Tạo cơ chế hỗ trợ người nghèo

HUỲNH XÂY Thứ tư, ngày 21/01/2015 06:37 AM (GMT+7)
“Chất lượng tín dụng của khu vực này đã được cải thiện” - đó là nhận định chung của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết Đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực ĐBSCL giai đoạn 2012-2014”.
Bình luận 0

Hội nghị diễn ra ngày 20.1, tại Cần Thơ, do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức.

Nợ quá hạn còn dưới 2%

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH, cuối năm 2011, hoạt động tín dụng chính sách vùng ĐBSCL đã phát sinh nhiều mặt hạn chế dẫn đến chất lượng tín dụng thấp, nợ xấu chiếm tỷ lệ cao (gấp 2 lần bình quân chung của cả nước), lãi tồn đọng lớn (chiếm hơn 1/3 lãi tồn đọng của cả nước)... Vì vậy, lúc đó vùng ĐBSCL được xem là “vùng trũng” về chất lượng tín dụng.

img

Vay vốn tại điểm giao dịch Chi nhánh Ngân hàng CSXH Tiền Giang.  

Đánh giá về kết quả thực hiện đề án nói trên, ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: “Rất mừng là đề án được các ngành, các cấp có liên quan phối hợp thực hiện tốt. Đến nay, chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, nợ quá hạn đã dưới 2%”.

 

Thành công nổi bật của Ngân hàng CSXH trong 3 năm thực hiện đề án là giảm nợ quá hạn. Đến cuối tháng 12.2014, tổng nợ quá hạn của vùng là trên 160 tỷ đồng, giảm trên 474,7 tỷ đồng (giảm 74,8%). 13/13 tỉnh, thành phố thực hiện đề án đều hoàn thành kế hoạch hoặc vượt kế hoạch đề ra. Ông Võ Minh Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH thông tin: “Ngoài thực hiện giảm nợ quá hạn, việc củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được các chi nhánh thực hiện tốt. Số Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại tốt tăng từ 15.927 tổ lên 28.217 tổ, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề án 7,8%”. Nhiều chỉ tiêu khác về an toàn tín dụng cũng đạt và vượt kế hoạch.

Không cho vốn, chỉ tạo cơ chế hỗ trợ

Ông Hiệp cho biết thêm, nợ quá hạn đã giảm nhiều nhưng tỷ lệ của khu vực ĐBSCL vẫn còn ở mức cao so với mức bình quân cả nước. Một số chương trình vẫn tiềm ẩn rủi ro dẫn đến gia tăng nợ quá hạn như chương trình nhà ở hộ nghèo, nước sạch - vệ sinh môi trường, cho vay xuất khẩu lao động.

Ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH nhận định: Đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng ĐBSCL” rất thiết thực và đã đạt được nhiều kết quả, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo, được bà con nông dân hưởng ứng. Chúng ta không cho không vốn mà tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ để bà con nghèo làm ăn. “Thời gian tới, các chi nhánh cần rà soát lại các chương trình cho vay, chương trình nào không hiệu quả thì đề xuất bỏ, tập trung thực hiện các chương trình có hiệu quả tốt. Ngoài ra, các chi nhánh tiếp tục khuyến khích phát triển các mô hình tổ hợp tác, tổ chức hướng nghiệp để bà con làm ăn kinh tế, có như vậy người dân mới thoát nghèo bền vững” – ông Bình yêu cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem