Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư

Văn Hoàng Thứ tư, ngày 26/05/2021 16:14 PM (GMT+7)
Đại diện của 18 tổ chức bảo tồn thiên nhiên đã gửi Thư ngỏ lên Thủ tướng Chính phủ nhằm kiến nghị 6 giải pháp bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư.
Bình luận 0
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư - Ảnh 1.

Hình ảnh chim hoang dã bị săn bắt, giết thịt trái phép đăng tải trên Báo điện tử Dân Việt cuối tháng 12/2020.

Trong thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ 4 đang có nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nạn buôn bán tràn lan các loài chim hoang dã trên quy mô cả nước mà báo chí đưa tin gần đây có thể làm bùng phát thêm các dịch bệnh khác có nguồn gốc từ động vật hoang dã, nguy cơ tạo ra thảm họa dịch chồng dịch, hủy hoại những nỗ lực và thành quả phòng chống đại dịch Covid-19 và gây lo lắng trong toàn dân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có các bằng chứng khoa học khẳng định khoảng hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, đa phần trong số đó là từ động vật hoang dã. Dịch SARS-2002, cúm gia cầm và đại dịch Covid-19 đều có liên quan đến các chợ buôn bán động vật hoang dã, trong đó có các loài chim hoang dã.

Thực trạng tận diệt chim hoang dã, chim di cư hiện đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học, các chức năng của hệ sinh thái và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu không có biện pháp quyết liệt và hiệu quả để nhanh chóng chấm dứt tình trạng này, Việt Nam có nguy cơ cao bị đưa vào danh sách các nước có nhiều loài chim hoang dã, chim di cư bị đe dọa tuyệt chủng do nạn săn bắt và buôn bán thương mại, mặc dù Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước và Cam kết quốc tế liên quan đến bảo vệ các loài hoang dã.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư - Ảnh 2.

18 tổ chức bảo tồn thiên nhiên đã gửi Thư ngỏ lên Thủ tướng Chính phủ nhằm kiến nghị 6 giải pháp bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư

Để duy trì quần thể các loài chim hoang dã, chim di cư, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các chức năng hệ sinh thái và ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh, các tổ chức bảo tồn đề xuất các cách tiếp cận tổng thể với nhiều biện pháp cụ thể:

Đầu tiên cần thúc đẩy và giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số các giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã: yêu cầu các bộ ngành, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết đánh giá, kịp thời khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt và xử lý kỷ luật các đơn vị không thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Gắn trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, chim di cư cho Ủy ban Nhân dân các cấp;

Hai là sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật có liên quan để bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư, đặc biệt là các loài có vai trò thụ phấn, thiên địch của chuột và côn trùng gây hại, cũng như tăng cường chế tài xử lý các vi phạm có liên quan;

Ba là Ban hành văn bản nghiêm cấm việc quảng cáo, sử dụng, mua bán trực tiếp, trực tuyến, các công cụ bẫy bắt, tận diệt chim hoang dã, chim di cư và các loại công cụ, phương tiện chuyên dùng, tự chế khác;

Bốn là Ban hành văn bản nghiêm cấm việc ăn thịt, giết mổ, tàng trữ, vận chuyển, mua, bán chim hoang dã, chim di cư;

Năm là Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư;

Cuối cùng là tham gia Công ước Quốc tế về Các loài Di cư.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư - Ảnh 4.

Chim hoang dã bị săn, bắt và giết thịt ngay sau Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh

Nhóm các tổ chức bảo tồn thiên nhiên tin tưởng rằng các quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư là hành động có ý nghĩa thiết thực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết nhằm đảo ngược xu thế mất đa dạng sinh học trên toàn cầu vào năm 2030, đồng thời ngăn chặn kịp thời nguy cơ bùng phát các dịch bệnh do buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã gây ra.

Trước đó, cuối tháng 12/2020, Báo NTNN/Dân Việt đã đăng tải loạt bài điều tra: "Đột kích" các tổng kho hành quyết chim trời", phản ánh tình trạng săn bắt, buôn bán, giết thịt chim trời, chủ yếu là các loài chim hoang dã, chim di cư tại khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, đặc biệt là các tỉnh thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Long An, Tiền Giang...

Sau khi điều tra thực tế, Nhóm phóng viên đã mời Kiểm lâm, Công an các tỉnh liên quan đến nhà hàng, tụ điểm săn bắt, buôn bán để phá bẫy, bắt giữ tang vật, xử phạt người vi phạm và thả chim hoang dã về tự nhiên.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư - Ảnh 5.

Công an thành phố Phủ Lý vào cuộc kiểm tra cơ sở nuôi nhốt, giết thịt chim hoang dã trái phép.

Ngay sau khi bài 1 trong loạt bài đăng tải, Cục Kiểm lâm đã ban hành văn bản chỉ đạo các tỉnh vào cuộc kiểm tra, xử lý. Chủ tịch UBND các tỉnh trong loạt bài phản ánh đã nhanh chóng chỉ đạo các bên liên quan vào cuộc.

Sau khi loạt bài đăng tải đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của chính quyền địa phương, và trung ương. Đặc biệt là các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước.

Nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đóng góp những cách làm hay, chuyên gia đóng góp ý kiến lấp những "lỗ hổng" của chính sách, Công ty tư nhân xin được tự bỏ kinh phí bảo tồn chim…

Đặc biệt, Nhóm phóng viên đã được Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường mời đến chia sẻ những hình ảnh, video đã ghi nhận trong quá trình điều tra để làm cơ sở soạn thảo Chỉ thị trình thủ tướng chính phủ xem xét và ban hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem