Kỳ lạ linh thú bằng đá xanh canh gác di tích Cổ Bi

Duy Huy Thứ bảy, ngày 31/12/2022 13:18 PM (GMT+7)
Tọa lạc tại tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội, hành cung Cổ Bi (đình Bình Minh) là chứng tích sinh động, cụ thể về một thời kỳ đặc biệt của lịch sử dân tộc, thời vua Lê - chúa Trịnh, “song trùng quyền lực” kéo dài hơn 2 thế kỷ.
Bình luận 0

Video những dấu tích còn sót lại của Hành cung Cổ Bi xưa. Thực hiện: Duy Huy.

Giai thoại về hành cung "vang bóng một thời"

Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 11, Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái năm thứ 8 (1727) xây dựng hành cung Cổ Bi. Chúa Trịnh đi đến Như Kinh, ưa thích phong thuỷ ở Cổ Bi muốn xây dựng kinh đô mới ở đó. Các tụng thần cũng xin cho dựng hành cung để chuẩn bị khi chúa đi tuần du.

Chúa bèn lệnh cho quần thần chọn đất vẽ bản đồ dâng lên chúa xem. Công việc xây dựng trong một tháng thì xong. Nhân lúc ở hành cung Cổ Bi, chúa Trịnh cho tuyên đọc lệnh chỉ ban ơn phong chức cho các quan văn võ như bọn Đại tư đồ Trịnh Quán, thiếu phó Nguyễn Công Hãng, cao thấp có khác nhau".

Kỳ lạ linh thú bằng đá xanh canh gác di tích Cổ Bi  - Ảnh 2.

Di tích hành cung Cổ Bi (đình Bình Minh) ngày nay.

Bên cạnh những sử liệu còn lưu lại cho đến ngày nay, dân gian còn lưu truyền nhiều giai thoại về hành cung Cổ Bi. Ông Lê Xuân Phùng – Thủ từ hành cung Cổ Bi (đình Bình Minh) kể lại, tháng 11/1727, chúa Trịnh Cương dựng phủ đệ mới ở Cổ Bi. Công việc làm một tháng đã hoàn thành, đặt tên là phủ Kim Thành.

Tuy nhiên, theo dõi những ghi chép của sử thành văn thì có lẽ vì chúa Trịnh Cương không muốn đặt Phủ chúa ở Thăng Long cùng với vua Lê nữa, muốn biến Cổ Bi thành trung tâm quyền lực của mình, với tư cách là người điều hành quốc gia. Khi đó, Cổ Bi được coi như kinh đô với tên gọi Kim Thành (tòa thành vàng).

Sau khi hoàn thành, hành cung Cổ Bi được đặt tên là phủ Kim Thành. Tiếc rằng, tháng 7-1729, đê Cự Linh bị vỡ, khiến hành cung Cổ Bi đổ nát.

Kỳ lạ linh thú bằng đá xanh canh gác di tích Cổ Bi  - Ảnh 3.

Tượng chúa Trịnh Cương – người cho xây dựng hành cung Cổ Bi đang được thờ phụng tại di tích.

Tháng 11 năm ấy, chúa Trịnh Cương đột ngột qua đời. Sau khi lên ngôi, chúa Trịnh Giang (con trai trưởng của chúa Trịnh Cương) cho dỡ hành cung lấy vật liệu xây dựng hai chùa Quỳnh Lâm (thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) và chùa Sùng Nghiêm (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Năm 1755, chúa Trịnh Doanh cho dựng cung miếu tại hành cung Cổ Bi. Nhưng hai chục năm sau, khi lên ngôi vua Lê Chiêu Thống đã cho phá hủy cung điện của các chúa Trịnh; hành cung Cổ Bi cũng không tránh khỏi sự trả thù của ông vua cuối cùng triều nhà Lê.

Linh thú bằng đá xanh còn sót lại tại Cổ Bi

Theo truyền thuyết dân gian, cho đến giữa thế kỷ XVIII, Hành cung Cổ Bi là một hệ thống thành lũy, cung điện nguy nga bề thế. Trên đồi Cổ Bi, đặt đại bản doanh chúa Trịnh, là một cung điện lớn, kiến trúc gỗ, hệ thống đường thành đi lên cung điện rộng rãi, hai bên có đặt các con thú lớn được tạo bằng đá xanh, ngồi chầu ở tư thế cân đối.

Kỳ lạ linh thú bằng đá xanh canh gác di tích Cổ Bi  - Ảnh 4.

Linh thú bằng đá xanh nguyên khối có giá trị thẩm mỹ cao, các linh vật này được tạo tác công phu, nét chạm khắc mềm mại, trau chuốt được thể hiện ở hình dáng, khuôn mặt và ở các chi tiết nhỏ như móng vuốt, râu, lông của linh vật.

Xung quanh Cổ Bi là hệ thống các hành dinh của các quan tùy tùng trong phủ chúa Trịnh. Bên trong thành Cổ Bi có rất nhiều cây cổ thụ, cành lá sum suê, tạo cho Cổ Bi trở thành một quần thể kiến trúc tuyệt đẹp.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, quy mô của di tích còn lại khá khiêm tốn. Dấu tích cũ chỉ còn mấy cây duối, cây đại hàng trăm năm tuổi, đặc biệt là ba cặp tượng linh thú bằng đá xanh mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII, được đánh giá là lớn nhất trong số những linh thú bằng đá còn sót lại tại các di tích ở nước ta.

Kỳ lạ linh thú bằng đá xanh canh gác di tích Cổ Bi  - Ảnh 5.

Ông Lê Xuân Phùng – Thủ từ hành cung Cổ Bi giới thiệu với du khách về những giá trị lịch sử của hành cung Cổ Bi

Ông Lê Xuân Phùng – Thủ từ hành cung Cổ Bi (đình Bình Minh) cho biết thêm, năm 2019, hành cung Cổ Bi (đình Bình Minh) được nhà nước trùng tu, tôn tạo với Khu kiến trúc chính được xây dựng theo hướng nam, toà Đại đình gồm 5 gian, 2 dĩ, mái được lợp ngói ta, bờ nóc và bờ dải đắp gờ nhô cao.

Kết nối với gian chính giữa của toà đại đình là Hậu cung, trong Hậu cung được xây hai bệ thờ bằng gạch. Các đồ thờ được sắp xếp: nơi cao nhất là nơi đặt tượng thờ chúa Trịnh Cương ngồi trên ngai (tượng có chiều cao là 0,95m, ngai thờ có chiều cao là 0,98m). Tiếp ở phía trước là nơi đặt các đồ thờ tự khí, dọc hai bên bệ thờ phía ngoài đặt bộ chấp kích.

Hành cung Cổ Bi đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2007.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem