Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: SAV)
Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, ngày 31.8.2018, Đoàn công tác Vụ Các vấn đề tài khóa (FAD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới do ông Fabien Gonguet – chuyên gia kinh tế làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với một số đơn vị chức năng của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về việc triển khai đánh giá quản lý đầu tư công.
Tại buổi làm việc, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Trương Văn Tạo cùng đại diện các đơn vị chức năng của KTNN đã chia sẻ thông tin và trực tiếp trả lời, giải đáp tất cả các câu hỏi của Đoàn công tác.
Sai phạm từ khâu phê duyệt
Về tình trạng chậm chễ trong triển khai đầu tư công, ông Trương Văn Tạo cho biết, năm 2014, cả nước có 39.173 dự án đang thực hiện đầu tư. Trong đó, 17.638 dự án khởi công mới (16.750 dự án nhóm C chiếm 95%), 14.419 dự án kết thúc đầu tư đưa vào sử dụng.
2.869 dự án chậm tiến độ, trong đó, 1.063 dự án chậm tiên độ do công tác giải phóng mặt bằng; 659 dự án chậm tiến độ do bố trí vốn không kịp thời; 248 dự án chậm tiến độ do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu; 304 dự án chậm tiên độ do thủ tục đầu tư; 557 dự án chậm tiến độ do các nguyên nhân khác.
Năm 2015, còn 14 dự án hoàn thành, bàn giao trước ngày 31.12.2014 và 39 dự án dự kiến hoàn thành năm 2015 chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn.
|
Qua kết quả kiểm toán các dự án đầu tư cho thấy công tác phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án chưa căn cứ theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 hoặc chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Một số đơn vị chưa lập, trình phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành theo quy định để làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án.
Còn tình trạng phê duyệt dự án đầu tư khi chủ trương đầu tư chưa được phê duyệt, chưa đủ thủ tục, không phù hợp với quy hoạch vùng, không phù hợp với kế hoạch đầu tư hoặc trùng lắp với dự án khác đã được phê duyệt; quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, thời gian thực hiện dự án; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn.
Một số dự án thực hiện đầu tư khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; hồ sơ khảo sát còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác, chưa phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình thiết kế.
Thiết kế kỹ thuật chưa tuân thủ thiết kế cơ sở hoặc chưa phù hợp với thực tếbdẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thi công tại nhiều dự án; phê duyệt dự toán còn sai sót, có trường hợp tổng giá trị dự toán được duyệt vượt tổng mức đầu tư.
Tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm so với kế hoạch ban đầu hoặc chậm được đưa vào sử dụng làm giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Hồ sơ quản lý chất lượng công trình còn thiếu sót, không đầy đủ xảy ra ở hầu hết các dự án; công tác giám sát thi công ở một số dự án không chặt chẽ theo quy định; một số dự án chủ đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo giám sát đầu tư; chất lượng thi công một số hạng mục chưa đảm bảo, có hiện tượng nhanh bị xuống cấp, hư hỏng…
Công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót; còn tình trạng nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng chưa thi công hoặc không đúng thực tế…
Qua kiểm toán trong 3 năm 2015, 2016, 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 24.561 tỷ đồng. Năm 2015 là 2.037 tỷ đồng, năm 2016 là 12.399 tỷ đồng, năm 2017 là 10.125 tỷ đồng.
Bộ GTVT tham mưu chỉ định thầu 22 dự án ngoài quy định
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong quản lý dự án ODA, dự án PPP qua kết quả kiểm toán của KTNN.
Dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình đội vốn 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng, xây 17 năm chưa xong (Ảnh minh họa)
Về đấu thầu các dự án đầu tư, hầu hết các dự án PPP được chỉ định nhà đầu tư làm giảm tính cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn phải nhà đầu tư không đủ năng lực. 74/75 dự án được chỉ định nhà đầu tư trong đó Bộ GTVT đã tham mưu trình TTCP chấp thuận chỉ định thầu 22 dự án ngoài quy định, lựa chọn một số nhà đầu tư chưa đảm bảo năng lực theo quy định.
Công tác lựa chọn nhà thầu đối với các dự án sử dụng vốn ODA còn bị hạn chế do bị ràng buộc bởi quy định của nhà tài trợ (quốc gia của nhà thầu, tỷ lệ hàng hóa và dịch vụ từ quốc gia cho vay vốn…);
Hồ sơ mời thầu (hồ sơ yêu cầu) của một số dự án chưa đầy đủ theo quy định, một số hồ sơ mời thầu còn nêu rõ yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, tiên lượng không phù hợp với hồ sơ thiết kế; phê duyệt hồ sơ mời thầu, kế hoạch đấu thầu chưa đúng quy định; hồ sơ dự thầu (hồ sơ đề xuất) của một số nhà thầu chưa tuân thủ đầy đủ yêu cầu của hồ sơ mời thầu; quá trình chấm thầu vẫn còn sai sót; áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định; công tác thương thảo, ký kết hợp đồng chưa đảm bảo theo quy định, một số điều khoản hợp đồng ký kết còn thiếu chặt chẽ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.