Thái Bảo Dương Đỳnh
Thứ tư, ngày 29/06/2022 06:17 AM (GMT+7)
Khi mùa hè đến cá rô đã thành "thanh niên" rồi với vảy vi màu mè và mập. Lúc này cũng vừa xong vụ mùa tháng ba, gặp buổi nông nhàn gần như đàn ông làng Mỹ Thạnh quê tôi hay lội sông câu cá như một thú vui và để cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Sau khi bận rộn với những chuyến leo đồng "trăng mật" mùa đông thì cá rô rút về lòng sông để hoàn thành sứ mạng nòi giống. Những chú cá rô ron non tơ được sinh ra đã tung tăng lớn nhanh chỉ sau vài tháng.
Lội sông, vì con sông Trầu khi xưa ngoài những vực sâu như vực Ông, vực Tròn, vực Miếu thì cả một vùng hạ du nước sông thường chỉ sâu ngang ngực. Mùa hè thì nước càng ít hơn chỉ ngang bụng và có nơi chỉ đến đầu gối. Câu cá rô là lội giữa sông trong ngày mùa hè không có gió nam thổi mạnh. Câu cá rô là lội giữa sông trong ngày mùa hè không có gió nam thổi mạnh.
Câu cá rô khác với câu cá lấu là cần câu phải dài không cần chì, không cần phao. Những cây trúc quê được chuốc đến tận ngọn dài năm, sáu mét là lý tưởng nhất. Đầu trúc càng nhỏ thì càng nhạy khi cá kéo mồi. Đầu buộc sợi dây cước dài chỉ thua cần nửa mét là được. Mồi câu cá rô là cào cào, châu chấu - nhất là cào cào mỡ - được xâu bằng cọng cỏ thành những xâu dài cột vào thành giỏ đựng cá đeo vào cổ hay buộc ngang lưng.
Chuẩn bị xong là xuống sông. Chậm rãi móc mồi vào lưỡi câu sau khi đã bỏ cánh bỏ chân cào cào, rồi vút cần về phía trước cho lưỡi câu rơi xuống chỗ nghi là có cá ở. Thường là bờ cỏ hay những bụi tre dầm nước. Đợi cho lưỡi câu từ từ chìm xuống ta bắt đầu kéo thả nhè nhẹ một đoạn vài lần, rồi sau đó kéo lên hẳn. Một chỗ chỉ cần vút và kéo thả ba lần nếu không thấy cá là lội tiếp chứ không đứng một chỗ như câu ở ao hồ.
Cá rô là loại tạp ăn và ăn nổi, chuyên nấp trong bờ bụi. Khi mình vút cần, mồi sẽ gây động trên mặt nước tạo sự chú ý của cá nếu có, cá sẽ chụp liền. Đây là khoảng thời gian hồi hộp và quyết định nhất. Nếu bạn thấy cá kéo mà giật liền là thường không dính vì cá ngậm vào thân lưỡi câu chứ không phải đầu lưỡi. Bởi vậy, khi cá kéo bạn nên chùng cước xuống nhưng không quá dài vì cá sẽ kéo vào bụi cỏ dễ gây mắc lưỡi câu. Rồi từ từ bạn kéo cần nhẹ như thu mồi lại rồi dừng, cá sẽ ham mồi lao theo giành lại và ngậm vào đầu lưỡi câu và kéo. Lúc này bạn giật được rồi. Chắc chắn dính.
Câu cá rô theo ba tôi là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật lừa đỉnh cao có sự nghiên cứu thói quen bắt mồi của cá. Là sự kết hợp tinh tế giữa cương và nhu, giữa động và tĩnh, giữa kiên nhẫn và thời cơ. Nhanh hoặc chậm một tí là cũng không thành công được.
Cá rô sông Trầu vào tháng năm, tháng sáu là thịt dày, chắc và thơm được dùng kho lá gừng, lá nghệ. Cá cũng được chiên xù dầm mắm hay nướng lên bỏ xương giã với muối ớt vừa cay, vừa mặn và thơm quyến rũ. Những bữa cơm gạo mới ăn với cá rô đồng cùng với canh rau tập tàng quê nhà thuở nghèo khó cứ theo mãi bước chân lang bạt của những đứa con làng Mỹ Thạnh. Mẹ tôi và những người đàn bà trong làng khi xưa vẫn thường xâu cá rô trên que tre để nướng và treo trên gác bếp để ăn dần và làm quà tặng nhau sau những lần trò chuyện mùa vụ.
Bây giờ sông Trầu cứ như một người luống tuổi cạn dần dòng nước. Lại thêm sự kìm hãm của thủy điện sông Tranh và sự phát triển đột biến của những rừng keo tràm nên nguồn nước bị cạn kiệt. Mùa đông cá có về nhưng rồi sông cạn cá cũng rút theo. Những đánh bắt hủy diệt bằng xung điện cũng góp phần làm cho sông nghèo đi và tổn thương những tâm hồn hoài cổ. Bởi vậy những ngày hè khi về lại làng nhìn những chiếc cần câu cá rô gác bên chái nhà lòng tôi cứ rưng rưng nhớ về một thời chưa xa đầy ám ảnh.
Tân Bình, tháng 5/2022.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.