Đại sứ Trần Đức Mậu
Thứ năm, ngày 02/03/2023 10:33 AM (GMT+7)
Vào dịp một năm ngày bùng phát cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, câu trả lời cho câu hỏi về đến khi nào thì cuộc chiến này mới kết thúc vẫn chưa có được.
Điều có thể chắc chắn được nhất là cuộc chiến sẽ vẫn còn tiếp diễn, vẫn còn khốc liệt ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, đồng thời căng thẳng và đối kháng vẫn không khoan nhượng ở bên ngoài Ukraine giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và đồng minh.
Vào đúng dịp dấu mốc này, có bốn diễn biến có tác động rất quyết định tới kết cục của cả hai mối xung khắc trên. Ở LHQ, ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết lần thứ 6 về Ukraine. Nhìn lại tất cả 6 nghị quyết ấy, nội bộ ĐHĐ LHQ không thống nhất về Nga và về cuộc chiến ở Ukraine, đa số thành viên lên án Nga theo cách chung chung nhưng chỉ có khoảng nửa số thành viên tán đồng một số nội dung cụ thể mà phe Mỹ, EU và đồng minh muốn ĐHĐ LHQ thông qua.
Cục diện này gần như không thay đổi gì trong suốt một năm qua. Từ đó có thể thấy LHQ dẫu rồi đây có thông qua nhiều ít nghị quyết mới đi chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng đáng kể gì tới toan tính của Nga về Ukraine và phe Mỹ, EU cùng đồng minh cũng không thể dùng được LHQ để buộc Nga chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Diễn biến thứ hai và thứ ba là những phát biểu của tổng thống Mỹ Joe Biden ở Ukraine và Ba Lan trong khi tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày thông điệp lần thứ 18 về tình hình nước Nga. Cả hai đều sử dụng ngôn từ to tát và năng lực hùng biện, thể hiện quan điểm và đánh giá khác nhau nhưng lại giống nhau ở một điểm là bên nào cũng muốn thắng ở Ukraine và sẽ chỉ dừng chiến (Nga) và dừng giúp Ukraine tiếp chiến (Mỹ) khi đã giành về phần thắng.
Bên ngoài không thể không hiểu ra từ đó là cả hiện tại lẫn trong tương lai đều không có bất cứ cơ hội nào cho đàm phán về giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến ở Ukraine. Thiên hạ còn có thể thấy được qua đó hai người này cá cược số phận và tương lai chính trị của họ vào kết cục của cuộc chiến ở Ukraine.
Nếu Ukraine thua Nga trong cuộc chiến hiện tại ở Ukraine thì ông Biden chắc chắn không có cơ may được cầm quyền thêm nhiệm kỳ nữa ở Mỹ. Nếu Nga không thắng được Ukraine thì ông Putin chắc chắn không còn có thể cầu mong lại đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Nga. Bầu cử tổng thống ở Mỹ và Nga đều sẽ diễn ra trong năm 2024. Vì thế, năm 2023 này sẽ là năm quyết định đối với kết cục cuối cùng của cuộc chiến ở Ukraine.
Diễn biến thứ tư là việc Trung Quốc đưa ra văn bản với tên gọi "Giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine". Sáng kiến ngoại giao này của Trung Quốc bao hàm 12 điểm nội dung. Trong thực chất, nó không phải là đề nghị hoà bình theo nghĩa kinh điển truyền thống của khái niệm mà chỉ là tập hợp những quan điểm cụ thể mà phía Trung Quốc coi là những nguyên tắc chỉ đạo giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Mỹ và EU không chấp nhận sáng kiến ngoại giao này của Trung Quốc trong khi nó được Nga hoan nghênh. Mỹ và EU không chấp nhận vì cho rằng nó chỉ có lợi cho Nga. Những đồng minh quan trọng nhất của Ukraine đã ngại ngần như thế thì làm sao Ukraine có thể chấp nhận để nghị đàm phán hoà bình của Trung Quốc.
Hoạt động ngoại giao trung gian hoà giải này của Trung Quốc tuy chưa phát huy tác dụng ở Ukraine nhưng báo hiệu Trung Quốc đã bắt đầu gây dựng và thể hiện vai trò trong việc xử lý mọi khía cạnh liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Mỹ, EU, NATO, Ukraine và đồng minh có lý do xác đáng để lo ngại sâu sắc về kịch bản Trung Quốc ngả hẳn về phía Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Nói theo cách khác, mức độ và hình thức can dự của Trung Quốc vào cuộc chiến ở Ukraine có thể tác động rất mạnh mẽ và quyết định tới chiều hướng tiếp diễn của chiến sự và kết cục cuối cùng của cuộc chiến ở Ukraine. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga hiện rất tốt đẹp và tin cậy trong khi Mỹ và các đồng minh trong phe Phương Tây gia tăng mạnh mẽ đối phó Trung Quốc và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên mọi phương diện. Vì thế, Trung Quốc sẽ hành động nếu không có lợi cho Nga thì cũng sẽ không bất lợi cho Nga.
Hiện tại đều không thấy cả thiên thời lẫn địa lợi và nhân hoà cho việc chấm dứt và giải quyết mọi hệ luỵ của cuộc chiến ở Ukraine thông qua đàm phán hoà bình. Nga sẽ không từ bỏ những vùng lãnh thổ đã sát nhập trong khi Ukraine không thể từ bỏ chúng còn Mỹ, EU, NATO và đồng minh không dám để cho Nga sau khi có được Crimea hồi năm 2014 giờ lại thay đổi đường biên giới quốc gia ở châu Âu. Chừng nào các bên liên quan còn quyết tâm tìm kiếm giải pháp quân sự thì chừng ấy chiến sự còn quyết liệt ở Ukraine.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.