Dấu hiệu hồi phục của kinh tế TP.HCM qua những đơn hàng

Quốc Hải Thứ năm, ngày 12/10/2023 12:45 PM (GMT+7)
Dù khó khăn chưa qua, nhưng những tín hiệu tích cực về xuất khẩu, đơn hàng gia tăng ở các doanh nghiệp (DN) dệt may, nông nghiệp,... đã làm "nóng" lên kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong 3 tháng cuối năm.
Bình luận 0

Hơn một tháng nay, nhà máy sản xuất của Công ty May mặc Dony (H.Bình Chánh, TP.HCM) liên tục sáng đèn, công nhân tăng ca hết công suất để kịp đơn hàng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Phạm Quang Anh, CEO Dony cho biết, DN chuẩn bị ký được một đơn hàng đi Trung Đông. Tiếp đến là qua tháng 11, Dony cũng sẽ ký thêm được một đơn hàng đi Mỹ. Tổng cộng giá trị được khoảng 6 container.

"Với 2 đơn hàng này, Dony đủ việc làm cho công nhân đến tháng 2 năm sau", ông Quang Anh nói.

Kinh tế TP.HCM "ấm dần" qua những đơn hàng - Ảnh 1.

Các DN dệt may đang có đơn hàng trở lại. Ảnh: Q.H

Doanh nghiệp dần phục hồi qua những đơn hàng

Theo CEO Dony, 9 tháng đầu năm, lượng đơn hàng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Gần đây Dony khai thác thêm thị trường Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia... Với thị trường nội địa, bên cạnh lượng khách hàng cũ là những DN nhỏ và vừa, Dony có thêm nhiều khách hàng mới là các DN lớn đặt may đồng phục cho nhân viên, trường học may đồng phục học sinh.

"Để kịp thời giao cho khách hàng, Dony đang cho công nhân tăng ca liên tục và vì thế công nhân cũng có mức thu nhập tăng thêm, đạt khoảng 13-15 triệu đồng/tháng. Đây là một nỗ lực rất lớn của DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay", ông Quang Anh nói.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (AGTEK), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết đơn hàng của DN dệt may bắt đầu phục hồi khoảng 80% so với trước đây.

"Hiện nhiều DN cũng đã có những đơn hàng mới vì thị trường xuất khẩu cũng đang ấm dần trở lại. Mặc dù, thị trường xuất khẩu chưa đạt được mục tiêu như các năm nhưng đây là động lực để các DN tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng sản xuất cho 3 tháng cuối năm", ông Việt chia sẻ.

Không chỉ lĩnh vực dệt may, các lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ... cũng đang tăng trưởng đơn hàng trở lại hoặc có những tín hiệu tích cực về xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, không chỉ đơn hàng xuất khẩu bưởi phục vụ cho nhu cầu cuối năm đang tăng mà các loại trái cây khác như nhãn, thanh long... cũng đang xuất khẩu rất tốt. Nhìn chung là một gam màu tươi sáng, đặc biệt dịp cuối năm, xuất khẩu trái cây nói chung còn nhiều triển vọng đi lên tiếp vì đơn hàng rất nhiều.

"Nhiều lô hàng của Vina T&T đang gấp rút hoàn thiện để lên đường sang Mỹ. Nhờ đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu, chúng tôi đã gia tăng gần 30% đơn đặt hàng ngay từ đầu quý III này, đưa công suất nhà máy lên 80%", ông Tùng cho hay.

"Khoảng một tuần nữa, các công nhân sẽ được tăng ca để làm các đơn hàng Tết 2024", ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo, TP.HCM) hào hứng chia sẻ.

Kinh tế TP.HCM "ấm dần" qua những đơn hàng - Ảnh 2.

Các DN có đơn hàng tăng trở lại cũng giúp kinh tế TP.HCM dần phục hồi và tăng trưởng. Ảnh: Q.H

Theo ông Tâm, công ty cũng vừa qua đợt cao điểm tăng ca kéo dài hơn một tháng, nay chuẩn bị làm hàng Tết nên nhà máy gần như sáng đèn xuyên đêm. Công ty đang hoạt động 3 ca, khi công nhân tăng ca sẽ làm thêm từ 2 - 4 tiếng.

"Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động bình quân 22 triệu đồng/tháng. Đây là một nỗ lực rất lớn của DN , ông Tâm cho biết thêm.

Kích thích các "cực" tăng trưởng

Theo dữ liệu của Cục Thống kê TP.HCM, tăng trưởng quý III của TP.HCM đạt 6,7%, góp phần đưa mức tăng trưởng 9 tháng là 4,57 %. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,2%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 5,8 %, các hoạt động dịch vụ phát triển ổn định. Dự tính đến cuối năm sẽ đạt 19/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 lần thứ 23 (mở rộng) diễn ra cách đây 2 ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho rằng, nếu tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt 5% thì TP.HCM phải đạt 6%, nếu cả nước đạt 6% thì thành phố phải đạt từ 7,2-7,3%. Nếu như vậy, quý IV tăng trưởng kinh tế của thành phố phải đạt gấp đôi quý III, điều này là rất khó.

Do đó, ông Mãi cho rằng TP phải tập trung các biện pháp để đạt được tăng trưởng cao nhất, cố gắng sẽ đạt từ 6%-7%. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy chi tiêu công, đầu tư công và kích cầu tiêu dùng, làm cho trụ cột tiêu dùng trong quý IV đạt cao nhất. Đồng thời mở rộng hợp tác với các vùng.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, không xem việc hợp tác với các vùng là trách nhiệm của thành phố mà đó là nguồn lực của TP.HCM.

"Việc ký kết với các vùng trên thực tế là mở rộng phát triển, thêm động lực phát triển cho thành phố", ông Mãi nhấn mạnh.

Trước mắt, TP yêu cầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư công hiệu quả. Đây là việc quan trọng, kích thích tổng cầu hỗ trợ tăng trưởng chứ không chỉ là giải ngân đầu tư công.

"Có nhiều lý do dẫn đến giải ngân đầu tư công của thành phố chậm nhưng vấn đề là chúng ta phải giải quyết như thế nào?", Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu vấn đề và lưu ý, từ nay đến cuối năm phải tiếp tục cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận các gói tín dụng và các chính sách mới về miễn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh TP phải đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng nhiều giải pháp, trong đó có bình ổn giá vì đây là một trong những hoạt động cụ thể để góp phần tăng trưởng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem