Không để vốn “đi lạc” đối tượng vay

Chúc Ly Thứ tư, ngày 20/05/2015 12:19 PM (GMT+7)
“Tôi may mắn được Hội ND giới thiệu cho vay vốn của ngân hàng, lại được Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn làm ăn. Nhờ đó mà tôi thoát nghèo, tập trung làm ăn để nhanh chóng trả nợ cho ngân hàng và yên tâm sản xuất”.
Bình luận 0

Đó là tâm sự của ông Danh Ẩn - người Khmer ở phường 4, TP.Vị Thanh (Hậu Giang). Được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để làm ăn, đến nay ông không những thoát nghèo mà còn vươn lên có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.

Chọn đúng đối tượng vay vốn

Ông Danh Ẩn là 1 trong gần 40.000 người được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hậu Giang. Được vay vốn, họ có điều kiện đầu tư làm ăn, ổn định cuộc sống và phát triển tốt hơn so với trước. Kết quả đó là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng với các hội đoàn thể, xây dựng kênh dẫn vốn hiệu quả đến người thụ hưởng thông qua tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV).

img
Được vay vốn kịp thời, nhiều nông dân xã Long Bình, huyện Long Mỹ đầu tư 
sản xuất hiệu quả và đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ảnh: Chúc Ly
Ông Nguyễn Văn Còn – Tổ trưởng tổ TKVV (thuộc chi Hội ND) khu vực I, phường 4, TP.Vị Thanh cho biết: Để vốn vay phát huy hiệu quả, chọn đúng đối tượng cho vay là điều quan trọng đầu tiên, phải đảm bảo phù hợp với điều kiện cho vay của ngân hàng và là hộ thực sự cần đến nguồn vốn. Mỗi khi chọn đối tượng cho vay phải thông qua tổ, có buổi bình xét công khai và có sự chứng kiến của trưởng khu vực, sau đó sẽ đưa danh sách lên UBND phường xác nhận. “Hiện tổ do tôi quản lý có 53 hộ, tổng dư nợ là 881 triệu đồng, các hộ đều có phương thức sản xuất cụ thể; mỗi tháng huy động tiết kiệm trung bình 2 triệu đồng” - ông Còn nói.

 

Nhấn mạnh thêm về ý nghĩa của việc bình chọn đúng đối tượng vay vốn, ông Nguyễn Minh Vương – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Hậu Giang cho rằng, một khi khâu bình xét cho vay được đảm bảo công khai, dân chủ và đúng đối tượng sẽ góp phần hạn chế tình trạng hộ vay sử dụng vốn không đúng mục đích hoặc bỏ địa phương đi làm ăn xa.

Số dư tiền gửi tiết kiệm đạt hơn 30 tỷ đồng

Cũng theo ông Nguyễn Minh Vương, Hội NDVN và các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác đã phối hợp tốt với Trưởng ấp (khu vực), tổ TKVV thực hiện đúng quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách được Ngân hàng CSXH ủy nhiệm. Chất lượng tín dụng của Ngân hàng CSXH tỉnh Hậu Giang được nâng lên đáng kể nhờ sự đóng góp không nhỏ của các Hội đoàn thể, thông qua các tổ TKVV, nhất là trong kiểm tra, đôn đốc và thu hồi lãi cũng như huy động tiết kiệm trong hộ vay.

Đánh giá sự phối hợp của Hội với Ngân hàng CSXH trên địa bàn, ông Châu Minh Tiến – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hậu Giang nhận định, Hội ND tỉnh và chi nhánh Ngân hàng CSXH luôn có sự phối hợp trong việc kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc trong quá trình thực hiện ủy thác. Công tác củng cố, sắp xếp, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của Hội cơ sở và tổ TKVV được quan tâm, chú trọng thực hiện. Việc báo cáo, tham mưu và phối hợp với UBND cấp xã trong việc rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, cận nghèo để cho vay kịp thời, đúng quy định được duy trì.

Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 2.291 tổ TKVV; dư nợ bình quân 650 triệu đồng/tổ. Trong đó, 1.588 tổ loại tốt (69,31%), 513 tổ loại khá (22,39%), còn lại là đạt. Số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TKVV đến cuối quý I/2015 đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng 940 triệu đồng so cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn cao hơn năm 2014, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng (tỷ lệ trên 40%).

  Dư nợ nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH tỉnh của Hội ND tỉnh Hậu Giang đến cuối quý I năm 2015 là gần 560 tỷ đồng (đạt hơn 38% tổng dư nợ thông qua các hội đoàn thể của ngân hàng). Toàn tỉnh có 869 tổ TKVV thông qua Hội ND với 39.478 hộ vay.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem