Kẻ nghi chở hàng cấm tông thiếu tá CSGT tử vong có thể bị xử lý thế nào?
Kẻ nghi chở hàng cấm tông thiếu tá CSGT tử vong có thể bị xử lý thế nào?
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 22/04/2023 07:56 AM (GMT+7)
Thiếu tá CSGT ở Long An bị tài xế xe bán tải tông tử vong khi yêu cầu dừng xe để kiểm tra, nghi chở hàng cấm. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ việc này.
Thiếu tá CSGT và hai người bị xe bán tải nghi chở hàng cấm tông tử vong
Gần 17h chiều 21/4, tại tuyến đường tỉnh 824 thuộc xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), Công an huyện Đức Hòa phối hợp cơ quan chức năng tuần tra tại xã Mỹ Hạnh Nam để bắt tội phạm vận chuyển hàng cấm.
Lực lượng chức năng phát hiện từ đằng xa xe bán tải lao đến với tốc độ rất nhanh, hướng TP.HCM, có biểu hiện nghi vấn.
Nghi phương tiện vận chuyển ma túy, tổ CSGT thuộc Công an huyện Đức Hòa phối hợp cảnh sát kinh tế huyện chặn kiểm tra đoạn khu vực cầu Nhỏ, xã Mỹ Hạnh Nam.
Thấy lực lượng công an, tài xế tăng tốc đâm thẳng vào tổ CSGT huyện, làm thiếu tá N.X.H. chấn thương nặng và tử vong trên đường cấp cứu. Tiếp đó, xe tiếp tục lao vào hai người đi đường khiến cả hai nạn nhân tử vong, sau đó xe lật ngang.
Danh tính các nạn nhân được xác định là: H.N.C.M (SN 1994, trú 129/24D Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5, TP.HCM; P.T.K.T (SN 1973, trú 23/9 khu phố 6, đường TTN06, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM); N.X.H (SN 1983, thiếu tá CSGT Công an huyện Đức Hòa, trú ấp Lộc Bình, xã Lộc Giang, Đức Hoà, tỉnh Long An).
Khó thoát án tử
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng khiến ba người tử vong, trong đó có một CSGT, vì vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc và sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập các dấu vết để lại trên hiện trường, đặc biệt là xác định tốc độ, khả năng điều khiển phương tiện, khả năng quan sát của người điều khiển xe ôtô.
Đồng thời xác định trên xe ôtô có hàng cấm hay không để làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, xác định diễn biến hành vi của người điều khiển phương tiện và hậu quả đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khoảng cách giữa CSGT với phương tiện khi ra hiệu lệnh và khả năng quan sát của người điều khiển phương tiện như thế nào, xác định phản ứng của người điều khiển phương tiện khi thấy hiệu lệnh của CSGT để xác định sự việc do lỗi cố ý hay vô ý.
Nếu kết quả điều tra cho thấy tài xế đã phát hiện ra CSGT đang có hiệu lệnh dừng xe, có khả năng dừng xe nhưng cố tình không dừng, hành vi này được xác định là lỗi cố ý.
Còn việc cố tình đâm xe vào lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ và người dân dẫn đến hậu quả ba người tử vong, đây là hành vi giết người.
Từ bình luận trên, ông Cường khẳng định, trường hợp xác định lỗi của tài xế là cố ý, vì chở hàng cấm mà đâm xe vào lực lượng chức năng và người dân nhằm thoát thân, hậu quả khiến ba người chết, tài xế sẽ xử lý hình sự về tội "Giết người" được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự với hình phạt cao nhất là tử hình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.