản phẩm tò he kỷ lục: Rồng thời Lý, Con rùa, Mâm ngũ quả. ( Ảnh NVCC)

CLB của Nguyễn Văn Thành còn có những hoạt động phối hợp với trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai dự án Tò he Việt để giới thiệu sản phẩm đến đông đảo các bạn sinh viên của trường Đại học Quốc gia. Nhiều trường học đã mời nghệ nhân của CLB tới dạy ngoại khóa cho học sinh các cấp.

Với nhiều thành công trong các hoạt động cùng hội thi tiêu biểu, Nguyễn Văn Thành và CLB của anh đã có đóng góp lớn trong việc quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn về sản phẩm của quê hương mình. Từ đó không chỉ trong nước mà bạn bè quốc tế biết tới làng nghề tò he Xuân La, tạo cơ hội đưa sản phẩm tò he đến nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc…

Người giữ lửa nghề truyền thống nặn tò he - Ảnh 3.

Các nghệ nhân CLB Làng nghề truyền thống tò he Xuân La miệt mài chỉ dạy cách nặn tò he cho thế hệ "măng non". (Ảnh NVCC)

Hiện tại, với tình hình dịch Covid-19 phức tạp, các nghệ nhân không thể hoạt động nhiều. Thu nhập hằng ngày của các nghệ nhân nặn tò he bị ảnh hưởng do hoạt động chủ yếu tại các khu vui chơi giải trí, danh thắng, các trường học, nơi tập chung đông người... Các nghệ nhân và CLB làng nghề chủ yếu ở nhà nặn sẵn các sản phẩm, chờ hết dịch để hoạt động trở lại.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

                    

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem