Khai thác đá vô tội vạ ở Đồng Nai: Chính quyền bất lực?

Trần Phương Thứ bảy, ngày 17/09/2016 06:00 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm nạn khai thác đá. Tuy nhiên hiện nay cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn ảnh hưởng nặng nề.
Bình luận 0

Như báo Dân Việt đã thông tin trước đó về tình hình khai thác đá vẫn đang tiếp tục diễn ra hàng chục năm trời.

Theo một người dân đề nghị không nêu tên cung cấp cho PV, tại địa phương, các “mỏ” khai thác này hầu hết đều có cò “canh chừng”. Khi thấy người lạ chỉ cần bước vào đầu ấp 3 sẽ bị theo dõi ngay. Đây là những đối tượng rất manh động được các chủ mỏ đá thuê dài hạn nhằm cảnh giới để qua mặt các cơ quan chức năng. Chỉ cần có người lạ đến đưa máy ảnh chụp lên thì họ lập tức xuất hiện để “dằn mặt” hay thậm chí hành hung mà không cần hỏi nhiều.

img

Một chiếc xe cẩu đang tiến hành khai thác đá tại ấp 3 xã Sông Trầu. Ảnh: Trần Phương

Theo tìm hiểu của PV, hiện tại xã Sông Trầu có 11 cơ sở đăng ký kinh doanh cưa xẻ đá, nhưng còn có thêm hàng chục doanh nghiệp tổ chức khai thác đá “chui” vẫn ngang nhiên hoạt động lâu nay mà không bị cơ quan chức năng xử lý.

Trong số 11 đơn vị nói trên có 9 đơn vị hoạt động tại ấp 3, 1 đơn vị hoạt động tại ấp 6 và 1 đơn vị hoạt động tại ấp 7 xã Sông Trầu. Thế nhưng các cơ sở trên chỉ có giấy phép kinh doanh chứ không đủ điều kiện khai thác, xuất khẩu đá theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Cảnh Tiến - Trưởng phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, trước đây UBND tỉnh đã có chủ trương quyết liệt ngăn chặn việc này. Nhưng trước tết Nguyên đán 2016, nhiều hộ đã đăng ký sản xuất kinh doanh loại hình này kiến nghị lên sở Tài Nguyên và Môi trường với yêu sách được tiếp tục sản xuất vì đã “lỡ” khai thác. Họ nói nếu tạm dừng đột ngột thì hàng trăm nhân công trên địa bàn tham gia khai thác, chế tác đá sẽ thất nghiệp.

img

Người dân ở xã Sông Trầu khốn khổ vì đoạn đường bị nhiều xe chở đá tải trọng lớn cày nát. Ảnh: Trần Phương

Thế nên Sở TNMT tỉnh Đồng Nai đã rà soát và kiến nghị UBND tỉnh để xin ý kiến. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định tất cả các cơ sở sản xuất trên chế biến hết trữ lượng đá đã thu mua, lưu giữ tại doanh nghiệp đến trước ngày 28.2.2016 rồi phải dừng hẳn.

“Thời gian tiếp theo sẽ quy hoạch lại khu vực khai thác đá với diện tích lên đến 40.000ha. Khu vực này sẽ tập trung các doanh nghiệp kinh doanh đá xa địa bàn dân cư để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông Tiến cho biết.

Trước đó, do tình hình khai thác đá bị người dân phản ánh dữ dội nên ngày 2.4.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định chỉ đạo các các cơ quan chức năng xử lý các tổ chức, cá nhân xuất khẩu khoáng sản trái quy định hiện hành, làm ảnh hưởng cuộc sống người dân theo pháp luật.

Đến ngày 1.9.2016 UBND huyện đã ban hành Thông báo số 168 về việc giao các cơ quan chuyên môn của huyện tham mưu UBND huyện xin ý kiến của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Công thương về quy trình, biện pháp cưỡng chế bằng hình thức ngưng cung cấp điện hoặc xử lý cưỡng chế vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Ông Vương Đăng Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Trầu cho biết: “Sắp tới UBND xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã, thường xuyên giám sát việc ngưng hoạt động của các đơn vị chế biến, cưa xẻ đá nhằm kịp thời báo cáo UBND huyện xử lý những vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản”.

Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem