Khám phá "bảo tàng" kỉ vật vô giá của người lính già miệt mài sưu tập trong suốt 50 năm

Xuân Hậu Thứ sáu, ngày 30/04/2021 06:30 AM (GMT+7)
Gần 50 năm sưu tầm kỉ vật chiến tranh, "gia tài" vô giá của người cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng ngày một lớn. Mỗi kỉ vật đều mang ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt vào những ngày tháng 4 lịch sử của dân tộc.
Bình luận 0

Ngày 18/6/1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Văn Đổng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cùng hơn chục người trong xã nhập ngũ. 

Ông Đổng kể, sau khóa huấn luyện tân binh, ông được điều đi chiến trường B chiến đấu. Chiếc ba lô, bình tông, mũ cối, tăng võng, bát sắt… như là người bạn tâm giao đã theo ông tham gia hết trận chiến này đến chiến dịch khác. 

Ngày 28/8/1969, trong trận đánh tập kích tại sân bay Đức Hòa (tỉnh Long An), Nguyễn Văn Đổng đã bị thương nặng, phải đưa về tuyến sau điều trị. Sau hơn 2 năm chữa trị tại nhiều bệnh xá, bệnh viện, đến tháng 11 năm 1971, ông được đơn vị cho nghỉ phục viên.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng (Vĩnh Phúc) sưu tầm kỉ vật chiến tranh gần 50 năm qua.

Người lính Nguyễn Văn Đổng phục viên trở về quê nhà với tình trạng mất 51% sức khỏe. Với chất lính trong người, cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng luôn đau đáu rằng thế hệ mai sau sẽ không được biết đến sự hy sinh của thế hệ cha ông vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Điều đó đã thôi thúc ông quyết tâm sưu tầm mọi kỉ vật liên quan đến chiến tranh để trưng bày trong nhà mình.

Và bắt đầu từ năm 1972, ông đã lặn lội khắp nơi để sưu tầm. Sau gần 50 năm kiếm tìm, đón nhận và nâng niu từng vật kỉ niệm, hiện ông đang sở hữu hàng trăm kỉ vật chiến tranh, nó được coi là "phần thưởng" vô giá đối với người lính như ông. Đã nhiều lần ông chấp nhận "đi dối cha về dối chú", vượt qua những can ngăn, góp ý của gia đình, bè bạn để ra đi.

Mỗi kỉ vật chiến tranh đối với ông đều vô giá. Dù chúng vô tri nhưng với ông, mỗi hiện vật trưng bày đều "biết nói", "có hồn", như khẳng định sự trường tồn của ký ức ác liệt mà hào hùng của thời trai trẻ, thời áo lính đôi mươi của ông và những người đồng đội năm xưa.

Ông Đổng cho biết, nhiều anh em khi nghe về mục đích sưu tầm kỉ vật chiến tranh của ông là để gìn giữ cho thế hệ trẻ mai sau được biết, được mắt thấy, tay sờ vào kí ức chiến tranh thì vô cùng ủng hộ và muốn góp một phần nhỏ của mình vào không gian kỉ vật "vô giá" đó.

Đến nay, những công lao sưu tầm của ông gần như đã được đền đáp xứng đáng, nỗi lòng của ông đã được giải tỏa. Thế hệ trẻ quê hương ông ở xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường và cả các địa phương khác trong tỉnh Vĩnh Phúc năm nào cũng đến nhà ông từng đoàn, từng đoàn. Có khi cả tháng hè ông tiếp đón hàng chục đoàn các cháu thiếu thi, đoàn viên thanh niên đến thăm quan và nghe ông kể về số phận của những kỉ vật gắn liền với những năm tháng khói lửa chiến tranh của thế hệ cha ông đi trước.

Phóng viên Dân Việt ghi lại hình ảnh về những kỉ vật, là tài sản vô giá của người cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng.

Kho tàng kỉ vật "đồ sộ" của người lính già miệt mài sưu tập trong suốt 50 năm - Ảnh 2.

Góc kỉ vật với ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng ở giữa là một trong số hàng trăm kỉ vật mà Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng sưu tầm gần 50 năm qua.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng và gần 50 năm  sưu tầm cổ vật - Ảnh 3.

Chiếc bình có khắc ghi dòng chữ "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" là phần thưởng trong kháng chiến chống Mỹ của dân tộc được ông lưu giữ cẩn thận.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng và gần 50 năm  sưu tầm cổ vật - Ảnh 4.

Ông Đổng cho biết, chiếc bình in hình phụ nữ cầm súng, thể hiện tinh thần dân tộc ta "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" rất ý nghĩa.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng và gần 50 năm  sưu tầm cổ vật - Ảnh 5.

Chiếc cốc được đánh dấu ra đời năm Mậu Thân 1968 được ông lưu giữ cẩn thận để nhớ về chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng và gần 50 năm  sưu tầm cổ vật - Ảnh 6.

Chiếc mũ cối - biểu tượng của các chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ trong những năm chiến đấu ác liệt thống nhất đất nước.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng và gần 50 năm  sưu tầm cổ vật - Ảnh 7.

Chiếc lược gà được làm từ mảnh vỡ của máy bay khi bị quân dân ta bắn hạ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng và gần 50 năm  sưu tầm cổ vật - Ảnh 8.

Hai bình hoa làm từ mảnh vỡ của máy bay và biểu tượng của đơn vị Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng và gần 50 năm  sưu tầm cổ vật - Ảnh 9.

Chiếc ấm được làm từ vỏ một quả bom của quân đội Mỹ với dòng chữ Kỷ niệm Chiến thắng Khe Sanh 15/4/1968.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng và gần 50 năm  sưu tầm cổ vật - Ảnh 10.

Chiếc bình được làm bằng xác máy bay Mỹ thứ 4000 do dân quân Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc - Phú Thọ) bắn rơi ngày 17/10/1972.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đổng và gần 50 năm  sưu tầm cổ vật - Ảnh 11.

Nhiều cá nhân, tổ chức trả ông tiền tỷ để ông nhượng lại những cổ vật trong nhà nhưng ông đã từ chối, bởi với ông tiền không phải mục đích ông sưu tầm kỉ vật chiến tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem