Kể chuyện làng: Những ký ức làng (Kỳ 1)

Trung Trung Đỉnh Thứ bảy, ngày 17/04/2021 07:00 AM (GMT+7)
"Kể chuyện làng" xin giới thiệu 3 bài viết của nhà văn Trung Trung Đỉnh – một người con sinh ra ở làng, ra đi từ làng và lúc nào cũng đau đáu về làng – cái làng Sưa yêu dấu của ông.
Bình luận 0

Rơm Rạ Tro Trấu đời người

Kể chuyện làng: Những ký ức làng (Kỳ 1) - Ảnh 1.

Minh họa - Trịnh Tú.

Ở xóm Cầu làng Sưa của tôi có hai anh em nhà Rơm và Rạ, con ông Tro bà Trấu. Bây giờ anh Rơm đã làm tới chức trưởng thôn còn cô Rạ thì thành bà nội bà ngoại, chủ một tổ hợp sản xuất hàng thủ công xuất khẩu. Họ lớn lên trong sự bần cố của đời người. Anh Rơm kể mẹ anh sinh ra anh dưới chân đống rơm nhà ông bà Cả Cải, khi mẹ đang rút rơm cho con trâu mộng nhà bà vào buổi tối cuối Đông mưa phùn gió Bấc rét căm căm, may mà được bà Cải phát hiện và thương tình dìu mẹ vào trong bếp cho hơ lửa rồi cho "ủ" thằng bé vào trong mớ áo quần cũ, hai mẹ con nằm trong ổ rơm ấm sực mùi khói tro trấu rơm rạ và mùi cám lợn. Bà Cải phúc đức còn đặt tên cho anh là thằng Rơm. Còn cô Rạ thì được mẹ sinh ra trên cánh đồng Dông, sau đó hai năm, khi mẹ đang cắt rạ thuê cho bà Uởi, em bà Cả ở xóm Trại. Tên Rạ cũng do bà Cả Cải đặt. Thật chẳng còn gì phải băn khoăn. 

Thằng Rơm cái Rạ lớn lên như cọng rơm cọng rạ cùng mẹ từ lúc cỏn đỏ hỏn trong căn bếp nhà bà Cải đến ngày cải cách thì được chia luôn phần bếp và phần đất sau nhà ông bà,vì ông bà bị quy là địa chủ đã bỏ làng theo con vào Nam biệt tích. Sau này bố Tro của Rơm Rạ mất trong ổ rơm vì bệnh ho ra máu sau đợt cày ruộng đổi công cho mấy nhà hàng xóm. Cuộc đời Rơm Rạ mồ côi cha từ bé, nhưng may mà mẹ Trấu không đi bước nữa. Bà bảo hai ông bà lấy nhau cũng là tội nợ, hai kẻ cày thuê cấy rẽ tay trắng, đến cái tên mình cũng không biết là tên gì, khi ông bà chủ hỏi mới ớ ra: "Thầy u chúng cháu chết rồi, đếch nói cho chúng cháu biết tên!", mẹ anh nói. "Người ta vẫn gọi cháu là cái Đĩ'', bà nói thêm. Còn  cháu tên là Tro, bố anh khai. "Trước khi chết thầy cháu bảo mày tên Tro vì nhà cháu suốt đời ở bếp nhà người ta, chả kém gì tro trấu bếp núc nhà ông bà". Ông Cải cả cười, đặt lại tên cho mẹ là Trấu "cho nó thuận theo tên chồng là Tro!", ông bảo thế. Hai người  phải lòng nhau, được ông bà Cả Cải dựng cho thành đôi lứa, thầy u đã hứa suốt đời làm kẻ hầu người hạ cho ông bà...Cứ tưởng  thế cũng xong, nào ngờ có cái sự đổi thay long trời lở đất, hai ông bà bị đấu tố, may mà có anh con  cả làm gì to về rước cho vô Nam, biến biệt tích…

Kể chuyện làng: Những ký ức làng (Kỳ 1) - Ảnh 2.

Minh họa - Trinh Tú.

Tôi thật tình nhiều khi về làng cũng đôi lúc muốn đến nhà chuyện trỏ với ông Rơm trưởng thôn, nhưng thật vô duyên, mấy lần hẹn mà vẫn không gặp được. Khi ông bận chuyện này, lúc bận chuyện kia. Một ông trưởng thôn mà sao lúc nào cũng tất bật, cũng bận rộn chả kém chủ tịch xã, chủ tịch huyện? Nhà ông Rơm đổ mái bằng có ti vi cát sét, xe máy Trung Quốc rẻ rề và bếp ga. Cô con gái lớn lấy chồng trên phố huyện, còn anh con trai  thứ cũng đã lập gia đình riêng, cùng cụ Rạ tổ chức tổ hợp sản xuất thảm rơm xuất khẩu. Đời con người ta kể cũng lạ kỳ. Cả nhà có mấy cái tên Tro, Trấu, Rơm, Rạ tưởng thế là đã lãnh hết phần của cái sự quê mùa, nào ngờ bà Rạ đặt tên đứa con trai là thằng Rốc (cua đồng), cái  Rươi. Bà bảo đặt thế cho "rễ" nuôi. Ở quê tôi dễ nuôi thỉ gọi là "rễ" nuôi.

 Sau này lớn lên Rốc  đổi tên là  Thành còn cô Rưởi đổi thành Hoa. Phạm Thành và Phạm Như Hoa hai anh em này đang học đại học trên Hà Nội. Một Bách Khoa, một Sân khấu điện ảnh. Mấy chục năm nay, cụ Rạ nuôi hai con bằng đủ thứ nghề. Hồi chúng còn bé thì  ba mẹ con đùm túm nhau, mẹ đi cấy, đi lảm thuê, kể cả gặt hái gánh phân… khi cả làng  vào hợp tác xã thì  ông bà theo nghề kết những cọng rơm nếp óng mượt thành ra thứ thảm rơm mấy năm trước bán cho người Tây, khi có những người Tây  về làng du lịch do cô cháu gái dẫn họ về và liu lo  gì đó, họ đặt cụ làm cho mấy chục tấm. Bán cho người Tây đắt hơn và lại sòng phẳng hơn. Cụ là Tổ trưởng tổ hợp sản xuất thảm rơm rạ. Tổ hợp nay có trên hai mươi người thợ lành nghề, đặt tên là Thành Công, mỗi năm làm ra hàng ngàn tấm thảm xuất khẩu, mang thương hiệu MadeinViet Nam.

Có điều đặc biệt nữa là, cụ Rạ năm nay đã ngoài tám mươi tuổi mà vẫn đi lại nhanh nhẹn, tính vo, toán vo, mọi chuyện lớn nhỏ của công ty gia đình  đều dưới sự chỉ đạo của cụ. Tuổi cao mà đầu óc vẫn tỉnh bơ không lẫn không quên, chỉ có mỗi tính thâm căn cố đế là giữ rịt chìa khóa cải tủ tôn chứa hai trăm triệu đồng không đưa cho đứa cháu làm kế toán thủ kho. Không đưa cho a hết. Cụ bảo tiền cho công ty hoạt động lâu nay thế là ổn rồi. Chỗ này để đấy, khi nào tao chết tao chia đều cho cả nhà… làm vốn!

(Còn nữa...)

                                                                

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem