Kiện toàn Tổ tiết kiệm vay vốn

Chúc Ly Thứ tư, ngày 27/08/2014 08:42 AM (GMT+7)
Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) là một trong những mắt xích quan trọng trong quy trình vay vốn tín dụng chính sách. Nhận thức được điều này, Ngân hàng CSXH tỉnh Hậu Giang cùng các hội đoàn thể tham gia ủy thác đang tiến hành củng cố, sắp xếp lại các tổ TKVV theo hướng liền canh, liền cư.
Bình luận 0

Liền canh, liền cư dân không phải đi xa

Tổ TKVV là cầu nối đắc lực, giúp Ngân hàng CSXH cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách vay vốn vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, do địa bàn cư trú của hội viên dàn trải, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tín dụng.

Ông Lăng Chánh Huệ Thảo - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trước đây, các tổ TKVV quản lý hội viên theo địa bàn từng ấp, khu vực. Có tổ, các hội viên nằm trải dài trên 2 - 3km, thông tin 2 chiều không được thường xuyên, từ đó việc họp bình xét, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, thu lãi gặp khó khăn…”.

Thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ TKVV, Ngân hàng CSXH Hậu Giang kiện toàn theo phương thức quản lý theo tổ tự quản. Mỗi tổ vẫn có 1 tổ trưởng trực tiếp quản lý chung, nhưng ưu tiên sắp xếp các hội viên ở liền kề vào chung một tổ. Mỗi kỳ họp, các hội viên dễ tập hợp, khoảng cách đi lại rút ngắn, dân không phải đi xa…

“Sau kiện toàn, sắp xếp, khoảng cách giữa các tổ bình quân khoảng 1km, rút ngắn rất nhiều so với trước đây. Tổ trưởng là người quản lý sát tổ viên của mình. Điều này cho thấy, sắp xếp tổ TKVV liền canh, liền cư không chỉ tạo điều kiện thuận tiện việc tổ chức hội họp, thu hồi nợ mà hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ đến hội viên dễ dàng hơn” - ông Thảo chia sẻ.

Chất lượng tín dụng được cải thiện

Tại huyện Phụng Hiệp, sau khi sắp xếp lại các tổ TKVV, công tác kiểm tra sử dụng nguồn vốn trở nên chặt chẽ, hiệu quả thu lãi nâng lên rõ rệt. “Trước đây, thu lãi chỉ đạt 70-80%, sau khi sắp xếp, tổ TKVV thu lãi đạt trên 96%; công tác vận động hội viên gửi tiền tiết kiệm thuận lợi; tỷ lệ hội viên gửi tiết kiệm đạt hơn 80%” - ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phụng Hiệp cho hay.

Các tổ trưởng là người đầu tiên thấy được tác dụng của việc kiện toàn tổ TKVV. Ông Nguyễn Công Lý - Tổ trưởng tổ TKVV ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành (Phụng Hiệp) chia sẻ: “Sau khi thực hiện sắp xếp lại, tổ tui có 58 hội viên cư trú liền canh, liền cư. Tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ trên 95%. Bên cạnh đó, các hội viên đều là hàng xóm, hiểu được hoàn cảnh của nhau nên dễ hỗ trợ, giúp đỡ nhau thoát nghèo”.

Ông Lý cho hay: “Thời gian đầu sắp xếp lại tổ TKVV, do hội viên chưa quen với sự thay đổi nên hoạt động các tổ có khó khăn, nhưng nay đã đi vào nền nếp. Theo các tổ trưởng, do các hội viên ở gần nhau nên chỉ 1-2 ngày là hoàn tất việc thu lãi, dân không phải đi lại nhiều mà ban quản lý cũng giảm được chi phí xăng xe”.

   Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có 2.329 tổ TKVV, trong đó trên 62% tổ hoạt động tốt; 50% tổ đã tiến hành kiện toàn; nợ quá hạn giảm hơn 7 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối năm 2014, Hậu Giang sẽ hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn 100% tổ TKVV theo hướng liền canh, liền cư.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem