Kể chuyện làng: Những ký ức làng (Kỳ 3)

Trung Trung Đỉnh Thứ bảy, ngày 24/04/2021 08:00 AM (GMT+7)
"Kể chuyện làng" xin giới thiệu 3 bài viết của nhà văn Trung Trung Đỉnh – một người con sinh ra ở làng, ra đi từ làng và lúc nào cũng đau đáu về làng – cái làng Sưa yêu dấu của ông.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Những ký ức làng (Kỳ 3) - Ảnh 1.

Minh họa - Trịnh Tú.

Tôi mê đọc sách từ khi còn là cậu trẻ trâu. Ở nông thôn, thời chúng tôi không có nhiều sách để đọc, để xem như bây giờ. Nhà tôi có một "thúng" sách do hai ông anh như hai con chim đã ra ràng, một ông bay đi học sư phạm còn một ông đi bộ đội, tài sản để cho thằng em út là thúng sách lung tung đủ các thứ nhưng sách truyện là chính. Cái thúng đựng lúa gạo thầy mẹ tôi dành cho tôi đựng sách ấy là của quý mà tôi giữ rất kỹ trong buồng trong nhà. 

Tôi nhớ nhất là các truyện của Liên Xô như "Dôi A và Su Ra". "Chú người gỗ"."Mít đặc và biết tuốt"; "Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của KaRich và VaLia". Truyện Trung Quốc hiện đại hồi ấy thì chỉ có mỗi cuốn "Đống lửa trong rừng"  mà tôi thật sự mê mẩn đọc, đọc đi đọc lại.  Sách Tranh truyện "Lôi Phong" cũng rất hấp dẫn. Tranh truyện cổ thì nhiều: "Tam quốc diễn nghĩa"; "Thủy Hử", "Tây du ký…". Dách Việt Nam nhiều nhất: "Dế mèn phiêu lưu ký" và các truyện của bác Tô Hoài, bác Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng, bác Đoàn Giỏi, bác Chế Lan Viên, Xuân Diệu. Rồi các truyện "Đội du kích thiếu nhi đình bảng"; "Cuộc đời chìm nổi của chú  Kíp Lê"…

 Đọc đi đọc lại, đọc đến thuộc lòng. May mà khi lên cấp II rồi cấp III của tôi, tôi đi bộ 7 cây số lên phố Huyện, lân la làm quen làm thân với các cô chú hiệu sách nhân dân. Chú Tỷ cửa hàng trưởng rất  hay đọc thơ cho chúng tôi nghe. Tôi chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng hoan hô nên chú quý nhất. Chú cho mượn sách, thậm chí bí mật cho tôi đem sách về nhà với điều kiện phải trả đúng hẹn. Thói quen đọc sách vẫn đeo bám theo tôi cho đến khi tôi đi bộ đội. Trong ba lô khi nào cũng phải có đôi ba cuốn truyện. Nào "Ruồi Trâu", "Thép đã tôi thế đấy", Sách của các nhà văn Hiện đại nước nhà như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Bùi Hiển, Đỗ Quảng, Nguyên Ngọc, Bùi Hiển. Riêng Vũ Trọng Phụng tôi phải mượn của các thầy giáo bạn anh tôi đọc, vì hồi ấy người ta liệt Vũ Trọng Phụng vào loại nhà văn  có "vấn đề"  gì gì đó… gần giống như các ông nhà văn "Nhân văn giai phẩm".

Tóm lại khi còn nhỏ, ở thôn quê, tôi ham đọc sách vì đọc sách là thú chơi rất cuốn hút. Đọc sách bao giờ cũng thấy trước mắt mình là cả một thế giới khác lạ, mới mẻ mà nó khiến tôi ham mê chứ không do ai định hướng chỉ bảo gì cả. Ngoài thúng sách nhà mình, đi đâu, ai cho mượn sách gì thì đọc sách đón ngay. Sau năm 1975, tất cả các tác giả được giải Nobel do miền Nam in tôi  tìm đọc hết, đọc mê mải. Đến đấy mới thấy mình cũng còn may còn sống sót, sau chiến tranh và kịp được đọc các nhà văn lớn thế giới của các thế kỷ  trước. Tôi bảo với bạn bè, mình có sách đọc tự do thế này, mình mới thực sự là người được giải phóng đúng nghĩa!

Hồi ấy, trong ba lô, trong túi xách của tôi lúc nào cũng có đôi ba cuốn sách đang đọc dở. Thỉnh thoảng vớ được một cuốn hay, đọc hết rồi mà trong lòng còn váng vất, có khi cả tuấn cả tháng không làm được gì, đi đâu, gặp ai là ra sức khoe về tác giả ấy, cuốn sách ấy, cuwd như mình là nhà ma-két-tinh…

Bây giờ có điều kiện hơn nhiều. Hơn rất rất nhiều. Sách in, sách điện tử, các nguồn cung cấp sách vô cùng phong phú. Người đọc mà ham mê đọc thì chả biết đọc đến bao giờ mới hết. Sách in giấy mỏng giấy dầy, giấy trắng giấy vàng giấy nhẹ giấy nặng, ôi thôi là tha hồ mà chọn. Tôi thấy có nhiều người  bảo lớp trẻ bây giờ không còn ham đọc sách nữa. Văn hóa đọc xuống cấp.  Văn hóa đọc cần báo động vân vân. Tôi không thấy thế. Đọc mỗi thời mỗi khác. Thời chúng tôi chỉ  có mỗi cách giấy đọc là đọc sách in trên giấy, còn bây giờ các bạn trẻ đọc  sách trên mạng vô vàn các thể loại, các loại sách Tây, Ta, Tầu, |Mỹ, Nhật, Hàn. Sách xưa người ta cấm nhiều loại lắm. Bây giờ ai cấm được ai? Thời chúng tôi mà đọc sách bị cấm đoán phải lén lút, ai có  cuốn sách của các nhà văn bị liệt vào hạng phản động hay "Nhân văn giai phẩm" mà bắt được thì thôi rổi…lượm ơi! Nếu không bị cảnh cáo, mắng mỏ thì cũng đưa ra tập thể kiểm điểm quan điểm lập trường. Thậm chí có người còn bị ném vô tù tội, cách li với người đời, ra đường không giám đi lại tự do, cuộc sống bị kỳ thị.

Văn học nghệ thuật từ xa xưa các cụ ta đều đã đề cao Chân Thiện Mỹ. Đọc sách là để trau dồi thêm kiến thức, để học hỏi thêm sự hiểu biết của mỗi cá nhân, bồi dưỡng cho ta thêm giàu có và vì vậy, tôi nghĩ, đọc sách cũng là một thói quen, nếu ta tập cho các em bé có thói quen đọc sách càng sớm càng tốt. Cũng như học ngoại ngữ, học sớm bao giờ cũng giúp các em tiếp thu dễ dàng hơn. Tập sớm thói quen đọc sách cho các em nhỏ cũng như  một trò chơi riết thành quen, thành  nếp thì sẽ không khó khăn áp lực gì. Thói quen đọc sách, cũng như các thói quen khác, cần lặp đi lặp lại và cần được sự khích lệ, gây hứng thú. Mỗi em có một sở thích, em nào thích truyện thể loại gì thì ta khích lệ và giúp các em tiếp xúc với thể loại đó. Tôi nhớ hổi nhỏ tôi thuộc diện bị gọi là "nghiền sách", cũng như bây giờ có em bị nghiền chơi Game vậy. Mà đã "nghiền" rồi thì khó "cai" lắm. Nghiền đọc sách là một sự nghiền đáng yêu đáng được khích lệ. Kiến thức vào trong bộ nhớ của ta qua thói-quen-đọc luôn luôn là một  cửa mở. Nó tạo nên sự bền vững nhờ luôn luôn được nạp thêm nhiên liệu.

Thời bây giờ là thời đại bốn chấm không, nghe rất vui tai. Thực chất, đó là một bước tiến về khoa học kỹ thuật vượt bực của nhân loại. Vài chục năm trước, tôi mơ có một tủ sách cá nhân. Bây giờ chỉ cần có một cái điện thoại thông minh là ta có trong đó một cái kho hàng ngàn hàng vạn cuốn sách. Cái quan trọng  ngày nay là ta nên học thêm nhiều ngoại ngữ để đọc được nhiều sách, đọc được bản gốc của tác phẩm nạp được nhiều kiến thức từ muôn phương và ta là người giàu có trong thiên hạ.

Tiên học lễ  - hậu học văn

Tôi vừa về tới đầu làng thì may mắn tình cờ gặp ngay thầy Tư, thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi hồi cấp hai. Năm ấy thầy tôi đã ngoài sáu mươi tuổi, nhưng dáng vẻ vẫn còn nhanh nhẹn, thậm chí còn nhanh nhẹn hơn hồi cách đấy khoảng mươi năm trước. Tất nhiên thầy tôi đã nghỉ hưu rồi, nhưng vì yêu nghề nên câu chuyện của thầy lúc nào cũng chỉ nói về trường lớp, về những kỷ niệm thời thầy còn đứng trên bục giảng. Thầy khuyên tôi, nếu có thời gian thì nên tạt qua thăm trường và nếu có thể, nên viết cho trường một vài bài báo, vì trường mình hiện nay khang trang lắm. Tuy nhiên, cái khang trang, quy củ,  theo thầy thì chỉ cần "cưỡi ngựa, xem hoa" là thấy đủ, là sẽ viết được báo ngay. Cái cách nói của thầy, tôi cảm nhận được, hình như có điều gì đó tế nhị vừa như gợi ý, lại cũng vừa như nhắc nhở, mà thầy không thể nói trắng ra được. Tôi thưa với thầy rằng, bây giờ đang là giờ nghỉ, chắc có vào trường cũng chẳng gặp ai. Thầy khẳng định với tôi là hăm bốn trên hăm bốn giờ, lúc nào cũng có thể gặp được không thầy hiệu trưởng thì thầy hiệu phó và một vài giáo viên. Rằng các hoạt động của nhà trường bây giờ sôi nổi lắm, không còn đơn sơ như thuở chúng tôi học. Thế thì mừng quá, tôi nói với thầy và nhờ thầy dẫn tôi vào thăm trường, trước khi về nhà. Tất nhiên thầy tôi vui lòng nhận lời ngay.

Quả tình là trường làng của tôi bây giờ không còn úi xùi như thời chúng tôi còn đi học nữa. Thầy trò tôi đi qua sân trường, giữa lúc có tốp các em học sinh từ trong một lớp nào đó ào ra, thấy có chúng tôi, các em không những không chào hỏi gì mà còn nô dỡn, đuổi bắt, trêu chọc nhau, thậm chí có em còn chạy vòng quanh chúng tôi, coi chúng tôi như là vật che chắn khi mấy bạn, người ném dép, người quăng cả cặp sách. Kể như thế cũng là quá ngạc nhiên rồi. 

Điều ngạc nhiên hơn nữa là các em nói năng, hò hét với nhau bằng một thứ ngôn ngữ rất tục, khiến tôi không còn dám tin vào tai, vào mắt mình nữa. Thầy Tư tránh ngượng, kéo tay tôi bảo : "Ta vào thăm thầy hiệu trưởng". Nhưng thầy hiệu trưởng đi vắng, chỉ có mấy thầy cô hình như vừa có chuyện gì đó không được vui. Rõ là số mình không may rồi, tôi nghĩ và định rủ thầy tôi "đánh bài chuồn". Nhưng thầy tôi lại sốt sắng kéo tay tôi tới trước mấy thầy cô để giới thiệu trong lúc tôi vừa nghe có tiếng ai đó quát rất to ở phía đầu hè: "Đứa nào vừa đánh nhau đấy hả? Có biến đi không? !". Tôi vội quay lại và nhận ra, đó là lời nhắc nhở của một thầy giáo với các em học sinh. Tôi thực sự lúng túng khi hai thầy trò tôi đều là khách "không mời mà đến". Nhưng cũng thú thực là, biết làm thế nào được, một khi đó chỉ là chuyện vặt thường ngày trên sân trường!

Chúng tôi, sau khi được thầy Tư giới thiệu hai bên đã nhanh chóng làm quen với nhau. Có người loáng thoáng biết tôi là nhà văn, nhà báo, là học sinh cũ của trường. Nhìn cách ăn mặc tuyềnh toàng của các thầy cô, tôi cứ ngỡ như các thầy cô vừa đi làm ruộng ngoài đồng về. Đặc biệt nghe cách nói chuyện, cách xưng hô "mày mày tao tao"của các thầy cô với nhau, cứ như các bác nông dân đang nói chuyện giữa đồng khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và ái ngại. Trước khi ra về, tôi được các thầy cô hẹn hôm khác tới chơi cho "đàng hoàng!".

Trên con đường làng năm xưa trơn như đổ mỡ, bây giờ được láng bê tông, hai thầy trò tôi gợi nhớ lại những kỷ niệm. Đó là có một hôm, không nhớ tôi có việc gì đó vội lắm, đang từ trong ngõ xóm đi ra, chợt thấy thầy Tư  đi ngược chiều, tôi vội vã chạy tới để chào thầy, không may vấp ngã một cú đau điếng, lấm lem. Thầy Tư vội đỡ tôi dậy và bảo: "Lần sau, nếu thấy thầy từ xa, thì em cứ để thầy được tự nhiên, không nhất thiết phải chạy tới chào như thế". 

Tôi nhớ, hồi ấy tôi thưa với thầy rằng, vì em có việc vội quá, đáng lẽ phải rẽ vào ngõ bên phải, nhưng vì đã trông thấy thầy thì không thể không chạy tới chào. Tôi không dám đánh giá là học sinh làng tôi ngày xưa ngoan hơn thời bây giờ. Tôi lại càng không dám so sánh các thầy cô thời chúng tôi học cũng gương mẫu hơn bây giờ. Tôi hiểu rằng, mỗi thời, mỗi khác, nhưng xét cho cùng, muốn khác thế nào thì khác, tôi vẫn mong sao cái câu "Tiên học lễ – hậu học văn" không bị lu mờ. Và có như thế thì kiến thức mới vào chúng ta được.

 

      

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem