Khi nông dân giải đáp được câu hỏi "Trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả?" nhờ Hội

Khải Phong Thứ ba, ngày 03/02/2015 11:17 AM (GMT+7)
2 năm qua, 600 triệu đồng từ ngân sách thành phố, Hội Nông dân (ND) TP. Đà Nẵng đã giúp nông dân có vườn tạp kém hiệu quả ở Hòa Vang trả lời câu hỏi nan giải từ nhiều thập niên: “Trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả?"
Bình luận 0

Câu trả lời đã được xác định cho Hòa Vang là: Cam, bưởi, mít, chanh, bồ câu lai Pháp, thỏ, gà Ai Cập. Chương trình này được khẳng định là cách làm sáng tạo, hiệu quả của Hội ND TP. Đà Nẵng.

Khảo sát đến từng hộ

img
Cán bộ Hội ND tham gia cải tạo vườn tạp cùng nông dân xã Hòa Phú (Hòa Vang).   

Theo ông Nguyễn Phú Ban –Chủ tịch Hội ND TP.Đà Nẵng, vì kinh phí hạn chế nên Hội không thực hiện tràn lan mà chọn điểm để đầu tư. Hội chọn 70 hộ ND ở nhiều xã để tập huấn chương trình. “Một mặt chúng tôi đưa cây, con mới về, một mặt chúng tôi chọn những cây, con truyền thống tại địa phương, giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với yêu cầu sinh thái của địa phương và nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng để sản xuất”. Riêng về cây, trên cơ sở nhóm cây chính nói trên, Hội tiến hành trồng ở các vườn đã chọn theo xu hướng mỗi vườn chỉ trồng 1 loại cây; trong trường hợp đặc biệt, vườn có diện tích từ 2.000m2 trở lên có thể trồng 1-2 loại cây, nhưng theo quy hoạch cụ thể cho từng cây.

 

Về chăn nuôi, Hội ND TP.Đà Nẵng chú trọng các loại vịt xiêm, gà Ai Cập hướng trứng, bồ câu lai Pháp. Một đối tượng vật nuôi khác được quan tâm là con cá. Những hộ tham gia chương trình có ao nuôi cá được hỗ trợ thực hiện việc nạo vét, sửa chữa ao. Chất lượng nước nuôi cá đảm bảo đã tạo điều kiện cho cá phát triển nhanh hơn, hiệu quả cao hơn, giảm việc thất thoát cá ra ngoài.

Ông Nguyễn Đình Khánh Vân – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Hoà Vang, người trực tiếp tổ chức thực hiện chương trình này từ cơ sở cho biết: Dự án cải tạo vườn tạp ở Hoà Vang thì nhiều nhưng với chương trình này, Hội ND có cách làm riêng, sáng tạo. Trước khi đầu tư, chúng tôi tiến hành khảo sát từng hộ một. Sau khi sàng lọc trên 100 hộ, chọn được 70 hộ, chúng tôi tiến hành tập huấn kỹ thuật; giúp bà con thiết kế vườn mẫu (theo 3 mô hình: Nhà ở giữa vườn, nhà bên trái hoặc bên phải vườn). Khi đưa giống cây con về, chúng tôi kiểm tra bà con trồng, chăn nuôi có đúng kỹ thuật không. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi lại thường xuyên có mặt xem có cây, con nào chết thì thay thế… Nhờ bám sát như thế, 70 hộ tham gia chương trình đều có cây, con phát triển tốt, hiệu quả. Theo ông Nguyễn Phú Ban, để thực hiện chương trình này, ông đã huy động một lực lượng lớn cán bộ kỹ thuật (kỹ sư trồng trọt, kỹ sư chăn nuôi…) là cán bộ hội cùng tham gia. “Không có chuyện tuyên truyền suông, chúng tôi hướng dẫn đi đôi với thực hành mẫu để nông dân làm theo đúng kỹ thuật bài bản” – ông Ban cho biết.

Để ND không hụt hẫng về thu nhập khi tham gia chương trình, Hội ND tổ chức trồng xen cây ăn quả lâu năm với những cây ngắn ngày. Tại xã Hòa Tiến, ngoài những cây trồng chính như mít, bưởi thì Hội ND cho bà con trồng xen chuối, đậu phụng (lạc). Ở các xã Hòa Khương, Hoà Châu, Hoà Phú, bà con trồng xen mít, bưởi với chuối, đậu phụng, rau…

Hội viên và chính quyền đều tín nhiệm

Quan điểm
img
Ông Nguyễn Phú Ban
  Với chương trình này, chúng tôi muốn chứng minh, Hội không chỉ là cơ quan phối hợp, chỉ biết vận động, tuyên truyền suông, mà còn là cơ quan có chuyên môn, có thể độc lập tổ chức, thực hiện, đầu tư các chương trình, dự án lớn, phức tạp, có ý nghĩa lớn về kinh tế – xã hội.  
Do chương trình chỉ mới tiến hành 2 năm, nên Hội chưa đánh giá được hiệu quả cây lâu năm. Còn những mô hình chăn nuôi đã cho hiệu quả cụ thể. Ông Nguyễn Lò – Chi hội trưởng Chi hội ND thôn Dương Sơn (Hoà Tiến, Hoà Vang) cho biết: “Trước đây, tôi nuôi nhiều loại con, thu nhập không cao. Theo hướng dẫn của Hội ND, tôi chuyên một loại con là bồ câu lai Pháp. Hội đã tập huấn cho tôi cách nuôi, đồng thời hỗ trợ cho tôi 10 cặp bồ câu giống (giá trị 4 triệu đồng) và 2 triệu đồng để làm nhà cho bồ câu ở. Qua quá trình nuôi, tôi thấy hiệu quả và đầu tư thêm 60 cặp bồ câu giống. Điều tôi an tâm nhất là hướng nuôi này không phải băn khoăn về đầu ra, 2 năm qua, có những thời điểm, tôi không có bồ câu để bán cho thị trường, cả bồ câu giống và bồ câu ra ràng, có những tháng lãi vài chục triệu đồng”.

 

Ghi nhận từ góc độ chính quyền, ông Đặng Phú Hành – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang đánh giá: Chương trình cải tạo vườn tạp do Hội ND thành phố tổ chức thực hiện 2 năm 2013-2014 đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hoà Vang; giúp cho nhiều hộ ND thoát được nghèo và mở ra hướng làm ăn mới. Rất nhiều hộ đã có thu nhập cao. Quan trọng hơn, từ 70 hộ ND làm điểm, hiện nay chương trình cải tạo vườn tạp đã lan rộng ra hàng trăm hộ ND, đưa nghề làm vườn ở Hòa Vang chuyển mạnh theo hướng thị trường, với giá trị nhiều trăm triệu đồng/ha.

Chương trình cải tạo vườn tạp do Hội ND làm chủ dự án ở Hòa Vang được coi là một điểm sáng trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Đà Nẵng. Từ chương trình này, vai trò, vị trí của Hội ND các cấp ở Đà Nẵng đã được nâng cao rất nhiều trong mắt hội viên, ND cũng như trong các cấp chính quyền. Sự tín nhiệm ấy được thể hiện trong quyết định của UBND TP.Đà Nẵng mới đây, khi thành phố thông báo đồng ý triển khai tiếp chương trình cải tạo vườn tạp tại huyện Hoà Vang trong năm 2015. Chương trình vẫn tiếp tục do Hội ND TP.Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem