Chị Nông Thị Thu Hải - Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB chủ yếu hoạt động vào ban đêm, bà con đi làm về mệt nên ngại tham gia sinh hoạt… Để tháo gỡ khó khăn, CLB phối hợp với thôn trưởng, cán bộ, bí thư chi đoàn thôn đến từng nhà vận động bà con. Đồng thời tuyên truyền thông qua các hình thức như: Phát tờ rơi, phiếu cho bà con ghi lại những vướng mắc của mình hoặc bà con đặt câu hỏi trực tiếp cho cán bộ tại buổi sinh hoạt. Nội dung câu hỏi của bà con chủ yếu xoay quanh các vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày như tranh chấp đất đai, giáo dục, bạo lực gia đình…
Việc thành lập CLB đã tạo điều kiện cho cán bộ nắm rõ hơn về tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương. Giúp bà con tháo gỡ được nhiều vấn đề mà với bà con vùng sâu, vùng xa không biết làm thế nào. Đó là nhiều cặp vợ chồng lấy nhau không có đăng ký kết hôn; con cái sinh ra đến tuổi đi học không được làm giấy khai sinh; tình trạng tảo hôn tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số...
Ông A Hải ở thôn 4, thị trấn Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy cho biết: “Vợ chồng tôi sinh con được hơn 1 năm nhưng vì không hiểu luật nên không làm giấy khai sinh cho con. Sau khi tham gia các buổi sinh hoạt do CLB trợ giúp pháp lý tổ chức, tôi đã được cán bộ giải thích như thế là không đúng và hướng dẫn cho tôi cách làm thủ tục. Tôi vừa làm xong giấy khai sinh cho con”.
Ông A Điêu cũng ở thôn 4 cho biết: Con tôi đi học tại trường làng nhưng nước uống ở đây không đảm bảo vệ sinh. Khi các cháu sử dụng nguồn nước này, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tôi chưa có điều kiện kiến nghị với trường. Nay nhờ các cán bộ trong CLB trợ giúp pháp lý, tôi được hiệu trưởng trường đích thân giải thích và đưa ra cách giải quyết. Tôi rất hài lòng. Tôi mong CLB sẽ tổ chức sinh hoạt thường xuyên hơn, giúp chúng tôi tìm hướng giải quyết những vướng mắc mà bản thân chúng tôi chưa hiểu và không biết phải hỏi ai.
Ngọc Phượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.