Chiều nay (14/9), Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với siêu bão Mangkhut do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Chiều nay (14/9), Ban chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với siêu bão Mangkhut do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường chủ trì. Ảnh: Đình Thắng
Thông tin mới nhất về siêu bão Mangkhut, TS Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, hiện nay trên thế giới đang có 9 cơn bão đang hoạt động, trong đó Mangkhut là mạnh nhất. Với cấp gió hiện tại, bão Mangkhut đạt cấp 5 (cấp lớn nhất trong thang bảng quốc tế), mạnh hơn cơn bão Harvy đã đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017 (cấp 4).
Siêu bão Mangkhut đang ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 125,7 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Phạm vi siêu bão Mangkhut có khả năng ảnh hưởng trực tiếp là khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá (gồm 27 tỉnh/tp), với cường độ rất mạnh (cấp 11-12, giật cấp 14) và gây mưa lớn cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Ảnh: nchmf
Dự báo trong 24-72 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và đi vào Biển Đông vào trưa 15/9. Khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16-17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18/9.
Phạm vi siêu bão Mangkhut có khả năng ảnh hưởng trực tiếp là khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá (gồm 27 tỉnh/thành phố) với cường độ rất mạnh (cấp 11-12, giật cấp 14) và gây mưa lớn cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
TS Hoàng Đức Cường cho hay, cơn bão này sẽ khiến gió rất mạnh, vùng gió mạnh cấp 6-7 có phạm vi ảnh hưởng 500km, vùng gió mạnh trên cấp 10 có phạm vi ảnh hưởng hơn 200km. Bão sẽ khiến biển động dữ dội, sóng cao tới 14 mét ở khu vực Bắc Biển Đông, cao 5 mét ở quần đào Hoàng Sa, giữa biển Đông; tổ hợp nước biển dâng và sóng ở khu vực ven bờ cao từ 4-5 mét.
"Bão cũng gây mưa lớn, mưa bắt đầu từ 17-19/9, tổng lượng mưa 200-350mm. Khu vực miền núi phía Bắc phổ biến 200mm, có nơi lên tới 250mm. Mưa lớn lũ gây lũ ở hồ Hoà Bình, đây là vấn đề rất quan ngại, hệ thống sông Thao lũ lên mức báo động 3.
Vấn đề lũ, lũ quét cũng rất đáng lưu tâm, TS Hoàng Đức Cường nhận định trọng điểm lũ, lũ quét ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hoá.
Đánh giá chi tiết về khu vực bão đổ bộ, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho hay, đó là khu trung tâm kinh tế, xã hội của vùng với số lượng dân tập trung đông. Các hoạt động trên biển, đảo, đới bờ và đất liền với số lượng rất lớn, đặc biệt là du lịch ven biển và trên các đảo, nuôi trồng thuỷ sản.
Các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều hoạt động khai thác khoáng sản; dân cư, hệ thống công trình giao thông, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất trong các đợt mưa lũ trước đang được khắc phục bước đầu.
Hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi có nhiều trọng điểm, xung yếu; các hồ chứa thuỷ điện trên lưu vực sông Hồng và hầu hết hồ chứa khác ở Bắc Bộ đến Nghệ An đã đầy nước.
Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn, xong trước 10 giờ ngày 16/9.
Gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; thu hoạch sớm các khu nuôi trồng thuỷ sản; Tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven sông, ven biển đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 16/9/2018.
Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển; Tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; tiêu gạn nước đệm để chống úng.
Cấm giao thông trên các vị trí trọng điểm đặc biệt là với cầu vượt biển; Bảo vệ an toàn đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển bị sự cố, có phương án ứng phó kịp thời; Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện và thông tin liên lạc; sẵn sàng lực lượng, vật tư để khắc phục ngay các sự cố.
Triển khai ngay các tổ đội xung kích tại các thôn, bản kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh; Tổ chức di dời dân cư vùng có nguy cơ cao; Đảm bảo thông tin liên lạc, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, sẵn sàng phương tiện để khắc phục giao thông khẩn cấp với các khu vực có nguy cơ bị chia cắt.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Bộ NNPTNT tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự, điều phối giao thông khi có yêu cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.