Không thể sống với cây mía, nông dân Cà Mau "xé rào" nuôi tôm

Chúc Ly Chủ nhật, ngày 14/05/2017 08:40 AM (GMT+7)
Khi cây mía không còn được ưa chuộng, giá cả bấp bênh, nông dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đánh liều chuyển đổi qua những mô hình nuôi trồng khác có hiệu quả. Điều này dẫn đến vùng nguyên liệu mía của tỉnh có nguy cơ bị “xóa sổ” khi diện tích ngày càng bị thu hẹp.
Bình luận 0

Con tôm lấn át cây mía

Trước những năm 2000, cây mía tại huyện Thới Bình bước vào giai đoạn phát triển mạnh nhất, với diện tích có lúc lên đến 7.000ha, tập trung nhiều ở các xã Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch, Biển Bạch Đông. Từ đó, hình thành vùng mía nguyên liệu mía chủ lực của tỉnh Cà Mau.

img

Gia đình bà Nguyễn Thị Cẩn thu hoạch mía trên diện tích còn lại.  Ảnh:  C.L  

Ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho biết, hiện tỉnh không còn quy hoạch vùng mía nguyên liệu tại địa phương, nên diện tích mía còn lại rất ít, tập trung hoàn toàn tại huyện Thới Bình. Phần diện tích mía còn lại được định hướng chuyển đổi qua làm mô hình có hiệu quả hơn, như tôm – lúa hoặc trồng màu.

Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, giá mía bấp bênh khiến người dân vùng quy hoạch trồng mía trong tỉnh lâm vào cảnh lao đao. Điều này dẫn đến tình trạng tuy chưa có chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất, nhưng một bộ phận nông dân đánh liều bỏ mía, xé rào thực hiện mô hình tôm - lúa (làm 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm).

Khi nước mặn ồ ạt đổ về vùng ngọt, con tôm thay dần cây mía. Đến khoảng năm 2010, diện tích mía của tỉnh chỉ còn khoảng 2.900ha. Và đến năm 2014, giá mía nguyên liệu xuống tới đáy, có lúc chỉ còn 500 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi thương lái không thèm mua, khiến diện tích mía sụt giảm nghiêm trọng.

Từ năm 2013-2015, có hơn 1.000ha đất mía được chuyển qua trồng hoa màu và lúa – tôm. Đã có lúc nông dân huyện Thới Bình đốt mía để chuyển đổi đất sản xuất sang mô hình nuôi trồng khác, mặc sự khuyến cáo, ngăn cản của chính quyền.

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi sản xuất qua mô hình lúa - tôm đã chứng minh được hiệu quả, diện tích chuyển đổi ngày càng tăng. Từ thực tế đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng đã quy hoạch lại vùng nguyên liệu, mở ra hướng mới để người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao giá trị.

Xây dựng quy hoạch mở cho vùng mía

Theo đánh giá của bà con nông dân, trong thực tế sản xuất, mỗi ha mía cho thu hoạch khoảng 70 tấn, mỗi tấn bán thu cao nhất là 1 triệu đồng, chi phí chiếm hơn 50%. Như vậy, lợi nhuận nông dân thu được chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng/ha, lại khá bấp bênh. Trong khi đó, sản xuất mô hình lúa - tôm đạt lợi nhuận từ 50-60 triệu đồng/ha.

img

Nhiều năm nay người dân huyện Thới Bình đã "xé rào" chuyển sang làm mô hình lúa-tôm. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Lão nông Nguyễn Văn Tài (ngụ xã Trí Lực, huyện Thới Bình), người có hơn 30 năm gắn bó với cây mía, cũng đã quyết định bỏ mía chuyển qua làm lúa - tôm. Ông Tài cho biết, cách đây vài năm, một số hộ xé rào chuyển đổi mô hình sản xuất, chính quyền xã không cho phép, cán bộ xã đến lập biên bản. “Dù không được phép nhưng với sức hấp dẫn lợi nhuận từ mô hình nuôi tôm, gia đình tôi đưa cơ giới vào chuyển 5ha đất trồng mía sang nuôi tôm, lúc này không thấy ai đến lập biên bản. Mô hình nuôi tôm có lợi nhuận cao hơn so với trồng mía rất nhiều, lại khỏe hơn nên nông dân chuyển đổi rất nhiều” - ông Tài chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Cẩn (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) cũng là một hộ bỏ mía chuyển sang nuôi tôm, cho biết: Vài năm trước giá mía quá thấp, chỉ 500 đồng/kg khiến bà bị thua lỗ nặng. Thấy vậy, năm rồi gia đình bà chuyển 45 công (khoảng 1.300m2) mía sang mô hình lúa - tôm, chỉ còn chừa lại 15 công đất trồng mía.

“Mới đây sau khi thu hoạch lúa, gia đình đã thả vụ tôm đầu tiên, đến nay đã thu hoạch được hơn 40 triệu đồng từ con tôm. Còn diện tích 16 công mía còn lại, do giá cả thất thường, tôi ít chăm bón, dẫn đến cây mía năng suất kém, nên dù giá mía đang lên cao nhưng đợt này chắc chỉ huề vốn. Hiện nay đi đến đâu cũng thấy bà con chuyển đổi sang mô hình khác, cây mía giờ chỉ là chuyện của quá khứ” - bà Cẩm bộc bạch.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thới Bình, cho biết: Hiện diện tích trồng mía của địa phương chỉ còn lại khoảng 700ha, các vườn mía còn lại nằm đan xen với các vuông tôm nên dễ bị nhiễm mặn, giảm năng suất. Trong khi đó, thời gian vừa qua giá mía bấp bênh nên gây nhiều khó khăn cho bà con nông dân.

Cũng theo ông Lâm, trên thực tế, hiệu quả từ mô hình lúa - tôm cao hơn trồng mía từ 1,5 – 2 lần. Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, vùng mía sẽ có chủ trương chuyển đổi. Đến năm 2020 khả năng chỉ giữ lại khoảng 300ha ở những diện tích tập trung. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem