Kỳ tích “lúa ma” Đồng Tháp Mười

Thứ hai, ngày 03/02/2014 07:07 AM (GMT+7)
"Lúa ma" là mắt xích duy nhất giữ chân hệ sinh thái của khu Ramsar không bị sụp đổ. Trong mùa lũ, nước dâng lên cao, các loại cây khác bị hụt đầu, chết ráo, chỉ có cây "lúa ma" là vươn lên, vượt khỏi mặt nước, làm đòng...
Bình luận 0
Cây "lúa ma" chín vào mùa nước nổi linh binh, gặp nắng, hột lúa rụng, cắm cái đuôi dài xuống đất, ẩn mình chịu đựng trong ròng rã mùa nước lũ. Nước rút, khô hạn kéo dài. Mưa xuống, hột lúa ấy nảy mầm, sống ẩn dật giữa bạt ngàn cỏ dại. Đợi mùa lũ tới, nước dâng cao, bao nhiêu cỏ cây bị hụt ngọn. Chết ráo. Chỉ có cây "lúa ma" vươn lên, vượt khỏi mặt nước. Làm đòng. Lại chín. Lại rụng, để nối tiếp mầm xanh cho sự sống của Đồng Tháp Mười.

img
Thu hoạch "lúa ma" ở VQG Tràm Chim Tam Nông. Bông "lúa ma" vươn cao lên khỏi mặt nước lũ để làm đòng. Chín. Lại rụng để nối tiếp mầm xanh cho sự sống ở Đồng Tháp Mười. Ảnh: Phong Hưng

Bốn giờ sáng. Muôn loài ở Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim vẫn còn chìm sâu trong giấc ngủ. Đêm nay không trăng, bầu trời như một cái bát úp màu đen khổng lồ, chỉ còn vài vì sao cuối cùng cố nán lại khoe chút ánh sáng yếu ớt trước khi bình minh thức dậy. Mấy chiếc xuồng cui nhẹ nhàng lướt êm.

Anh Tư Xúc vẫn hì hụi, thoăn thoắt tay chống, tay rút cây sào tre dài hơn sáu thước, nghe lủm bủm trên mặt nước. Anh bảo, từ đây tới đồng "lúa ma" còn xa mấy cây số tính theo đường chim bay.

Đoàn xuồng nối đuôi nhau đi thẳng vào "ruột" khu Samsar. Phía trước, những khối màu đen lờ mờ xuất hiện, nhô cao khỏi mặt nước. Tư Xúc bảo, đó là đồng "lúa ma", nghe đâu rộng đến cả mười triệu công đất lận. Thoáng thấy bóng người, mấy cánh vạc đi kiếm ăn muộn, giật mình vỗ cánh sậm sận bay. Lũ chim chích làm ổ ngay trên những giề lúa ma nổi bềnh bồng, bị phá giấc ngủ kêu re ré, rồi bay mất. Không gian trở lại tĩnh mịch, yên ắng lắm. Nhưng đồng lúa ma đã tỉnh giấc tự lúc nào, đang rì rào, chuyện trò cùng gió chướng.

Tư Xúc thì thào: "Nếu không gian tĩnh lặng, mình có thể nghe được tiếng "trở mình" của hột "lúa ma" đang chín". Tôi không cãi lại cái cảm giác hoang đường ấy của Tư Xúc. Dám quả quyết vậy, bởi gia đình Tư Xúc là dân cố cựu Đồng Tháp Mười. Những ngày đầu khai phá vùng đất phương Nam, cuộc sống vô cùng khốn khó. Nhưng những cư dân du mục đến Đồng Tháp Mười thì không sợ thiếu cái ăn như xứ khác. "Lúa ma" có sẵn, đầy đồng; cá tôm nhiều không tả nổi, dưới nước. Mùa nước nổi, cứ đem xuồng ra đồng "lúa ma", mặc sức thu hoạch.

"Mà lạ lắm, bông "lúa ma" cứng hơn lúa thường, khi chín vẫn không chịu "cong trái me", bông lúa đứng thẳng, hiên ngang vượt lên mặt nước. Mỗi đêm, bông lúa chỉ chín vài hột nên không thể nào đem lưỡi hát cắt về. Ông bà mình hồi đó hay lắm nghen. Họ nghĩ ra cách thu hoạch "lúa ma" độc đáo. Giữa xuồng dựng lên một tấm mê bồ, một cây tre như cây cần câu và hai cây sào tre một đầu cột phía sau lái. Một người chống xuồng xuyên qua chỗ "lúa ma" đang chín, người ngồi sau cầm hai cây sào câu ngọn lúa ma vô xuồng, đập mạnh. Hột lúa nào chín thì rụng vô xuồng, hột còn sống vẫn sống... nhăn răng", Tư Xúc hào hứng kể.

Cái cách thu hoạch "lúa ma" độc đáo đó được những cư dân Đồng Tháp Mười truyền từ đời này sang đời khác. Hỏi sao lại gọi "lúa ma", Tư Xúc cười khì. "Tại hột lúa sợ... mặt trời. Nó chỉ chín vào ban đêm, mỗi đêm vài ba hột, tới sáng khi mặt trời lên hẳn là những hột lúa chín tự rụng, trốn mình xuống cánh đồng nước lũ. Muốn thu hoạch "lúa ma" phải đi từ khuya đến trước lúc hừng đông", Tư Xúc giải thích và nói thêm: "Dân Đồng Tháp Mười còn gọi đây là "lúa trời", bởi nó đúng là hột ngọc trời đã cứu dân chúng ấm no trong những năm bão lụt".

Tiến sĩ Dương Văn Ni, nhà môi trường, nhiều năm gắn bó nghiên cứu ở "Đồng Tháp Mười" thu nhỏ - VQG Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nói, đó là kỳ tích mà chỉ có ở cây lúa mang cái tên lạ lùng nhất thế giới. Đây cũng là loài thực vật hiếm, chỉ có mặt một vài nơi trên thế giới. Nhưng khả năng thích nghi với vùng đất ngập nước sâu hàng thước vẫn vươn lên làm đòng, trổ bông thì hiện tại chỉ có ở Tràm Chim. Mùa này, "lúa ma" chín, hương thơm của hột ngọc trời lan tỏa miên man trên mặt nước.

Mặt trời vừa ló rạng phía đằng đông, tiến sĩ Ni bảo, những hột lúa chín bắt đầu run sợ. Anh cho xuồng tiến thẳng vào đám lúa có màu đen đen, ngà ngà trước mặt. Dè dặt rút một thân lúa ma từ sâu trong nước, đặt lên xuồng. Ba thước mốt, tính từ gốc đến khoang nước ngập cổ bông. Ấy là chiều sâu phổ biến ở đồng "lúa ma" của VQG Tràm Chim. Tiến sĩ Ni chỉ cho tôi những hột "lúa ma" đã chín đang co ro chuẩn bị cho cuộc ẩn mình thầm lặng. Dõi mắt theo cánh tay anh vẽ một vòng giữa không trung, đó là diện tích của đồng "lúa ma" ở Tràm Chim, có đến cả 1.000 ha, hết thảy. "Đây là diện tích cuối cùng hiếm hoi và duy nhất ở Đông - Nam Á còn "lúa ma", đúng nghĩa", nhà môi trường quả quyết.

Tiến sĩ Dương Văn Ni khẳng đinh, "lúa ma" đang sở hữu nguồn gene vô cùng quý giá. Đây chính là nền móng quan trọng để nghiên cứu lai tạo ra giống lúa có khả năng chịu ngập, chịu hạn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe dọa vựa lúa đồng bằng.

Kể ra thì đúng là "quỷ cốc" có nhiều kỳ tích lắm. Nó là một trong hai sinh cảnh chủ chốt, quần xã thực vật quan trọng ở VQG Tràm Chim: "Lúa ma" và năn kim. "Lúa ma" là mắt xích duy nhất giữ chân hệ sinh thái của khu Ramsar không bị sụp đổ. Trong mùa lũ, nước dâng lên cao, các loại cây khác bị hụt đầu, chết ráo, chỉ có cây "lúa ma" là vươn lên, vượt khỏi mặt nước, làm đòng. Nó là thức ăn chủ chốt của trâu, bò và cho tất cả những loài trong hệ sinh thái ở Tràm Chim.

Nhưng kỳ tích vang dội nhất là sức sống bất diệt của hột ngọc trời này. Cây "lúa ma" chín vào mùa nước nổi, gặp nắng, hột lúa rụng, cắm cái đuôi dài xuống đất, ẩn mình chịu đựng ròng rã suốt mùa nước lũ. Nước rút, mùa khô hạn kéo dài. Mưa xuống, hột lúa ấy nảy mầm, sống ẩn dật giữ bạt ngàn cỏ dại. Đợi mùa lũ tới, nước dâng cao, bao nhiêu cỏ cây bị hụt ngọn. Chết ráo. Chỉ có cây "lúa ma" vươn lên, vượt khỏi mặt nước. Làm đòng. Lại chín. Lại rụng, để nối tiếp mầm xanh cho sự sống của Đồng Tháp Mười.

"Lúa ma" - biểu tượng của sự sống gang thép, kỳ tích của vùng đất, con người quê hương Đồng Tháp kiên cường, luôn biết cách tồn tại, thích nghi và thành công giữa những khó khăn, nghiệt ngã.
(Theo Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem