Khó loại bỏ tín dụng đen

Phương Hà (thực hiện) Thứ hai, ngày 14/09/2015 15:57 PM (GMT+7)
Mổ xẻ về tín dụng đen đang tồn tại, gây những hệ quả khó lường thời gian qua, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Khó có thể loại bỏ nó mà chỉ có thể hạn chế những tác động tiêu cực bằng cách cần sớm có “chương trình giáo dục về tài chính mang tầm quốc gia”.
Bình luận 0

Thưa ông, 8 tháng đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng tăng trưởng hơn 10%. Theo đánh giá của ông nhu cầu về vốn trên thực tế cao hơn nhiều hay không?

- Nhu cầu vay vốn của nền kinh tế luôn luôn rất lớn mà con số công bố về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đó mới chỉ là tín dụng đã được chấp thuận, được tung ra thị trường. Còn thực sự nhu cầu ở ngoài còn rất nhiều những cá nhân và doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN vừa và nhỏ vẫn chưa vay vốn được. Do đó, nhu cầu rất lớn mà ngành ngân hàng chỉ đáp ứng được một phần.

img

Do chưa tiếp cận được nhiều với các ngân hành, người dân đã phải tìm đến tín dụng  đen (ảnh minh họa). Ảnh: IT

Tuy nhiên năm nay tăng trưởng tín dụng tốt hơn năm ngoái do nền kinh tế có chút hồi phục, bất động sản ấm lên… nên nhu cầu vay vốn tăng và các ngân hàng cũng có thanh khoản để đáp ứng. Thành ra tăng trưởng tương đối tốt so với năm ngoái.

Thực ra rất khó có thể định lượng được nhu cầu thực là bao nhiêu vì nhiều thành phần họ không vay được vốn thì không có thống kê nào cho biết. Tôi nghĩ mức cầu ít nhất gấp đôi số dư nợ tăng trưởng thống kê được.

Cũng theo thống kê còn tới 60% DN trong nước không tiếp cận được vốn hầu hết do không đáp ứng được thủ tục. Doanh nghiệp đã vay liệu người dân, hộ gia đình nông thôn sẽ còn khó khăn như thế nào. Liệu có phải vì lý do đó mà tín dụng đen phát triển và lộng hành?

- Nếu kể cả người dân và hộ gia đình nông thôn có nhu cầu vay vốn thì theo dự đoán của cá nhân tôi ít nhất cũng phải gấp 4 lần con số tín dụng tăng trưởng.

Đây là một lý do mạnh nhất để tín dụng đen phát triển. Rất nhiều DN, hộ gia đình có nhu cầu về vốn nhưng không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng nên họ phải “chạy” vào tín dụng đen.

Nhưng giả sử ngân hàng có đáp ứng được nhu cầu của dân chúng và DN thì tín dụng đen vẫn là một lĩnh vực có thể hoành hành được. Vì những người muốn vay vốn nhất thiết phải đáp ứng những thủ tục như: Lý lịch cá nhân, công ty thì phải không có nợ xấu… và những quy định thông thường của ngân hàng. Và ngay cả khi ngân hàng có thể đáp ứng được nhu cầu về lượng vốn của toàn xã hội thì vẫn có một lượng khách hàng không nhỏ bị loại ra khỏi thị trường vốn của ngân hàng do họ không đáp ứng được nhưng quy định về thủ tục. Chính vì vậy luôn luôn có một mảnh đất để tín dụng đen phát triển.

Tuần qua, tại một cuộc hội thảo về tín dụng đen nhiều ý kiến của chuyên gia, luật sư… đều cho rằng sở dĩ người vay tìm đến tín dụng đen là do thiếu hiểu biết. Theo ông lý do này có thuyết phục?

-Không thể triệt tiêu được mảnh đất của tín dụng đen, cũng như khó để tìm ra giải pháp hạn chế người dân tìm đến với tín dụng đen, bởi trong bất cứ thời điểm nào thì cũng có một số thành phần phải vào tín dụng đen để vay vốn vì không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Và nhu cầu của họ là không thể phủ nhận. Và ngay cả những người đi vay từ họ hàng, bạn bè, người quen… thì vẫn coi là tín dụng đen. Và dù không phải là với lãi suất cắt cổ thì cũng là loại  hình tín dụng phi  chính thức do không có hợp đồng tín dụng giữa hai bên.

Thậm chí tại thời điểm này còn phải xét đến khía cạnh tích cực của kênh cho vay này vì nó đang đáp ứng nhu cầu thực của khách hàng. Nó là một kênh tài chính bổ sung cho kênh tài chính truyền thống do kênh đó hạn chế về tài chính và thủ tục.

Có phải vì vậy mà thậm chí theo thống kê của cơ quan chức năng với lãi suất cao gấp tới 128 lần so với lãi suất ngân hàng, biết nguy hiểm nhưng người dân vẫn chấp nhận vay tín dụng đen? Phải chăng khó có giải pháp với tín dụng đen?

 "Tôi cho rằng chỉ có thể hạn chế những mặt trái của tín dụng đen bằng cách xây  dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ và quan trọng là ngay lúc này phải có định nghĩa thế nào là tín dụng đen. Chứ hiện nay vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng mà mới chỉ có luật hình sự và luật dân sự quy định loại hình vay nào là không được phép thôi”.
-  Chuyên gia Ngô Trí Hiếu 

- Tôi cho rằng chỉ có thể hạn chế những mặt trái của tín dụng đen bằng cách xây  dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ và quan trọng là ngay lúc này phải có định nghĩa thế nào là tín dụng đen. Chứ hiện nay vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng mà mới chỉ có luật hình sự và luật dân sự quy định loại hình vay nào là không được phép thôi. Chẳng hạn  chỉ quy định lãi suất cho vay trên 150% lãi suất cơ bản là không được. Cũng  như chưa có quyết định rõ ràng loại tín dụng nào là loại bị cấm. Đồng thời cơ quan quản lý phải có biện pháp xử phạt nghiêm khắc kết hợp với truyền thông tích cực.

Vậy theo ông, giải pháp truyền thông tích cực là thế nào và  chúng ta cần phải làm những gì để hạn chế tín dụng đen? Bởi không thể chỉ nói tuyên truyền là đủ vì nhu cầu vốn là nhu cầu có thực. Họ không vay được nơi này thì buộc phải tìm vay ở nơi khác?

-   Tôi cho  rằng cần sớm  có các chương trình truyền thông của Chính phủ. Trước đây khi tôi còn làm ngân hàng bên Mỹ thì ngân hàng của tôi được Chính phủ Mỹ giao cho một chương trình tuyên truyền có tên “Money smart” (Đồng tiền khôn ngoan). Chương trình này dạy cho mọi người, dân chúng, khách hàng, kể cả lứa  tuổi học sinh những kiến thức rất cơ bản xung quanh lĩnh vực tài chính tiền tệ như: Làm sao để nhận biết tiền giả, tại sao phải có tài khoản ngân hàng, thế nào là vay nặng lãi... Những kiến thức này được phổ biến trên tất cả phương tiện truyền thông. Ở một xã hội phát triển mà họ còn phải chú trọng đến những kiến thức như vậy thì tại sao một nước còn đang phát triển như chúng ta hiện nay lại bỏ qua.

Do đó, tôi nhấn mạnh  là rất nên sớm có chương trình giáo dục về tài chính mang tầm quốc gia để tất cả người dân từ bé đến lớn, tùy từng lứa tuổi có thể hiểu những kiến thức về đồng tiền và sử dụng đồng tiền trong xã hội.

Xin cảm ơn ông!

  Thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), từ năm 2010 đến nay, cả nước có hơn 49.000 vụ việc về tín dụng đen; trong đó, 2.300 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, với số tiền thiệt hại 5.500 tỷ đồng. Tội phạm từ tín dụng đen có 5 vụ giết người, 31 vụ cướp tài sản và 92 vụ cưỡng đoạt tài sản. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem